|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nguyên nhân Triều Tiên bất ngờ phá hủy văn phòng liên lạc hai miền

07:47 | 17/06/2020
Chia sẻ
Phá hủy văn phòng liên lạc tại Kaesong giúp Triều Tiên gia tăng sức ép lên Hàn Quốc, thu hút sự chú ý của Mỹ, đồng thời phục vụ mục đích nội bộ.

Triều Tiên hôm 16/6 cho phát nổ văn phòng liên lạc hai miền ở khu công nghiệp Kaesong gần biên giới với Hàn Quốc. Cơ sở trước kia được vận hành đồng thời bởi Seoul và Bình Nhưỡng bị phá hủy vào lúc 14h50, truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết.

Thông tin về vụ phá hủy văn phòng liên lạc liên Triều được Bộ Thống nhất Hàn Quốc xác nhận.

Gây sức ép với Hàn Quốc

Trong bản tin đưa ra sau đó, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA tuyên bố vụ phá hủy văn phòng phản ánh "tâm lý phẫn nộ của người dân, buộc những kẻ cặn bã, và những người che chở cho chúng, phải trả giá cho tội ác gây ra".

Chỉ trích của KCNA nhắm vào việc những người Triều Tiên đào tẩu về phía Nam trước đó đã thả truyền đơn về phía Bắc, với nội dung chỉ trích chính quyền Bình Nhưỡng và nhà lãnh đạo Kim Jong Un.

Truyền đơn với nội dung tuyên truyền chính trị chống lại Bình Nhưỡng và lãnh đạo tối cao vài tuần qua đã là một trong những nguồn cơn gây căng thẳng hai bên.

Nguyên nhân Triều Tiên bất ngờ phá hủy văn phòng liên lạc hai miền - Ảnh 1.

Khói đen bốc lên từ thị trấn Kaesong, được cho là hậu quả việc phá hủy văn phòng liên lạc liên Triều, vào trưa 16/6. Ảnh: Yonhap.

Mặc dù vậy, một số chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng đang dùng vấn đề này để gây sức ép lên Seoul cho các mục tiêu chiến lược. Một mục tiêu Triều Tiên nhắm tới là buộc Hàn Quốc khôi phục hoạt động của tổ hợp công nghiệp Kaesong, vốn đã bị đình trệ từ lâu.

"Truyền đơn chỉ là cái cớ, hay sự hợp thức hóa việc tạo ra một cuộc khủng hoảng, buộc Seoul phải làm điều mà họ (Triều Tiên) muốn", Guardian dẫn lời Duyeon Kim, chuyên gia từ tổ chức nghiên cứu chính tị quốc tế International Crisis Group.

Bà Kim cho rằng Bình Nhưỡng đang cảm thấy bị phản bội bởi Seoul từng dự đoán Mỹ sẽ dỡ bỏ một số lệnh cấm vận để đổi lại miền Bắc đóng cửa các cơ sở hạt nhân. Tờ rơi tuyên truyền, hay các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn tái khởi động, theo bà Kim, là vấn đề thứ yếu trong tính toán của Bình Nhưỡng.

"Họ (Triều Tiên) thất vọng bởi Seoul đã không làm gì để thay đổi tình hình và đang một lần nữa yêu cầu Seoul tránh khỏi các cuộc đàm phán hạt nhân với Washington", bà Kim nhận định.

Thực tế, khả năng Hàn Quốc khôi phục hoạt động tại khu công nghiệp Kaesong, hay khởi động dự án du lịch chung với Triều Tiên ở núi thiêng Trường Bạch, gần như là con số không.

Trong bối cảnh các lệnh cấm vận quốc tế của Liên Hợp Quốc vẫn đang siết chặt với Bình Nhưỡng, Hàn Quốc hoàn toàn bị "trói tay" trong triển khai các hoạt động hợp tác kinh tế với Triều Tiên, bất kể giới lãnh đạo tại Seoul có tính toán như thế nào.

Thu hút sự chú ý của Washington

Tuần trước đánh dấu hai năm kể từ hội nghị thượng đỉnh Singapore năm 2018, sự kiện lịch sử nơi lần đầu tiên lãnh đạo đương nhiệm Mỹ và Triều Tiên gặp mặt.

Thế nhưng, sau hai năm kể từ khởi đầu mà Tổng thống Trump tuyên bố là "không còn đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên", các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng quay lại bế tắc.

Ngay trong ngày 12/6, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Son Gwon tuyên bố sẽ mở rộng chương trình hạt nhân, đồng thời cho biết quan hệ Mỹ - Triều đã "rơi vào tuyệt vọng".

Các cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều đã đóng băng và hầu như không có tiến triển kể từ tháng 3/2019, sau khi Hội nghị thượng đỉnh lần 2 đổ vỡ do bất đồng về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

"Tổng thống Trump đã cho thấy Triều Tiên hiện không phải mối quan tâm của ông ấy vào lúc này", Ramon Pacheco Pardo, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu châu Âu trụ sở Brussels, nhận xét, theo Wall Street Journal.

Các bước leo thang căng thẳng của Triều Tiên rõ ràng được tiến hành có tính toán. Trongg năm 2020, Triều Tiên đã tiến hành 5 vụ thử vũ khí, nhưng không có thêm vụ thử hạt nhân hay tên lửa đạn đạo liên lục địa nào mới, vốn được coi là giới hạn đỏ của Washington.

Nguyên nhân Triều Tiên bất ngờ phá hủy văn phòng liên lạc hai miền - Ảnh 2.

Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un gặp nhau tại Singapore năm 2018. Ảnh: AFP.

Ông Pardo cho rằng Bình Nhưỡng sẽ không liều lĩnh thử hạt nhân hoặc phóng tên lửa đạn đạo, bởi nguy cơ làm phật lòng Nga và Trung Quốc, hai đối tác quan trọng của Triều Tiên trong bối cảnh nền kinh tế nước này kiệt quệ vì các lệnh trừng phạt quốc tế, cũng như ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Ở bên kia Thái Bình Dương, Washington đang chìm trong các cuộc khủng hoảng về đối nội. Trong khi chỉ còn chưa đầy 5 tháng sẽ tới bầu cử tổng thống, với triển vọng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt là hết sức mơ hồ, Bình Nhưỡng không còn nhiều thời gian tiếp tục đàm phán với ông Trump, tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Mỹ chấp nhận gặp mặt lãnh đạo Triều Tiên.

Với những lựa chọn hạn chế, Triều Tiên đã quyết định trút cơn thịnh nộ vào Hàn Quốc, đồng minh quan trọng hàng đầu của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Quan hệ hai miền có đổ vỡ?

Diễn biến dẫn tới vụ phá hủy văn phòng liên lạc liên Triều hôm 16/6 cho thấy dấu ấn đậm nét của bà Kim Yo Jong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong Un.

“Mọi người sẽ sớm thấy văn phòng liên lạc Bắc-Nam vô dụng sụp đổ hoàn toàn”, bà Kim Yo Jong nói trên KCNA hôm 13/3.

Bà Kim cũng chỉ trích Hàn Quốc vì đã không ngăn những quả bóng bay lại và nói rằng: “Tôi cảm thấy đã đến lúc phá vỡ quan hệ với chính quyền Hàn Quốc. Quyền thực hiện hành động tiếp theo chống lại kẻ thù sẽ được giao cho Bộ Tổng tham mưu của quân đội chúng tôi”.

Wall Street Journal nhận định việc Bình Nhưỡng phá hủy văn phòng liên lạc hai miền đã củng cố hình ảnh của bà Kim trong nội bộ Triều Tiên, trong bối cảnh người phụ nữ năm nay 32 tuổi đang ngày càng mở rộng quyền lực sau khi được bầu làm ủy viên dự khuyết bộ chính trị trung ương đảng Lao động Triều Tiên.

Nguyên nhân Triều Tiên bất ngờ phá hủy văn phòng liên lạc hai miền - Ảnh 3.

Tổng thống Moon Jae In và nhà lãnh đạo Kim Jong Un tại khu phi quân sự liên Triều. Ảnh: AP.

Trong khi đó, chuyên gia Lee Sung Yoon từ trường Ngoại giao Fletcher, Đại học Tuffs, cho rằng việc đưa bà Kim Yo Jong lên sân khấu trong cuộc khủng hoảng lần này cũng là tính toán chiến lược về mặt đối ngoại của Triều Tiên, để ngỏ cánh cửa xuống thang với Seoul và Washington.

"Vào thời điểm thích hợp cho kịch bản hòa bình hậu khiêu khích, có lẽ sau bầu cử tổng thống Mỹ, ông Kim Jong Un sẽ tái xuất với nụ cười lớn", Wall Street Journal dẫn lời ông Lee cho biết.

Trong cuộc họp báo diễn ra chiều ngày 16/6, Phó cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Kim You Geun tuyên bố Triều Tiên phải "chịu trách nhiệm hoàn toàn về mọi hậu quả" mà vụ phá hủy văn phòng liên lạc hai miền dẫn tới, theo CNN.

"Vụ việc đã dập tắt kỳ vọng của tất cả những ai mong muốn nhìn thấy sự phát triển trong quan hệ liên Triều và hòa bình lâu dài trên bán đảo", ông Kim tuyên bố.

Mặc dù vậy, sự thăng trầm trong quan hệ liên Triều là một lịch sử đã lặp đi lặp lại trong nhiều thập niên.

Trước đó, Tổng thống Moon Jae In hôm 15/6 tuyên bố Seoul và Bình Nhưỡng không thể "đảo ngược lời hứa với 80 triệu dân" về hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

"Con đường hai miền Triều Tiên phải đi là rất rõ ràng. Giống như dòng sông có lúc uốn lượn, nhưng cuối cùng đổ về biển cả, miền Nam và miền Bắc phải giữ vững niềm tin lạc quan, có những bước đi hướng về hòa giải, hòa bình và thống nhất dân tộc", Tổng thống Moon Jae In nói.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Duy Anh

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.