Ông Medvedev: CEO Telegram đã 'tính toán sai lầm' khi rời Nga
Hôm 25/8, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho biết ông Pavel Durov, nhà sáng lập kiêm CEO của ứng dụng nhắn tin Telegram, đã tính sai khi rời khỏi Nga.
Ông Medvedev còn nhận định Durov - người có khối tài sản ròng khoảng 15,5 tỷ USD - cũng sai lầm khi nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ phải hợp tác với các cơ quan an ninh ở nước ngoài.
Theo Reuters, ông Medvedev đã kể lại cuộc trò chuyện cùng Durov cách đây vài năm. Khi đó, cựu Tổng thống Nga nói ông Durov sẽ gặp rắc rối ở bất kỳ quốc gia nào nếu không muốn hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật.
Ông Medvedev, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cho biết nhà sáng lập ứng dụng Telegram muốn trở thành “một người đàn ông toàn cầu khôn ngoan, sống sung sướng mà không cần quê hương”.
“Anh ta đã tính toán sai lầm”, ông Medvedev viết trên chính nền tảng Telegram. “Đối với tất cả những kẻ thù chung của Nga hiện nay, Durov là người Nga. Anh ta cuối cùng sẽ hiểu ra rằng chẳng ai được lựa chọn quê hương cho mình”.
Trước đó, hai kênh truyền hình TF1 và BFM của Pháp đưa tin ông Durov đã bị bắt tại sân bay Bourget ở ngoại ô Paris vào tối ngày 24/8 (khoảng rạng sáng ngày 25/8 theo giờ Việt Nam).
Lý do bắt giữ ông Durov liên quan đến một cuộc điều tra tập trung vào tình trạng thiếu người kiểm duyệt của Telegram. Pháp cáo buộc vấn đề thiếu người kiểm duyệt đã tạo điều kiện cho hoạt động tội phạm diễn ra một cách không kiểm soát trên ứng dụng nhắn tin này.
Ông Durov (39 tuổi) sinh ra tại St. Peterburg, một thành phố mang nhiều dấu ấn lịch sử của Nga. Sau khi tốt nghiệp Đại học St. Petersburg vào năm 2006, Durov cùng anh trai Nikolay thành lập VKontakte - mạng xã hội lớn nhất tại Nga.
Sau đó, ông phát triển thêm Telegram. Hiện tại, Telegram là nền tảng cạnh tranh với các ứng dụng mạng xã hội khác như WhatsApp hay Instagram của Meta Platforms, TikTok và Wechat. Telegram đặt mục tiêu đạt 1 tỷ người dùng thường xuyên hàng tháng trong vòng một năm tới.
Telegram có ảnh hưởng khá lớn ở Nga, Ukraine và các nước thuộc Liên Xô cũ. Ứng dụng này đã trở thành một nguồn cung cấp thông tin quan trọng trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Các quan chức Moscow và Kiev đều sử dụng Telegram. Một số nhà phân tích còn gọi đây là “chiến trường ảo” của cuộc chiến.