|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nhà đầu tư ngậm ‘trái đắng’ khi gửi tiền vào các ngân hàng tiền số

06:43 | 25/07/2022
Chia sẻ
Các công ty tiền mã hoá như Celsius hay Voyager giới thiệu mình là một phương án thay thế tốt cho ngân hàng truyền thống song mọi thứ không suôn sẻ.

Một buổi tối chủ nhật tháng trước, Lucas Holcomb đánh thức người vợ đang mang thai của mình và nói: “Em à, chúng ta vừa mất 100.000 USD”, theo Wall Street Journal (WSJ).

Trước đó, Holcomb đã vay tiền ngân hàng và gửi tiền vào một “ngân hàng tiền mã hoá” có tên Celsius Network LLC với hứa hẹn lãi suất cao hơn ngân hàng truyền thống. Holcomb cảm thấy thích thú khi biết “ngân hàng tiền mã hoá” này đã thu hút đầu tư từ nhiều nhà đầu tư tổ chức lớn đồng thời tuyên bố các hình thức bảo vệ người gửi tiền khỏi tình trạng biến động giá mạnh vốn rất quen thuộc trong mảng tiền mã hoá.

 Jack Wang lỗ hàng trăm nghìn USD khi đầu tư vào TerraUSD. (Ảnh: WSJ). 

Dù vậy, vào tháng trước, khi tiền mã hoá lao dốc, Celsius nói với các khách hàng của mình rằng nó sẽ đình chỉ toàn bộ hoạt động rút tiền. Tiền của gia đình Holcomb đã bị mắc kẹt.

Celsius là một trong số rất nhiều công ty nổi lên và khẳng định mình như một nơi trú ẩn an toàn với những người thích kiếm tiền từ tiềm năng của tiền mã hoá. Lúc này, với tất cả những gì đã diễn ra, nhiều người đã học được bài học từ triết lý kinh điển của thị trường: lợi nhuận cao luôn đi kèm rủi ro cao, nhất là khi thị trường tiền mã hoá lúc này vẫn không khác gì một sòng bạc và thiếu đi những biện pháp bảo hộ như của các ngân hàng và các công ty môi giới đầu tư truyền thống.

Giống ngân hàng, các công ty như Celsius sẽ nhận tiền gửi. Tuy nhiên, khác với ngân hàng, các khoản tiền gửi thường ở dạng tiền mã hoá. Các khoản tiền gửi tiền mã hoá với lãi suất cao hơn lái suất ngân hàng này sau đó được dùng để cho các khách hàng khác vay mượn.

Theo lý thuyết, khách hàng có thể để tiền của mình vào các công ty này mà không phải lo lắng đến biến động giá trên thị trường thông qua stablecoin, một loại tiền mã hoá có giá trị được neo giữ theo tài sản thực hoặc tiền pháp định.

Ví dụ, một người có thể dùng USD để mua một đồng stablecoin như USD Coin và sau đó gửi ở Celsius với lãi suất 7%. Trước khi bị đóng băng, khách hàng có thể rút USD Coin bất kỳ thời điểm nào và chuyển đổi nó thành USD.

Theo hồ sơ bảo hộ phá sản của Celsius, công ty này đang nợ khách hàng hơn 4,7 tỷ USD và hiện chưa rõ về khả năng khách hàng có thể lấy lại được tiền, theo WSJ.

Holcomb từng kỳ vọng có thể kiếm được 7.000 USD/năm bằng cách gửi stablecoin ở Celsius. Khi anh nói với vợ mình về việc đóng băng tài khoản, cô liên tục hỏi lại anh rằng: “Anh có đùa không vậy?” và sau đó đi ngủ.

Holcomb đã thức gần như cả đêm để cố gắng rút tiền nhưng không thể. Anh thừa nhận mình đã quá tập trung vào tiền bạc. Gần đây, Holcomb đã trả được số nợ ngân hàng bằng tiền tiết kiệm của mình. “Gia đình tôi sẽ không chết đối nhưng mất 100.000 USD không vui chút nào”, anh chia sẻ thêm.

Celsius từ chối đề nghị chia sẻ của WSJ song trong một bài blog được chia sẻ sau khi nộp hồ sơ bảo hộ phá sản, công ty này khẳng định sẽ “làm những gì tốt nhất cho lợi ích của cổ đông, bao gồm cả cộng đồng khách hàng”.

Trong vài năm trở lại đây, tiền mã hoá ngày càng trở nên phổ biến. Mùa thu năm ngoái, Pew Research Center cho biết 16% người Mỹ đã dùng tiền mã hoá, tăng từ con số 1% của năm 2015.

Jack Wang từng gặp nhiều khó khăn với tiền mã hoá trước đây khi mất gần như một nửa số tiền tiết kiệm cả đời của mình do giá giảm vào năm 2018. Anh đã thề sẽ không bao giờ đầu tư vào tiền mã hoá nữa.

Thế nhưng, khi đại dịch ập đến và anh bị mắc kẹt ở nhà. Bố và anh trai vừa qua đời và Jack Wang mất việc tại một công ty tài chính. Anh tìm đến một diễn đàn đầu tư trên Reddit và tìm thấy một nhóm những người ủng hộ tiền mã hoá ở đây. “Đó là kết nối với con người bình thường duy nhất mà tôi có vào thời điểm đó”, anh chia sẻ.

Cho tới cuối năm 2020, giá tiền số bắt đầu tăng mạnh và Jack Wang quyết định nhảy vào cuộc chơi nhưng chỉ dùng stablecoin. “Ở lần thứ 2 này, tôi cảm thấy công nghệ và hạ tầng đã chín muồi hơn nhiề”, anh chia sẻ.

Jack Wang chuyển 250.000 USD vào một đồng stablecoin có tên TerraUSD. Anh giữ nó trên nền tảng Anchor Protocol với hứa hẹn lãi suất 20%/năm. Anh cũng đầu tư vào một quỹ bảo hiểm có liên quan đến đồng tiền này.

Hồi tháng 5, TerraUSD mất giá neo giữ với đồng USD và rới giá xuống tiệm cận mức 0. Jack Wang gần như mất 500.000 USD.

Jack Wang lại lên Reddit chia sẻ nơi bạn bè anh đang đăng lên một đường dây nóng để ngăn cản việc tự sát.. Anh chia sẻ về số tiền mình đã mất để mọi người có thể thấy họ không hề cô đơn trong câu chuyện này.

Một người bạn đã giới thiệu Dave Jachelski với Voyager Digital Ltd. Anh bắt đầu để hàng nghìn USD vào nền tảng này vào năm 2020. Thời điểm đó, Voyager đưa ra mắt lãi suất tới 10%. Dave Jachelski giới thiệu thêm về nền tảng này cho bạn bè và nhận thường bằng bitcoin trị giá 25% cho mỗi giới thiệu thành công.

Voyager quảng bá rằng tài khoản của nó được hệ thống bảo hiểm ngân hàng chính phủ bảo vệ do có hợp tác với một ngân hàng nhỏ ở New York.

Jachelski đã cảm thấy lo lắng sau khi nghe tin Celsius đình chỉ rút tiền nhưng anh lại cảm thấy yên tâm khi nhận được email từ Stephen Ehrlich, CEO Voyager, nói với khách hàng rằng tiền của khách hàng “an toàn như gửi tại ngân hàng”. Tới ngày 1/7, Voyager đóng băng rút tiền. Vài ngày sau đó, nó nộp hồ sơ bảo hộ phá sản.

Voyager hiện chưa trả lại tiền cho khách hàng nhưng nó nói rằng những người gửi tiền bằng đồng USD có thể rút tiền sau khi hoàn thành “quá trình đối soát và phòng tránh lừa đảo”. Những người gửi tiền bằng tiền mã hoá có thể không may mắn nhu vậy.

Jachelski hy vọng có thể lấy lại 6.000 USD anh gửi trong Voyager nhưng hoài nghi về số phận số tiền mã hoá anh gửi tại đây với giá trị 4.000 USD.

Nam Khánh