Dự kiến làm đường sắt cao tốc TP HCM - Cần Thơ vào năm 2025
Ngày 17/6, đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có cuộc họp với các tỉnh thành gồm TP HCM, Cần Thơ, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Bình Dương về Dự án đường sắt TP HCM - Cần Thơ.
Theo tin từ báo Pháp luật TP HCM, tại cuộc họp, các chuyên gia, địa phương muốn sớm khởi công dự án. Các chuyên gia đề nghị TP, Bộ GTVT chỉ đạo lực lượng thiết kế làm trong phạm vi từ nay đến năm 2024 xong thiết kế, vào năm 2025 - 2026 sẽ thi công. Từ đó, để tuyến TP HCM - Cần Thơ vào quy hoạch phát triển liên kết vùng đô thị.
Liên danh tư vấn cũng đã báo cáo chi tiết về tiến độ dự án. Theo Báo Đầu tư, đơn vị tư vấn đề xuất điểm đầu ga hàng hóa tại Ga lập tàu An Bình thuộc Phường An Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Điểm đầu hành khách bắt đầu từ ga Tân Kiên thuộc xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP HCM. Điểm cuối tại ga Cái Răng (ga Cần Thơ) thuộc phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ.
Đơn vị tư vấn cũng điều chỉnh tốc độ chạy tàu còn 190 km/giờ cho tàu khách và 120 km/giờ cho tàu hàng trong khi trước đây xây dựng phương án tốc độ chạy tàu là hơn 200 km/giờ.
Về thời gian chạy tàu cũng được điều chỉnh với phương án mới từ TP HCM đi Cần Thơ mất 75 - 80 phút thay vì 45 phút như phương án trước đây.
Tổng mức đầu tư của dự án cũng rút xuống còn 169.540 tỷ đồng, tương đương hơn 7 tỷ USD trong khi phương án trước đó là 10 tỷ USD.
Theo tính toán của đơn vị tư vấn mật độ giao thông dọc hành lang khu vực Đông Nam Bộ và ĐBSCL đến 2055 đạt khoảng 27 triệu hành khách/ngày và 54 triệu hàng hóa/ngày.
Tuy nhiên, hiện nay các phương thức vận tải chưa đáp ứng được nhu cầu. Do vậy, cần phải xây dựng tuyến đường sắt TP HCM – Cần Thơ trước năm 2034 để đáp ứng nhu cầu vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Đơn vị tư vấn đặt mục tiêu trong năm nay sẽ hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để Bộ GTVT trình Chính phủ thông qua, sau đó trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư vào năm 2024.
Tại cuộc họp, đại diện tỉnh Tiền Giang đề nghị bổ sung thêm tiêu chí chọn hướng tuyến trái, phải để so sánh bên nào có lợi hơn. Đồng thời, đề nghị bổ sung thêm ga hàng hóa ở Cái Bè.
Đối với đoạn đi qua TP HCM, ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM đề xuất, đoạn qua thành phố có nhiều điểm giao cắt trong khu đô thị hiện hữu có thể gây ùn tắc giao thông. Do đó, TP HCM đề xuất nghiên cứu phương án đi trên cao toàn bộ đoạn qua địa bàn thành phố, mặc dù chi phí cao hơn nhưng sẽ giải quyết được bài toán giao thông về sau.