|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

CEO Telegram vừa bị bắt là ai?

15:32 | 25/08/2024
Chia sẻ
Nhà sáng lập ứng dụng Telegram bị bắt tại Pháp vào tối ngày 24/8 theo giờ địa phương.

 

Tỷ phú Pavel Durov, nhà sáng lập kiêm CEO Telegram, có khối tài sản ròng khoảng 15,5 tỷ USD. (Ảnh: Reuters).

Ông Pavel Durov, nhà sáng lập kiêm CEO ứng dụng Telegram, vừa bị bắt tại sân bay Bourget (Pháp) vào tối ngày 24/8, hai kênh truyền hình TF1 TV và BFM TV đưa tin.

TF1 và BFM đều cho biết lý do bắt giữ Durov liên quan đến một cuộc điều tra tập trung vào tình trạng thiếu người kiểm duyệt của Telegram.

Chính phủ Pháp cáo buộc vấn đề thiếu người kiểm duyệt đã tạo điều kiện cho hoạt động tội phạm diễn ra một cách không kiểm soát trên ứng dụng nhắn tin mà Durov phát triển.

Telegram, Bộ Nội vụ và cảnh sát Pháp đều không phản hồi yêu cầu bình luận của Reuters. Nga, quốc gia trước đây từng cố gắng cấm Telegram, cho biết họ đang “làm rõ” tình hình của ông Durov.

CEO Telegram là ai?

Pavel Durov (39 tuổi) sinh ra tại St. Peterburg, một thành phố mang trong mình nhiều dấu ấn lịch sử của Nga. Sau khi tốt nghiệp Đại học St. Petersburg vào năm 2006, Durov cùng anh trai Nikolay thành lập VKontakte - mạng xã hội lớn nhất tại Nga.

Sau đó, ông phát triển thêm Telegram. Hiện tại, Telegram là nền tảng cạnh tranh với các ứng dụng mạng xã hội khác như WhatsApp hay Instagram của Meta Platforms, TikTok và Wechat. Telegram đặt mục tiêu đạt 1 tỷ người dùng thường xuyên hàng tháng trong vòng một năm tới.

Telegram có ảnh hưởng khá lớn ở Nga, Ukraine và các nước thuộc Liên Xô cũ. Ứng dụng này đã trở thành một nguồn cung cấp thông tin quan trọng trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.

Các quan chức Moscow và Kiev đều sử dụng Telegram. Một số nhà phân tích còn gọi đây là “chiến trường ảo” của cuộc chiến.

Các quan chức Nga và Ukraine thường xuyên sử dụng Telegram để thông báo các diễn biến quan trọng của cuộc chiến. (Ảnh minh hoạ: AP).

Forbes ước tính khối tài sản ròng của Durov vào khoảng 15,5 tỷ USD. Vị tỷ phú rời Nga vào năm 2014 sau khi từ chối yêu cầu của Điện Kremlin về việc đóng cửa các nhóm đối lập trên Vkontakte.

Pavel Durov trở thành công dân Pháp vào tháng 8/2021. Sau đó, ông di chuyển đến Dubai và đặt trụ sở của Telegram tại thành phố xa hoa này vào năm 2017.

Theo truyền thông Pháp, Durov được cấp thêm quốc tịch UAE. Ngoài ra, CEO Telegram cũng là công dân của St. Kitts & Nevis, một quốc đảo ở vùng Caribe.

Nga bắt đầu chặn Telegram vào năm 2018 sau khi ứng dụng này từ chối tuân thủ lệnh của toà án về việc cho phép cơ quan an ninh tiếp cận vào các tin nhắn mã hoá của người dùng.

Động thái trên không gây ảnh hưởng đến khả năng truy cập của người Nga đối với Telegram, nhưng nó lại khơi mào cho các cuộc biểu tình lớn ở Moscow và sự chỉ trích từ các tổ chức phi chính phủ.

Tuy nhiên, sự phổ biến ngày càng lớn của Telegram đã thúc đẩy một số quốc gia châu Âu, bao gồm Pháp, tăng cường giám sát ứng dụng này. Họ lo ngại về rủi ro bảo mật và vi phạm dữ liệu của Telegram.

Vào tháng 5, cơ quan quản lý công nghệ của Liên minh châu Âu (EU) đã liên lạc với Telegram khi ứng dụng nhắn tin của ông Durov gần đạt một tiêu chí có thể buộc họ phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt hơn theo luật nội dung trực tuyến mới của khối kinh tế chung.

Trước đó vào tháng 4, trong một cuộc phỏng vấn với nhà báo Mỹ Tucker Carlson, Durov bày tỏ: “Tôi thà tự do còn hơn phải nghe theo lệnh của bất kỳ ai”. Cuộc phỏng vấn tập trung vào việc Durov rời khỏi Nga và tìm kiếm một ngôi nhà mới cho Telegram.

Khả Nhân

Data Talk tháng 9: 'Có những lần suy thoái khiến thị trường chứng khoán giảm 80 - 90%'
Theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Công ty Chứng khoán DSC, chi nhánh TP HCM, có những lần suy thoái khiến thị trường giảm 80 - 90%, ngay cả cuộc suy thoái kỹ thuật cũng khiến thị trường rơi 20 - 30%. Thị trường chứng khoán Việt Nam khó tránh khỏi ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế Mỹ.