CEO Telegram chỉ tin vào tiền mặt và bitcoin
Pavel Durov, tỷ phú công nghệ và người sáng lập ứng dụng nhắn tin nổi tiếng Telegram, vừa bị bắt giữ tại sân bay Bourget, ngoại ô Paris vào tối 24/8. Thông tin từ các hãng truyền thông Pháp cho biết nguyên nhân vụ bắt giữ liên quan đến việc thiếu kiểm duyệt trên nền tảng Telegram, điều mà giới chức trách cho rằng đã tạo điều kiện cho các hoạt động phạm pháp diễn ra, theo Reuters.
Pavel Durov, 39 tuổi, sinh ra tại Leningrad, Nga (nay là Saint Petersburg). Cha của ông là giáo sư ngôn ngữ học, và từ nhỏ, Durov đã thể hiện tài năng xuất sắc trong lĩnh vực toán học và lập trình. Năm 2006, khi mới 22 tuổi, ông cùng anh trai Nikolai Durov sáng lập mạng xã hội VKontakte (VK), một nền tảng được mệnh danh là "Facebook của nước Nga".
VK nhanh chóng trở thành mạng xã hội phổ biến nhất tại Nga và các quốc gia Đông Âu. Tuy nhiên, vào năm 2011, Durov đã từ chối yêu cầu của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) về việc xóa các trang của phe đối lập trên VK, khiến ông phải rời khỏi Nga vào năm 2014.
Trước đó, vào năm 2013, khi Nga cấp tị nạn tạm thời cho Edward Snowden, Durov đã đề nghị Snowden làm việc tại Vkontakte với vai trò phát triển phần mềm bảo mật. Ông từng bày tỏ niềm tự hào về Nga và coi Snowden là "người hùng cá nhân" của mình.
Edward Snowden là một cựu nhân viên tình báo và nhà thầu của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA). Ông nổi tiếng toàn cầu sau khi tiết lộ các tài liệu mật về các chương trình giám sát điện tử quy mô lớn của chính phủ Mỹ vào năm 2013.
Sau khi rời Nga, Durov cùng anh trai tiếp tục sáng lập Telegram, một ứng dụng nhắn tin mã hóa nổi tiếng với tính bảo mật cao và khả năng chống kiểm duyệt. Nikolai Durov là người chịu trách nhiệm phát triển hệ thống mã hóa cho Telegram, trong khi Pavel Durov tập trung vào việc quản lý và phát triển ứng dụng này thành một nền tảng toàn cầu.
Xuất phát từ sự không hài lòng với các ứng dụng nhắn tin khác - thứ mà ông cho là "tệ", Durov tin rằng mối đe dọa về quyền riêng tư đáng lo ngại hơn so với khủng bố, và việc cung cấp phương tiện liên lạc an toàn cho số đông quan trọng hơn nguy cơ từ khủng bố.
Telegram hiện nay có khoảng 900 triệu người dùng tích cực, và được kỳ vọng sẽ đạt một tỷ người dùng vào năm tới. Ứng dụng này đặc biệt phổ biến tại Nga, Ukraine và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Tài sản của Durov ước tính vào khoảng 15,5 tỷ USD, và ông là chủ sở hữu duy nhất của Telegram.
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine vào năm 2022, Telegram đã trở thành nguồn thông tin chính về cuộc chiến, được cả hai bên sử dụng để truyền tải nội dung mà không bị kiểm duyệt, khiến nhiều người gọi đây là "chiến trường ảo" của cuộc xung đột.
Durov, người từng được mệnh danh là "Mark Zuckerberg của nước Nga", nổi tiếng với lối sống giản dị và kín đáo. Ông không sở hữu bất động sản, máy bay hay du thuyền đắt tiền, mà chỉ giữ tiền mặt và bitcoin. Theo CNN Business, Durov là một người đam mê du lịch, thường xuyên chia sẻ những bức ảnh đẹp về các địa danh trên Instagram, nhưng không coi bất kỳ nơi nào là nhà.
Trong một cuộc phỏng vấn, Durov từng chia sẻ rằng ông không ở một nơi nào quá hai tháng, nhằm giữ cho Telegram luôn độc lập và không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ chính phủ nào. Tờ CNN Business cũng cho hay Durov từng chia sẻ ông tài trợ cho ứng dụng này bằng tiền cá nhân và khẳng định việc kiếm lời không phải là mục tiêu của Telegram.
"Nếu hết tiền, chúng tôi sẽ mời người dùng quyên góp và thêm các tùy chọn trả phí để hòa vốn. Nhưng lợi nhuận sẽ không bao giờ là mục tiêu của Telegram." - nhà sáng lập tuyên bố.
Telegram cũng liên hệ mật thiết với một dự án tiền số có tên Toncoin (TON). Đây là đồng tiền điện tử được xây dựng dựa trên blockchain của Telegram. Năm 2020, công ty phải dừng dự án sau khi đối mặt với các áp lực từ Uỷ ban Giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC).
Sau khi Telegram bỏ dự án TON, một nhóm nhà phát triển vẫn tiếp tục công việc và đổi tên thành The Open Network. TON vẫn có mối liên hệ mật thiết với nền tảng nhắn tin của Durov khi phục vụ nhiều chức năng trong hệ sinh thái, bao gồm cả phí giao dịch và quản trị.
Mặc dù Telegram được ca ngợi vì tính bảo mật và quyền tự do ngôn luận, nền tảng này cũng đối mặt với nhiều tranh cãi. Bất chấp Telegram bị cáo buộc là nơi ẩn náu của các nhóm khủng bố và tội phạm, Durov luôn khẳng định rằng ứng dụng này hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật để ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp, đồng thời bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.
Vụ bắt giữ Durov đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ phía Nga, khi Bộ Ngoại giao nước này cho biết đang tìm cách làm rõ tình hình. Hiện tại, cả Telegram và các cơ quan chức năng Pháp đều chưa đưa ra bình luận chính thức về vụ việc.