|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nguyên nhân doanh số ô tô yếu trong tháng 1

15:30 | 25/02/2024
Chia sẻ
Trong tháng 1, hầu hết các hãng xe đầu sụt giảm mạnh doanh số so với tháng 12 năm ngoái.

Theo báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 1/2024, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 19.243 xe, giảm 50% so với tháng 12/2023 tăng 11% so với tháng 1/2023. Trong đó bao gồm: 14.745 xe du lịch; 4.390 xe thương mại và 108 xe chuyên dụng.

So với tháng liền trước, doanh số xe du lịch giảm 54%; xe thương mại giảm 31,5% và xe chuyên dụng giảm 46% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, doanh số bán hàng của xe ô tô du lịch tăng 5%, xe thương mại tăng 38% và xe chuyên dụng tăng 4%.

Doanh số các hãng xe trong tháng 1/2023 so với tháng 12/2023 và cùng kỳ năm trước. (Nguồn: VAMA).

Về xuất xứ, doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 9.783 xe, giảm 59% so với tháng trước và doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 9.460 xe, giảm 36% so với tháng trước.

Thực tế, tháng 1 chứng kiến hầu hết các hãng xe đều sụt giảm doanh số so với tháng 12 năm ngoái.

Nguyên nhân xuất phát từ hai yếu tố. Thứ nhất, tháng 1 là tháng sát Tết Nguyên đán nhu cầu mua xe của người dân đã giảm xuống so với giai đoạn cao điểm tháng 12. Thứ hai, tháng 12/2023 là thời điểm cuối cùng để áp dụng mức giảm 50% lệ phí trước bạ nên người mua các dòng xe nội địa đều tập trung mua sắm vào tháng 12/2023 để hưởng ưu đãi.

Theo anh H. Nam, nhân viên tại một đại lý xe Kia, bước sang tháng 1, nhu cầu mua sắm ô tô đối với các dòng xe lắp ráp như Kia, Mazda giảm mạnh do không được hỗ trợ bởi yếu tố giảm phí trước bạ như các tháng cuối năm, dù cho các nhà sản xuất đã tung nhiều ưu đãi để kích cầu.

Các ngày cuối năm ngoái, lượng đặt cọc mua xe để làm hồ sơ nộp lệ phí trước bạ tăng cao đột biến, nhân viên các đại lý hầu hết phải làm thêm giờ để phục vụ khách hàng nhưng sang tháng 1, thị trường mua sắm ô tô lại không sôi động bằng dịp cận Tết các năm trước.

Riêng Toyota ghi nhận doanh số giảm ở cả tháng 12 năm ngoái và tháng 1 năm nay.

Doanh số các nhà sản xuất ô tô du lịch lớn nhất Việt Nam trừ VinFast do hãng này không công bố doanh số. (Nguồn: VAMA, TC Motor, Nguyễn Thắm tổng hợp).

Về thị phần, Thaco vẫn là nhà sản xuất ô tô lớn nhất Việt Nam với 5.443 xe được bán ra trong tháng 1. Mức doanh số này đến từ 6 thương hiệu: Kia, Mazda, Peugeot, Thaco Truck, Bus Thaco và Thaco Premium BMV+Mini.

Đứng thứ hai là TC Motor với 3.569 xe được bán ra trong tháng 1, doanh số này đến từ duy nhất thương hiệu Hyundai mặc dù trước đó, ngày 23/9/2023, TC motor đã chính thức ra mắt thương hiệu ôtô Skoda song hãng vẫn chưa công bố doanh số của thương hiệu này.

 10 mẫu ô tô ăn khách nhất tháng 1. (Nguồn số liệu: VAMA, TC Motor. Nguyễn Thắm tổng hợp).

Trong tháng 1, Ford bất ngờ vượt qua Toyota để nắm giữ vị trí thứ 3 trong số các nhà sản xuất ô tô có doanh số lớn nhất Việt Nam.

Nguyên nhân là do trong tháng 1, Ford có tới hai đại diện nằm trong số các mẫu xe ăn khách nhất tháng là Ford Ranger ở vị trí thứ 2 và Ford Everest ở vị trí thứ 6 còn đại diện duy nhất của Toyota lọt top là Toyota Vios chỉ đứng ở vị trí thứ 7.

Tiếp đến là các hãng xe Honda, Mitsubishi, Suzuki, Isuzu... với thứ hạng không có nhiều thay đổi.

Nguyễn Thắm

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.