Số tiền khủng giúp CEO Telegram được tại ngoại
Ngày 28/8, một thẩm phán tại Pháp đã đưa ông Pavel Durov, người sáng lập ứng dụng nhắn tin Telegram, vào diện điều tra trong cuộc điều tra về tội phạm có tổ chức trên nền tảng này. Tuy nhiên, ông Durov được tại ngoại với điều kiện nộp 5 triệu euro tiền bảo lãnh, báo cáo hai lần mỗi tuần với cảnh sát và không rời khỏi lãnh thổ Pháp, tờ Reuters đưa tin.
Theo thông báo từ Viện Kiểm sát Paris, ông Durov bị nghi ngờ liên đới trong việc điều hành một nền tảng trực tuyến cho phép các giao dịch bất hợp pháp, hình ảnh lạm dụng tình dục trẻ em, buôn bán ma túy và gian lận. Ngoài ra, ông còn bị cáo buộc từ chối cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng, rửa tiền và cung cấp dịch vụ mã hóa cho tội phạm.
Việc bị đưa vào diện điều tra chính thức ở Pháp không đồng nghĩa với việc có tội, nhưng cho thấy các thẩm phán có đủ bằng chứng để mở cuộc điều tra. Quá trình điều tra có thể kéo dài nhiều năm trước khi được đưa ra xét xử.
Quyết định của thẩm phán được đưa ra sau khi ông Durov bị bắt tại một sân bay gần Paris vào tối thứ bảy (24/8). Việc giam giữ ông Durov đã gây ra cuộc tranh luận về ranh giới giữa tự do ngôn luận và thực thi pháp luật. Đồng thời, sự việc này cũng phản ánh mối quan hệ căng thẳng giữa chính phủ và Telegram - ứng dụng có gần một tỷ người dùng.
Hãng tin nhà nước Nga RIA đã đăng tải một đoạn video trên Telegram dường như cho thấy ông Durov, mặc đồ đen, đội mũ lưỡi trai và đeo kính râm, rời khỏi văn phòng công tố và bước vào một chiếc xe đang đợi sẵn.
Bà Laure Beccuau, Viện trưởng Viện Kiểm sát Paris, cho biết Telegram đã được sử dụng trong nhiều vụ án hình sự, và "sự thiếu hợp tác gần như hoàn toàn của Telegram đối với các yêu cầu tư pháp" đã thu hút sự chú ý của cơ quan chức năng.
Điều này dẫn đến việc Viện Kiểm sát Paris mở cuộc điều tra về "trách nhiệm hình sự có thể xảy ra của những người quản lý dịch vụ nhắn tin này trong việc thực hiện các hành vi phạm tội".
Phía Telegram chỉ đưa ra phản hồi ngắn gọn về vụ bắt giữ ông Durov. Trong một tuyên bố hôm thứ hai (26/8), công ty cho biết họ tuân thủ luật pháp Liên minh Châu Âu và việc kiểm duyệt của họ "nằm trong tiêu chuẩn ngành và liên tục được cải thiện".
Phát ngôn viên Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov nói với các phóng viên trong một cuộc gọi hội nghị hôm 27/8 rằng Nga sẵn sàng cung cấp cho ông Durov mọi hỗ trợ cần thiết với tư cách là công dân Nga, nhưng quốc tịch Pháp của ông làm phức tạp tình hình. Ông Durov cũng có hộ chiếu UAE.
Telegram đã trở nên quan trọng đối với các hoạt động liên lạc trên chiến trường trong cuộc chiến ở Ukraine và được chính phủ và binh lính ở cả hai bên xung đột sử dụng để chia sẻ tin tức và tuyên truyền.
Telegram tự giới thiệu là nơi trú ẩn cho tự do ngôn luận, nhưng cũng được sử dụng rộng rãi bởi các phong trào cực hữu, chống vắc-xin và thuyết âm mưu, cũng như những người bất đồng chính kiến.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định việc bắt giữ ông Durov "không phải là một quyết định chính trị", đồng thời nhấn mạnh Pháp ủng hộ tự do ngôn luận hợp pháp. Ông Macron cũng là một người dùng tích cực trên Telegram.
Ngoài ra, theo một nguồn tin thân cận, Tổng thống Emmanuel Macron đã có bữa trưa với ông Durov vào năm 2018 như một phần của chuỗi cuộc gặp với các doanh nhân công nghệ. Năm 2021, ông Durov được cấp quốc tịch Pháp theo một thủ tục hiếm có dành cho các cá nhân có danh tiếng.