Vành đai 4 vùng Thủ đô và vành đai 3 TP HCM nhìn từ góc độ phát triển kinh tế
Sáng 16/6, Quốc hội thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và vành đai 3 TP HCM. Hai công trình được đánh giá là sẽ mở ra không gian phát triển cho các tỉnh, thành lân cận cũng như tăng khả năng kết nối các vùng kinh tế, giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông ở hai thành phố lớn.
Vành đai 4 vùng Thủ đô: Tái cấu trúc đô thị Hà Nội, kết nối hai sân bay quốc tế và chùm đô thị vệ tinh
Với chiều dài hơn 112 km, vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội được chia làm 7 dự án thành phần, đi qua Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh; nhu cầu sử dụng đất hơn 1.300 ha. Khi đưa vào khai thác, tuyến đường sẽ áp dụng thu phí tự động không dừng.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 85.813 tỷ đồng, chuẩn bị đầu tư từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026, khai thác năm 2027. UBND TP Hà Nội là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án.
Tuyến có chiều dài cầu cạn 66,72 km, hai cầu vượt sông Hồng là cầu Hồng Hà (dài 5.023 m) và cầu Mễ Sở (dài 2.674 m); một cầu lớn vượt sông Đuống (dài 990 m)..., 8 nút giao liên thông.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đánh giá quy hoạch vành đai vùng Thủ đô có ý nghĩa đồng bộ hoá hệ thống cao tốc, tạo động lực cho cả Bắc Bộ, khi Hà Nội là hạt nhân và trung tâm vùng.
Việc thiết lập vành đai cuối cùng ở Thủ đô sẽ mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội, đô thị và nông thôn, tạo ra hành lang phát triển kinh tế, cũng như hành lang vận tải liên vùng.
"Đối với Hà Nội, vành đai 4 còn kết nối hai cảng hàng không quốc tế quan trọng là sân bay quốc tế Nội Bài và trong quy hoạch tổng thể của Thủ đô tới, sẽ hình thành sân bay quốc thế thứ hai ở phía đông nam Thủ đô. Ở phía nam Thủ đô, dự án cũng sẽ kết nối với tuyến cao tốc đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam", ông Tuấn cho hay.
Được xem là tuyến "vành đai kết nối mọi vành đai và các cao tốc hướng tâm", vành đai 4 sẽ điều hoà hệ thống cao tốc và giảm tải cho cao tốc vành đai 3, trở thành đường trên cao đô thị, mở ra điều kiện để kết nối 5 đô thị vệ tinh trong chùm đô thị của Hà Nội, sang cả Hưng Yên, Bắc Ninh và Bắc Giang.
Theo Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến Trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh, cấu trúc đô thị với hệ thống đường vành đai và xuyên tâm là mô hình phổ biến trên thế giới đang áp dụng. Các cấu trúc này sẽ kết hợp với vùng lõi là ô bàn cờ với các tuyến xuyên tâm vành đai nối các tuyến giao thông công cộng, vận chuyển hành khách lớn như metro, BRT…
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường nhận định, về quy hoạch và hình thái, đô thị vùng Thủ đô và vùng TP HCM đều chưa phát huy được hiệu quả với hạt nhân hai siêu đô thị đang có dấu hiệu phát triển chậm lại, hụt hơi với những điểm nghẽn.
Ông Thường cho rằng một trong những vai trò của dự án vành đai 4 vùng Thủ đô là tái cấu trúc hình thái đô thị của Hà Nội và định hình sự phát triển của vùng Thủ đô với 10 tỉnh thành.
Vành đai 3 TP HCM: Kích hoạt toàn bộ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Với nghị quyết vừa được thông qua, Quốc hội đồng ý đầu tư 75.378 tỷ để xây dựng 76,34 km đường vành đai 3 TP HCM. Công trình sẽ được chia thành 8 dự án thành phần, theo hình thức đầu tư công.
Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án là hơn 640 ha. Thời gian chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm nay, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026. Sau khi hoàn thành, tuyến đường sẽ áp dụng thu phí tự động không dừng.
Theo lãnh đạo TP HCM, vành đai 3 qua trực tiếp 4 địa phương TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, sẽ “kích hoạt” toàn bộ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Công trình không chỉ giúp cho TP HCM và các tỉnh trong khu vực dự án tháo điểm nghẽn giao thông, mà còn tạo ra động lực mới cho phát triển cả vùng Đông Nam Bộ. Đây sẽ là trục giao thông chiến lược, là vành đai phát triển đô thị, công nghiệp và kết nối vùng.
Trên thực tế, tuyến vành đai 3 được thiết kế kết nối các tuyến giao thông hướng tâm như cao tốc TP HCM - Trung Lương, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP HCM - Mộc Bài, quốc lộ 13,... sẽ làm nhiệm vụ tiếp nhận và giải tỏa các luồng xe quá cảnh từ các tỉnh mà không cần đi qua trung tâm TP HCM, chuyển hướng các phương triện tải trọng lớn, giảm tải cho các tuyến đường nội đô.
Khi có đường này, giao thông hướng tây bắc - đông nam của TP HCM và ngược lại có thể đi qua cao tốc Bến Lức- Long Thành để tiếp cận cao tốc TP HCM - Trung Lương. Hướng từ quốc lộ 13, quốc lộ 22 có thể tiếp cận khu vực cảng phía Đồng Nai, TP HCM qua đoạn Nhơn Trạch - Tân Vạn. Tuyến này cũng kết nối với đường sắt liên đô thị Thủ Thiêm - Nhơn Trạch - Long Thành và quốc lộ 1A.
Một điểm đáng chú ý là dự án vành đai 3 giúp tăng sự kết nối với những thành phố và thị xã xung quanh, mở ra hướng phát triển cho các đô thị vệ tinh như Nhơn Trạch (Đồng Nai); Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh (TP HCM); đô thị Đức Hòa, Đức Huệ, Bến Lức (Long An); Dĩ An, Thuận An (Bình Dương)...
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi trình bày trước Quốc hội đã nhấn mạnh mục đích hai dự án vành đai nói trên có sự thay đổi về cách tiếp cận. Theo đó, phải đảm bảo được kết nối vùng, liên kết vùng, giảm ùn tắc, ô nhiễm; phải mở rộng được không gian phát triển cho hai thành phố và cho cả vùng; nâng cao được sức cạnh tranh và phải biến nó thành một động lực cho phát triển.
“Mục tiêu không chỉ để hình thành một tuyến hành lang giao thông mà phải biến nó thành một hành lang kinh tế, phải phát triển theo quy hoạch và thu hồi lại các giá trị địa tô tăng lên” ông Dũng cho hay.
Còn theo đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội Nguyễn Anh Trí, việc triển khai hai dự án vành đai 4 vùng Thủ đô và vành đai 3 TP HCM này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp và gián tiếp vô cùng to lớn, do có thêm hàng nghìn ha đất trở thành đất vàng, đất bạc, có thêm nhiều khu đô thị, nhiều khu công nghiệp, các trung tâm văn hóa, khoa học, trường đại học…
Cùng quan điểm, PGS.TS. Trần Đình Thiên nhìn nhận về tương lai khi hai dự án vành đai đi vào hoạt động trong thời gian tới đã đánh giá rằng có thể hình dung ra sự "bùng nổ" khá mạnh mẽ ở hai trung tâm tăng trưởng lớn nhất của Việt Nam.
Ông Thiên cho rằng chân lý "đường thông" sẽ thể hiện ở ba điểm chính. Đầu tiên là hành lang công nghiệp sẽ phát triển, thứ hai là vận tải và các tuyến logistics sẽ kết nối mạnh mẽ hơn, mục đích là hình thành các đô thị và chuỗi đô thị đẳng cấp cao. Cuối cùng với tầm nhìn xa hơn là sẽ nối các hành lang này với các sân bay, có thể hình dung sự kết nối bầu trời với thế giới. Qua đó tận dụng cơ hội phục hồi để tạo ra đột phá phát triển.