Telegram nói thật vô lý khi Pháp bắt CEO Pavel Durov
Tỷ phú gốc Nga Pavel Durov đã bị bắt tại sân bay Paris-Le Bourget khi ông đến Pháp bằng máy bay riêng vào tối 24/8 (giờ địa phương). Văn phòng công tố Paris đã xác nhận cuộc điều tra đang diễn ra đối với Durov, và truyền thông Pháp đưa tin ông bị cáo buộc đã không kiểm duyệt đầy đủ hoạt động tội phạm trên nền tảng.
Trong một tuyên bố vào 25/8, Telegram cho biết việc kiểm duyệt của họ "trong chuẩn mực ngành và liên tục được cải thiện", đồng thời nói thêm họ đang tuân thủ luật pháp EU, bao gồm cả Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số. Đây là đạo luật có hiệu lực từ 2024, yêu cầu các nền tảng phải kiểm soát chặt chẽ hơn nội dung có hại và thông tin sai lệch, nếu không sẽ có nguy cơ bị phạt hoặc bị hạn chế hoạt động trong phạm vi EU.
"Thật vô lý khi cho rằng một nền tảng hoặc chủ sở hữu của nó phải chịu trách nhiệm về việc lạm dụng nền tảng đó," Telegram nhận định. Đồng thời, nền tảng cũng đang tìm giải pháp nhanh chóng. Ngày 26/8, Telegram cho biết nhà sáng lập của họ "không có gì phải giấu giếm và thường xuyên đi lại ở châu Âu".
Tờ Financial Times đưa nhận định việc tạm giữ Durov đánh dấu hành động quyết liệt nhất chống lại một giám đốc mạng xã hội cho đến nay và đe dọa làm bùng hơn nữa cuộc tranh luận toàn cầu về việc các nền tảng nên ưu tiên an toàn trực tuyến hay tự do ngôn luận.
Những người ủng hộ tự do ngôn luận như Elon Musk đã chỉ trích chính quyền Pháp. Ông chủ của mạng xã hội X đăng hashtag "#freepavel" trên nền tảng của mình.
Theo một số kênh truyền hình Pháp, chính quyền nước này đã điều tra xem liệu những thất bại trong kiểm duyệt của Telegram có giúp tạo điều kiện cho các hoạt động bất hợp pháp bao gồm khủng bố, buôn bán ma túy, rửa tiền, gian lận và bóc lột trẻ em hay không.
Ông Pavel Durov được biết đến với biệt danh "Mark Zuckerberg của Nga" sau khi đồng sáng lập mạng xã hội phổ biến nhất của nước này - VKontakte, tại quê nhà St Petersburg vào năm 2007. Ông rời khỏi Nga vào năm 2014 sau khi từ chối tuân thủ yêu cầu của Moscow về việc truy cập dữ liệu.
Được thành lập vào năm 2013, Telegram đã bùng nổ về độ phổ biến, với gần 1 tỷ người dùng và trở thành một trong những công cụ giao tiếp chính trong các khu vực xung đột như Nga-Ukraine hay Israel-Hamas. Durov đã áp dụng cách tiếp cận không can thiệp đối với việc kiểm duyệt, hướng tới việc Telegram không thể bị chính phủ xâm phạm.
Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu đã cảnh báo rằng nó đã trở thành trung tâm cho các hoạt động bất hợp pháp và cực đoan do hậu quả của định hướng trung lập với chính quyền.
Durov hiện có song song hai quốc tịch là Pháp và UAE. Tuy nhiên, nguồn gốc Nga của ông đã khiến một số nhà lập pháp ở Moscow kêu gọi thả ông và cho rằng việc bắt giữ có động cơ chính trị, trong khi đại sứ quán Nga tại Pháp cho biết họ đã yêu cầu được tiếp cận lãnh sự với Durov.
Trong những năm gần đây, ông Durov đã cố gắng tách mình và ứng dụng Telegram khỏi Nga, giữa những đánh giá của các nhà phê bình rằng Kremlin có thể vẫn có liên quan đối với Telegram.
"Anh ta (Durov) nghĩ những vấn đề lớn nhất của mình là ở Nga và đã rời đi", cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev viết trên kênh Telegram của ông vào 26/8. Đồng thời, ông Medvedev cho rằng nhà sáng lập Telegram đã tính toán sai.