|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Nhà đầu tư hạ tầng quan tâm đến quỹ đất cho dự án BT

08:09 | 04/06/2017
Chia sẻ
Doanh nghiệp đầu tư hạ tầng đô thị quan tâm nhiều đến quỹ đất ở TPHCM để trả cho nhà đầu tư khi đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố cho biết quỹ đất để trả cho nhà đầu tư BT ngày càng ít.
nha dau tu ha tang quan tam den quy dat cho du an bt
Lãnh đạo Thành ủy và UBND TPHCM gặp gỡ doanh nghiệp khối hạ tầng nhằm tháo gỡ vướng mắc để thu hút vốn từ các doanh nghiệp cho hạ tầng thành phố - Ảnh: Thanh Xuân

Doanh nghiệp đầu tư hạ tầng đô thị quan tâm nhiều đến quỹ đất ở TPHCM để trả cho nhà đầu tư khi đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố cho biết quỹ đất để trả cho nhà đầu tư BT ngày càng ít.

Sáng nay 3-6, lãnh đạo Thành ủy và UBND TPHCM đã gặp gỡ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng đô thị để trao đổi về thực trạng và định hướng phát triển đô thị TPHCM trong thời gian tới.

Hội nghị đã mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào 4 lĩnh vực có ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân là giao thông, môi trường (xử lý rác, nước thải), cải tạo chỉnh trang đô thị và ngập nước. Tham dự còn có đại diện các sở, ngành của TPHCM và 120 doanh nghiệp.

Đề cập đến vấn đề giao thông của thành phố, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, mặc dù đầu tư hạ tầng giao thông luôn được coi trọng nhưng do nguồn vốn ngân sách còn eo hẹp nên kết quả đầu tư chưa được hoàn tất theo quy hoạch.

Để đầu tư hạ tầng giao thông hoàn chỉnh theo quy hoạch trong giai đoạn 2020-2025, TPHCM cần 553.879 tỉ đồng kinh phí đầu tư cho 203 dự án; trong đó các công trình giao thông cầu đường bộ (kết nối liên vùng, các tuyến vành đai và các trục hướng tâm) với tổng kinh phí là 339.946 tỉ đồng cho 137 dự án; các công trình bãi đậu xe ô tô với tổng kinh phí 71.458 tỉ đồng cho 41 dự án; vận tải hành khách công cộng với tổng kinh phí 142.475 tỉ đồng cho 25 dự án.

Đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM cho hay, thành phố mong muốn có sự tham gia góp ý của doanh nghiệp trong quá trình lập điều chỉnh quy hoạch, giám sát quá trình thực thi quy hoạch, tham gia đầu tư các dự án hạ tầng.

Đề cập đến quỹ đất dành cho các dự án BT, ông Bùi Dương Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Licogi 16 nêu vướng mắc, khi nhà đầu tư làm dự án BT muốn tìm một khu đất để hoàn vốn cho dự án thì không có thông tin về khu đất đó, muốn tìm hiểu pháp lý của khu đất nhưng không có ai trả lời. Ông cho rằng cần phải có sự kết nối nhanh với cơ quan chức năng để thông tin về khu đất khi nhà đầu tư cần là có thể tìm hiểu.

Ông cũng cho rằng việc giải phóng mặt bằng đối với các dự án hạ tầng cũng cần phải ấn định thời gian hoàn thành cụ thể, chứ không thể để như hiện nay việc giải phóng mặt bằng cứ kéo dài mãi.

Trả lời vấn đề quỹ đất BT mà nhà đầu tư quan tâm, Phó chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa cho biết, quỹ đất để trả cho các nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức BT ngày càng ít đi. Do đó, cần phải rà soát lại quỹ đất BT và đưa ra tiêu chí để phân loại. Ví dụ, nhà đầu tư nào đầu tư những dự án cấp bách, trọng điểm thì mới được xem xét trả bằng khu đất đó, tránh tình trạng một mảnh đất đẹp có nhiều nhà đầu tư đề nghị muốn có.

Vẫn liên quan đến các dự án hạ tầng, ông Võ Văn Bé, Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Thuận Việt quan tâm đến dự án trung tâm thương mại ngầm chạy dọc đường Lê Lợi và mong muốn được đầu tư dự án này với số vốn khoảng 6.000 tỉ đồng.

Ông Bé cho rằng dự án này cần phải làm nhanh vì hiện giờ tuyến metro số 1 đang đào hầm ngầm thì kết hợp làm luôn trung tâm thương mại, không sau này khi tuyến metro hoàn thành rồi lại phải đào lên để làm trung tâm thương mại thì rất tốn kém. Ông Bé mong muốn gặp lãnh đạo thành phố ngay tuần sau để trình bày về dự án này.

Trả lời một số vấn đề mà doanh nghiệp nêu ra tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, định hướng của thành phố là phát triển các thành phố vệ tinh ở xung quanh như khu đô thị cảng Hiệp Phước, khu đô thị Tây Bắc, khu Thủ Thiêm,… để giảm bớt việc nén dân số vào các tòa nhà cao tầng ở khu trung tâm.

Về quỹ đất để trả cho nhà đầu tư thực hiện các dự án BT, ông Phong cho biết, hiện tại đất ở khu trung tâm và Thủ Thiêm đã hết nên các nhà đầu tư muốn tìm hiểu thì chỉ còn ở các quận khác. Đối với thông tin về các khu đất mà nhà đầu tư muốn tìm hiểu, chủ tịch thành phố cho biết, sắp tới sẽ thành lập 2 tổ công tác về đầu tư và xây dựng để trả lời nhanh các vấn đề mà nhà đầu tư quan tâm chứ không thể mất vài tháng lấy ý kiến của sở ngành rồi mới trả lời.

Về trung tâm thương mại ngầm dọc đường Lê Lợi, ông Phong thông tin, dự án trung tâm thương mại ngầm là một phần gắn với tuyến metro số 1 và đã được Chính phủ cam kết với phía Nhật Bản để phía Nhật đầu tư dự án này. Do đó, nhà đầu tư có thể chọn vị trí khác.

Phát biểu kết thúc hội nghị Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị chính quyền thành phố rà soát lại quy hoạch sử dụng đất, trong đó có sự tham gia của doanh nghiệp và nhà khoa học. Bên cạnh đó, cần công khai quy hoạch kế hoạch sử dụng đất và đưa lên mạng để người dân và doanh nghiệp có nhu cầu thì tìm hiểu. Cùng với việc rà soát quy hoạch thì cần phải hoàn thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh hình thức hợp tác công – tư.

Theo Phó chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa, hạ tầng đô thị của thành phố hình thành từ lâu nên lạc hậu, xuống cấp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, gây bức xúc cho người dân như ngập nước, kẹt xe. Vì vậy, thành phố mong muốn tìm giải pháp phát triển hạ tầng đô thị từ nguồn lực của doanh nghiệp. Lãnh đạo thành phố cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng đô thị, coi sự thành công của doanh nghiệp là sự thành công của thành phố.

Ở phần thảo luận, ông Đinh Ngọc Ninh, Tổng giám đốc Tập đoàn SSG cho rằng, việc cải tạo chung cư cũ cần phải có một cơ chế chung để áp dụng cho người dân. Ví dụ, người dân đang có 100 mét vuông chung cư cũ, khi cải tạo xây mới thì nhận được 80 mét vuông. Việc tạo ra một cơ chế như vậy thì mới tạo ra được sự đồng thuận của người dân, chứ không thể đi thỏa thuận với từng người.

Đối với lĩnh vực xử lý rác, ông Ninh chưa đồng tình về cơ cấu xử lý rác hiện nay chủ yếu vẫn là chôn lấp chiếm 50-60%. "Việc chôn lấp rác quá nhiều sẽ gây ra nhiều lệ lụy về môi trường và rất nguy hiểm. Do vậy, cần phải có sự thay đổi trong cơ cấu xử lý rác", ông nói.

Lê Anh