Nguyên nhân gì khiến Dự án Đường sắt cao tốc Bắc - Nam sau bao nhiêu năm vẫn 'nằm trên giấy'?
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa có ý kiến về kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến đến năm 2050.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải (GTVT) thống nhất với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hoàn chỉnh kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định.
Đáng chú ý, tại Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030 có nội dung hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, thu xếp nguồn lực để khởi công một số tuyến đường sắt mới trong đó ưu tiên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cụ thể là việc triển khai đầu tư hai đoạn ưu tiên của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, gồm: Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP HCM.
Liên quan đến tuyến đường sắt cao tốc này, Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết theo Chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2022, dự kiến tháng 9/2022 sẽ trình Bộ Chính trị xem xét, có ý kiến về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam.
Từng được nghiên cứu từ những năm 2005 và đã hoàn thành, trình Thủ tướng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án vào năm 2019 nhưng đến nay Dự án này vẫn chỉ "nằm trên giấy". Vậy nguyên nhân gì khiến Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam triển khai rất chậm và đến giờ vẫn chưa hoàn thành khâu thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi?
Theo phương án của Bộ GTVT, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam sẽ là đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, chiều dài 1.545km, tốc độ khai thác tối đa khoảng 320km/giờ. Tổng mức đầu tư dự kiến toàn bộ dự án khoảng 58,71 tỷ USD.
Giai đoạn 1 đầu tư đoạn Hà Nội - Vinh và đoạn Nha Trang - TP HCM với chiều dài 665km, tổng mức đầu tư dự kiến 24,72 tỷ USD, trong đó chuẩn bị đầu tư cho toàn tuyến giai đoạn 2020-2026, thi công giai đoạn 2027-2031, đưa vào khai thác khoảng năm 2032.
Giai đoạn 2 đầu tư đoạn Vinh - Nha Trang để nối thông toàn tuyến, chiều dài 894km, tổng mức đầu tư dự kiến 33,99 tỷ USD, trong đó khoảng năm 2040 đưa vào khai thác đoạn Vinh-Đà Nẵng; khoảng năm 2045-2050 khai thác đoạn Đà Nẵng-Nha Trang.
Từng gặp ý kiến trái chiều về tổng vốn đầu tư
Được biết, Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam đã được Bộ GTVT nghiên cứu từ năm 2005. Tới năm 2009, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đã được Hội đồng thẩm định nhà nước thông qua, Bộ Chính trị tán thành về chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, dự án này chưa được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 5/2010.
Năm 2019, Bộ GTVT đã hoàn thành, trình Thủ tướng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Tuy nhiên, phương án của Bộ GTVT nhận được ý kiến trái chiều từ nhiều bộ, ngành liên quan.
Trong đó nổi bật là phương án từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi đơn vị này đề xuất xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam với tổng vốn đầu tư chỉ 26 tỷ USD; tốc độ 200km/giờ, tức là thấp hơn 32 tỷ USD so với Bộ GTVT.
Sau đó, Thủ tướng quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước, đứng đầu là Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư.Hội đồng này đã đấu thầu rộng rãi quốc tế và chọn liên danh tư vấn Công ty TNHH Tư vấn và xây dựng Đại học Giao thông vận tải, Công ty TNHH Evo mc, Công ty Ove Arup & Partners Hong Kong Limited, Công ty CP Tư vấn xây dựng và thương mại Hưng Phú làm tư vấn thẩm tra hồ sơ dự án.
Chia sẻ với báo chí, GS. Lã Ngọc Khuê, Nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, Việt Nam nên chọn xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam với tốc độ 200 Km/h để bảo đảm tính khả thi cả về tổng mức đầu tư, cả về khả năng làm chủ kỹ thuật, bảo đảm được hiệu quả trong khai thác vận doanh.
Phương án này cũng sẽ rút ngắn thời gian triển khai, kết thúc dự án, kịp thời giải tỏa những áp lực về nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách trên trục Bắc - Nam...
Trong trường hợp ngược lại, nếu chọn dải tốc độ 320-350 km/h, cùng với tiến độ triển khai dự án như phương án của Bộ GTVT thì tổng thời gian chuẩn bị và triển khai dự án ít nhất phải tới 25 năm, thậm chí lâu hơn.
"Nghĩa là nếu ngay bây giờ, chúng ta khởi động dự án thì cũng phải tới giữa thế kỷ này, dự án mới có thể kết thúc", GS. Khuê nói.
Quá trình thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi có thể bị kéo dài
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản gửi Bộ GTVT cho rằng kết quả thẩm tra của Liên danh tư vấn thẩm tra quốc tế cho thấy Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam còn nhiều vấn đề cần được đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo tính khả thi.
Các vấn đề này bao gồm: Lựa chọn cấp tốc độ thiết kế và khai thác; hướng tuyến và kết nối với các mạng lưới giao thông trong và ngoài nước; tổng mức đầu tư và phương án huy động vốn….
Qua xem xét các nội dung trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam do Bộ GTVT trình, ý kiến phản biện của xã hội và các kết quả thẩm tra của liên danh tư vấn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đây là Dự án có quy mô, tổng mức đầu tư rất lớn, công nghệ phức tạp, có ảnh hưởng rất lớn, lâu dài đến sư phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cần được đánh giá kỹ lưỡng các vấn đề liên quan.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Cơ quan thường trực của Hội đồng đang chỉ đạo Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành, Liên danh tư vấn thẩm tra khẩn trương nghiên cứu, đánh giá kỹ lượng các vấn đề liên quan giúp cho Hội đồng thẩm định Nhà nước có các đánh giá khách quan, toàn diện về Dự án.
“Do đó, tiến độ thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có thể kéo dài, đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét có dự kiến chương trình làm việc phù hợp”, công văn của Bộ Kế hoạch và đầu tư nêu rõ.
Trước đó, vào đầu tháng 7/2022, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát tình hình thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án và có ý kiến về tiến độ hoàn thành công tác thẩm định của Hội đồng thẩm định làm cơ sở để Bộ GTVT tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, có ý kiến chỉ đạo.