|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nhà đầu tư dùng đòn bẩy 100:1 làm náo động thị trường bitcoin

11:21 | 26/05/2021
Chia sẻ
Các nhà phân tích cho rằng nguyên nhân chủ yếu khiến giá bitcoin tuột dốc thê thảm trong tuần trước là do các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy cực lớn bị ép phải thanh lý vị thế.
'Thủ phạm' chính khiến giá bitcoin tăng giảm chóng mặt là các nhà đầu tư dùng đòn bẩy 100:1 - Ảnh 1.

(Hình minh họa: Bloomberg).

Tweet của Elon Musk hay sự trấn áp của Trung Quốc không phải là nguyên nhân chính dẫn đến những cú tăng sốc giảm sâu của bitcoin.

Theo giới phân tích, nguyên nhân chủ yếu cho cú lao dốc 30% của bitcoin tuần trước là các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro quá mức bị buộc phải bán ra khi giá giảm. Sự bùng nổ của thị trường cho vay bitcoin cũng góp phần làm tăng biến động.

Giá hàng loạt đồng tiền mã hóa trượt dốc trong tuần trước, đặc biệt bitcoin mất khoảng 1/3 giá trị chỉ trong vài giờ. Giá bitcoin hiện nay đã về gần 40.000 USD nhưng vẫn thấp hơn khoảng 33% so với đỉnh.

'Thủ phạm' chính khiến giá bitcoin tăng giảm chóng mặt là các nhà đầu tư dùng đòn bẩy 100:1 - Ảnh 2.

Giá bitcoin ghi nhận tại thời điểm 10h10 sáng 26/5. (Nguồn: Coindesk).

Về cơ bản, nhà đầu tư vay ký quỹ là vay từ công ty môi giới để tăng vị thế trong bitcoin. Nếu giá giảm đến một ngưỡng nhất định, nhà đầu tư bị gọi ký quỹ (margin call) và buộc phải bán giải chấp để trả lại tiền vay.

Ông Brian Kelly, CEO công ty quản lý tài sản kỹ thuật số BKCM chỉ ra các công ty châu Á như BitMEX cho phép đòn bẩy lên đến 100:1 trong các giao dịch bitcoin. Ứng dụng giao dịch Robinhood không cấp margin cho người đầu tư tiền mã hóa, còn Coinbase chỉ cung cấp dịch vụ này cho những người chuyên nghiệp.

Ông Kelly nói với CNBC: "Ở đây chúng ta có yếu tố đám đông – giá thanh lý của mọi người hầu hết đều sàn sàn bằng nhau – khi chạm đến ngưỡng này, lệnh bán tự động sẽ được kích hoạt ồ ạt, và giá cứ thế rơi thẳng đứng".

Các nhà đầu tư bitcoin đã thanh lý khoảng 12 tỷ USD trong các vị thế sử dụng đòn bẩy tuần trước, theo bybt.com. Khoảng 800.000 tài khoản tiền mã hóa bị xóa sạch.

Nhà phân tích Devin Ryan của JMP cho biết: "Lệnh bán sinh ra thêm lệnh bán cho đến khi đạt được điểm cân bằng về đòn bẩy trong hệ thống. Lệnh bán bắt đầu "cộng hưởng" khi các vị thế sử dụng đòn bẩy bị thanh lý, vì chúng không thể đáp ứng yêu cầu ký quỹ".

"Đòn bẩy trong thị trường tiền mã hóa – đặc biệt là với những nhà đầu tư nhỏ lẻ - là yếu tố lớn thúc đẩy biến động".

Khi thị trường tiền mã hóa mở rộng, ông Ryan kỳ vọng sức ảnh hưởng của đòn bẩy sẽ giảm đi, đặc biệt là khi có thêm dòng vốn từ những nhà đầu tư tổ chức. 

Nhà đầu tư nhỏ lẻ lẫn tổ chức đổ dồn vào bitcoin và các tài sản tài kỹ thuật số khác trong năm 2021. Coinbase, sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới cho biết khối lượng giao dịch trong quý I/2021 là 335 tỷ USD, trong đó khoảng 120 tỷ USD đến từ nhà đầu tư nhỏ lẻ. Để so sánh, tổng khối lượng giao dịch trong quý I/2020 chỉ vào khoảng 30 tỷ USD.

Tuần trước, trên Twitter, tỷ phú Mark Cuban cũng thảo luận về tác động của đòn bẩy đến ether, đồng tiền mã hóa lớn thứ hai trên thế giới

"Các thị trường nào xảy ra bán giải chấp đều bị nghiền nát, bất kể là thị trường gì: chứng khoán, nợ, nhà ở hay tiền mã hóa. Chúng dẫn đến các vụ thanh lý bắt buộc và giá tài sản giảm", ông Cuban viết.

Thị trường cho vay

Nguyên nhân khác dẫn đến việc bán tháo có thể đến từ thị trường cho vay bitcoin đang nở rộ.

Các công ty tiền mã hóa như BlockFi và Celsius cho phép chủ sở hữu bitcoin gửi tiền mã hóa tại công ty để nhận được lãi suất từ 6 đến 8%. Sau đó, những công ty này đem bitcoin cho quỹ đầu cơ và những nhà đầu tư chuyên nghệp khác vay. Họ cũng cho phép khách hàng dùng bitcoin làm tài sản đảm bảo khoản vay.

Ví dụ, nếu một người vay 1 triệu USD được đảm bảo bởi bitcoin rồi giá bitcoin giảm 30%, khoản nợ của anh ta có thể tăng thêm 30%.

CEO Kelly của BKCM giải thích: "Khi giá tài sản thế chấp của bạn rơi xuống một ngưỡng nhất định, công ty sẽ tự động bán bitcoin của bạn và gửi tài sản thế chấp đến người cho vay. Điều này làm tăng thêm hiệu ứng dây chuyền - khối lượng bán ra lớn đến mức hầu hết các sàn giao dịch gặp sự cố". 

Quản lý

Một trong những điều khiến bitcoin trở nên đáng giá trong mắt trong nhà đầu tư là đồng tiền này không bị quản lý bởi ngân hàng trung ương.

Nhưng sự thiếu kiểm soát và sự chấp nhận ngày càng rộng rãi của bitcoin đã khiến một số quan chức tại Washington chú ý. Tuần trước, Bộ Tài chính Mỹ thông báo cơ quan này sẽ yêu cầu bất kỳ hoạt động chuyển khoản nào bằng tiền mã hóa từ 10.000 USD trở lên phải được báo cáo cho Sở Thuế vụ.

Ông Ryan cho rằng quy định quản lý có thể được coi là sự hợp thức hóa của thị trường tiền mã hóa và là yếu tố tích cực.

"Thị trường tiền mã hóa vẫn còn non trẻ so với các loại tài sản khác. Chúng đang trải qua giai đoạn trưởng thành, mở rộng quy mô và mức độ chấp nhận. Biến động là đặc trưng của giai đoạn này", ông Ryan nói. 

Giang