Nguyên nhân giúp giá vàng vượt mốc 49 triệu đồng/lượng
Trên thị trường thế giới, giá vàng duy trì đà tăng kể từ tuần thứ hai của tháng 2, ghi nhận tăng hơn 3,5% so với cuối tháng 1.
Giá vàng chính thức vượt mốc 1.600 USD/ounce lần đầu tiên kể từ tháng 2/2013 vào tuần trước và tiến sát mốc 1.700 USD vào phiên giao dịch hôm 24/2, đạt 1.689,45 USD/ounce, qui đổi theo tỷ giá Vietcombank ngày 25/2 là hơn 47,2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới tăng mạnh đã kéo giá vàng trong nước lên theo, liên tục lập đỉnh trong phiên giao dịch chiều ngày 24/4 và chốt phiên ở mức kỉ lục trên 49 triệu đồng/lượng tại các cửa hàng vàng. Như vậy, giá vàng trong nước cao hơn 1,5 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới.
Giá vàng tăng mạnh nhờ giới đầu tư thế giới đổ vào tài sản an toàn khi virus corona (SARS-CoV-2) tiếp tục lây lan nhanh chóng trên khắp thế giới, dấy lên lo ngại có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế thế toàn cầu.
Tính đến ngày 24/2, theo Uỷ ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, tổng số ca nhiễm dịch tại quốc gia châu Á là 77.658 và 2.663 ca tử vong.
Trong khi đó, số ca nhiễm bệnh tại các quốc gia khác đang không ngừng gia tăng. Tại Hàn Quốc, thêm 84 trường hợp nhiễm virus corona mới được xác nhận trong ngày 25/2, đưa tổng số ca nhiễm bệnh trên cả nước lên 977. Tổng số ca tử vong vì dịch cũng đã lên tới 10, theo CNBC.
Italy, Iran, Nhật Bản và các quốc gia khác cũng liên tục báo cáo thêm trường hợp nhiễm bệnh và tử vong.
Sự lây lan nhanh chóng của virus khiến Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 24/2 phải tuyên bố thế giới cần nỗ lực hơn nữa nhằm ngăn chặn sự lây lan chủng mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh chết người và cần phải chuẩn bị cho nguy cơ xảy ra một đại dịch.
Chuyên gia phân tích của Commerzbank đã nhận định lo ngại về virus, đang lây lan nhanh chóng tại nhiều quốc gia, đã khiến các thành phần tham gia thị trường rời tài sản rủi ro và thúc đẩy vàng tăng cao và mạnh hơn nữa.
Cùng với đó, những thiệt hại tiềm tàng về kinh tế và tăng trưởng toàn cầu do dịch bệnh dấy lên lo ngại nhiều quốc gia sẽ phải hạ lãi suất, theo đó khiến các đồng tiền mất giá và giúp vàng trở nên hấp dẫn hơn, theo Kitco.
Ông Phillip Streible, chiến lược gia thị trường của Blue Line Futures, cho biết các thương nhân và nhà đầu tư tin rằng các ngân hàng trung ương toàn cầu sẽ can thiệp và thực hiện các biện pháp thích hợp, như kích thích chính sách tiền tệ, để hỗ trợ không chỉ thị trường chứng khoán đang lao dốc mà cả nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại.
Chốt phiên giao dịch ngày 24/2, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 3,5%. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite cũng giảm lần lượt 2,4% và 2,7%, theo FxStreet.
Ngoài ra, mới đây, trong một lưu ý ông Ole Hansen, người đứng đầu phòng chiến lược hàng hóa tại Saxo Bank, cho biết trong tháng 1, tổng lượng vàng dự trữ tại các quĩ ETF, vốn đã ở mức cao kỉ lục, đã tăng trung bình 1,3 tấn mỗi ngày. Tính đến ngày 20/2, lượng vàng dự trữ tăng 1,9 tấn mỗi ngày, theo mining.com.
Giá vàng thế giới có thể lên tới 2.000 USD/ounce?
Giá vàng tăng quá nhanh khiến một số thành phần trên thị trường lo ngại sẽ xảy ra xu hướng biến động theo đường parabol, và theo đó giá thường điều chỉnh mạnh.
Thực tế, giá đã rời khỏi đỉnh 7 năm trong phiên giao dịch ngày hôm nay (25/2), khiến giá vàng trong nước giảm hơn 2 triệu đồng/lượng, nhưng vẫn neo trên ngưỡng 1.600 USD/ounce. Và giá vàng thế giới vẫn được dự báo có thể tăng cao hơn nữa, với một số chuyên gia lạc quan vàng có thể cán mức 2.000 USD/ounce.
Theo Nasdaq.com, ngoài những diễn biến và tác động của dịch bệnh đối với các nền kinh tế trên khắp thế giới, chính sách nới lỏng tiền tệ tại nhiều quốc gia (trong đó có Mỹ và các nền kinh tế mới nổi), lãi suất âm và cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 tại Mỹ sẽ giúp giá vàng có thể leo lên đỉnh 2.000 USD.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới, ước tính gần 90% trái phiếu của các nền kinh tế phát triển đang được giao dịch với mức lãi suất thực âm.
Chuyên gia phân tích kĩ thuật từ City Index cũng dự báo vàng xác lập mức cao chưa từng thấy trong 2020, lên đến 2.000 USD/ounce vì các ngân hàng trung ương thế giới tiếp nới lỏng chính sách tiền tệ.
NNHN có đủ nguồn lực để can thiệp thị trường vàng khi cần thiết
Trước biến động mạnh của giá vàng SJC trong phiên ngày 24/2, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN TP HCM, cho biết mặc dù giá vàng trong nước tăng mạnh nhưng giao dịch ngoài thị trường hiện vẫn khá trầm lắng.
Về việc thực hiện các giải pháp quản lí thị trường vàng, ông Nguyễn Hoàng Minh cho rằng theo tinh thần Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về Quản lí hoạt động kinh doanh vàng, trong thời gian qua, thị trường vàng đã ổn định, không còn tình trạng đầu cơ, làm giá gây bất ổn nền kinh tế.
Đồng thời, tình trạng "vàng hóa" trong nền kinh tế từng bước được ngăn chặn, việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán đã được kiểm soát.
"NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá vàng trên thị trường và có đủ nguồn lực để can thiệp thị trường vàng khi cần thiết", ông khẳng định.