|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nhà đầu tư bitcoin Trung Quốc qua mặt lệnh cấm bằng các giao dịch bí mật

15:09 | 31/05/2021
Chia sẻ
Bắc Kinh rất khó theo dõi giao dịch bitcoin được thực hiện trên các nền tảng phi tập trung (OTC). Nhà đầu tư Trung Quốc tận dụng lỗ hổng này để tiếp tục mua bán bitcoin bất chấp lệnh cấm giao dịch.
Nhà đầu tư bitcoin Trung Quốc qua mặt lệnh cấm bằng các khoản đặt cược bí mật - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Reuters).

Nhà đầu tư Trung Quốc không mấy quan tâm đến cuộc trấn áp lớn nhất của chính phủ đối với tiền mã hóa kể từ năm 2017. Thái độ của nhà đầu tư cho thấy thách thức đối với nỗ lực kiểm soát cơn sốt đầu cơ tài sản kỹ thuật số của Bắc Kinh.

Đợt bán tháo bitcoin kinh hoàng đã nhường chỗ cho cuộc phục hồi ổn định trên các nền tảng OTC mà nhà đầu tư Trung Quốc sử dụng kể từ khi sàn giao dịch nội địa bị cấm vào năm 2017, Bloomberg cho biết.

Trung Quốc leo thang công kích tiền mã hóa sau khi cơn sốt bitcoin trong 6 tháng qua làm gia tăng lo ngại của giới lãnh đạo về nguy cơ lừa đảo, rửa tiền và nhà đầu tư nhỏ lẻ lỗ lớn. Nhưng bản chất khó truy vết của các giao dịch trên nền tảng OTC trong nước và mạng lưới ngang hàng (P2P) khiến giới chức trách rất khó thực thi lệnh cấm triệt để.

Giới đầu tư bitcoin toàn cầu đã rất lo ngại về việc lực mua từ Trung Quốc lao dốc, kéo theo đợt bán tháo gần 1.000 tỷ USD tiền mã hóa từ đỉnh hồi giữa tháng 5. Khả năng lách luật của người Trung Quốc có thể giúp những nhà đầu tư này nhẹ nhõm.

Một nhà tư vấn bất động sản 35 tuổi ở Thượng Hải lấy tên là Charles cho biết: "Tôi không quan tâm về thua lỗ và cuộc trấn áp của chính phủ". Ông sở hữu tiền mã hóa kể từ năm 2017 và tiết lộ đã mất 11 triệu USD chỉ trong ba ngày trong đợt thoái lui gần đây.

"Đối với tôi thì khoản lỗ này chỉ là trả lại lợi nhuận kiếm được trong vài tháng qua. Tôi đang nhìn vào khoảng thời gian 10 – 20 năm", ông Charles nói.

Nhà đầu tư bitcoin Trung Quốc qua mặt lệnh cấm bằng các khoản đặt cược bí mật - Ảnh 2.

Trước khi Trung Quốc cấm các sàn giao dịch tiền mã hóa vào năm 2017, nhà đầu tư nước này sở hữu khoảng 7% bitcoin toàn thế giới và thực hiện khoảng 80% giao dịch, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc. 

Lệnh cấm khiến cho việc đo lường những số liệu trên trở nên bất khả thi. Tuy nhiên, nhà đầu tư Trung Quốc vẫn được cho là có ảnh hưởng lớn lên thế giới tiền mã hóa thông qua các nền tảng OTC nội địa và sàn nước ngoài mà họ tiếp cận được thông qua mạng riêng ảo (VPN).

Chính phủ Trung Quốc khó theo dõi các giao dịch trong nước liên quan đến nhân dân tệ và tiền mã hóa vì chúng thường diễn ra theo hai bước riêng biệt.

Bước đầu diễn ra trên các nền tảng OTC cho phép nhà đầu tư đăng giá chào mua và giá chào bán. Khi cả hai bên đồng ý với giá của nhau, người mua sẽ sử dụng một nền tảng thanh toán riêng biệt để chuyển nhân dân tệ cho người bán.

Đồng tiền mã hóa được tạm giữ bởi nền tảng OTC và chỉ được chuyển cho người mua khi nhân dân tệ về tài khoản của người bán. Các cơ quan quản lý Trung Quốc thường không có cách nào để lần ra mối liên kết giữa hai bước trên.

Cho đến nay, các nhà quản lý Trung Quốc chưa gọi giao dịch bitcoin giữa các cá nhân là bất hợp pháp. Tuy nhiên, cuộc trấn áp sẽ bao gồm cả bộ công an do một số hoạt động bị ngờ là tạo điều kiện cho rửa tiền và tài trợ khủng bố, nguồn tin của Bloomberg cho biết.

Cảnh sát Bắc Kinh đã phân phát các cảnh báo về rủi ro tiềm ẩn liên quan tới tiền mã hóa. Tiền ảo là phương tiện phổ biến cho các trò lừa đảo mới nhất và bất kỳ ai "đang hoảng sợ, khó phân biệt hoặc không biết phải làm gì" nên gọi cho liên hệ cảnh sát địa phương", theo thông báo mà Bloomberg có được.

Trên mạng xã hội, một số nhà đầu tư tiền mã hóa chia sẻ những câu chuyện chưa chứng thực như bị cảnh sát địa phương triệu tập. Một người kể rằng chính quyền địa phương yêu cầu anh phải bán lượng tiền mã hóa đang sở hữu. Người khác thì nói rằng cảnh sát yêu cầu anh xóa ứng dụng giao dịch trên điện thoại.

Biến động giá cực mạnh của bitcoin đã để lại ấn tượng tiêu cực với Trung Quốc. Truyền thông nước này từng đăng tin về một người đàn ông ở thành phố Đại Liên giết chết con gái ba tuổi và cố tự sát với vợ sau khi mất 20 triệu nhân dân tệ (3,1 triệu USD) vì sử dụng đòn bẩy đặt cược vào bitcoin vào tháng 6 năm ngoái.

Anh Peter, một nhân viên công nghệ ở Bắc Kinh, bỏ 20.000 nhân dân tệ (3.140 USD) vào tiền mã hóa ba tuần trước. Chỉ trong vài ngày, giá trị danh mục của anh tăng lên gần 100.000 nhân dân tệ, rồi nhanh chóng rớt xuống còn 14.000 nhân dân tệ. Triết lý của anh giống như nhiều nhà đầu tư trên thế giới: "Có mất sạch tiền trong danh mục cũng chẳng sao. Nhưng biết đâu nó lại giúp tôi giàu lên bất ngờ?".

Giang