Nguyên liệu sản xuất tăng mạnh, doanh nghiệp thép gặp khó
Thông tin từ Tập đoàn Hòa Phát cho biết, giá phế liệu đã liên tục tăng mạnh, từ mức 207 USD/tấn vào tháng 4/2020 lên mức 500 USD/tấn vào ngày 10/5/2021, tương ứng mức tăng gấp 2,5 lần.
Thời gian tăng mạnh nhất của từ tháng 11/2020 đến nay, giá phế liệu đã tăng từ mức 300 USD/tấn lên 500 USD/tấn, gần gấp đôi trong vòng 6 tháng. Từ tháng 4/2021 đến nay, giá phế liệu tăng từ 430 USD/tấn lên 500 USD/tấn, tăng 70 USD/tấn sau một tháng.
Với quặng, nếu như vào tháng 5/2020, giá quặng sắt ở mức 88 USD/tấn thì đến tháng 5/2021 đã lên mức 229 USD/tấn, cao gấp 2,6 lần. Tính riêng từ tháng 4 đến tháng 5/2021, giá quặng tăng từ 167 USD/tấn lên 229 USD/tấn và hiện giá quặng vẫn đang tiếp tục trên đà tăng, chưa có dấu hiệu dừng lại.
Ở thị trường thế giới, ngày 10/5, giá quặng sắt trên sàn Trung Quốc tăng 10% lên mức cao kỷ lục, giá thép tăng 6%. Trên sàn giao dịch Singapore, hợp đồng quặng sắt tháng 6 tăng 10,3% lên 226,25 USD/tấn. Thị trường cho thấy, nhu cầu mạnh với các loại quặng có hàm lượng sắt cao.
Theo đánh giá từ Tập đoàn Hòa Phát, giá nguyên liệu tăng mạnh do Trung Quốc đang chiếm giữ 70% lượng quặng nhập đường biển toàn cầu và chi phối hoàn toàn giá quặng sắt thế giới. Nhu cầu thép ở quốc gia này cũng rất lớn, đặc biệt Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư nhằm phục hồi sau dịch COVID-19. Vì vậy, các nhà sản xuất Trung Quốc đang tích cực dự trữ, nhập nguyên vật liệu cho sản xuất.
Những lo ngại về nguồn cung cũng thúc đẩy giá quặng sắt do quan hệ giữa nhà sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc và nhà cung cấp quặng sắt lớn nhất Australia có dấu hiệu xấu đi.
Ở trong nước, giá phế liệu, quặng sắt tăng mạnh suốt thời gian qua tác động rất lớn đề chi phí đầu vào của sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất. Giá thành phẩm thép trong nước như thép cuộn từ tháng 10/2020 đến nay tăng khoảng 56%; giá thép cây tăng khoảng 42%...
“Giá nguyên liệu tăng bằng số lần, trong khi giá bán thành phẩm chỉ có thể tăng khoảng 50% như hiện nay khiến cho doanh nghiệp thép gặp khó khăn. Để phục vụ sản xuất được ổn định, Hòa Phát phải mua hàng dù giá các loại nguyên liệu đều tăng cao, bởi nếu không mua sẽ không có hàng để sản xuất.
"Thông thường, tập đoàn mua nguyên liệu gối đầu cho từng quý, nhưng hiện tại phải mua nguyên liệu cho cả quý IV. Dù rủi ro cao nhưng doanh nghiệp phải chấp nhận để đảm bảo nhà máy sản xuất liên tục, cung ứng hàng hóa đầy đủ cho thị trường”, báo cáo của Hòa Phát cho hay.
Hiện các nhà máy của Hòa Phát đang chạy tối đa công suất, đảm bảo cung ứng nhiều nhất sản phẩm cho thị trường. Trong 4 tháng đầu năm 2021, sản lượng thép của Hòa Phát tăng 64% so với cùng kỳ. Chiến lược kinh doanh của Hòa Phát vẫn là ưu tiên thị trường trong nước, đảm bảo đủ hàng cho hệ thống đại lý đã luôn gắn bó song hành cùng công ty lúc thị trường thuận lợi cũng như khó khăn.
Hiện giá thép cuộn cán nóng HRC ở Hòa Kỳ là 1.500 USD/tấn, ở châu Âu là 1.200 USD/tấn và ở Việt Nam, Hòa Phát đang bán với giá dưới 1.000 USD/tấn và chưa có kế hoạch xuất khẩu, ưu tiên thị trường trong nước.
Giá bán thành phẩm cân đối theo thị trường thế giới, khi giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao và quá nhanh sẽ gây ảnh hưởng đối với nhà sản xuất khi giá thành không thể tăng tương ứng, “không cõng” được hết chi phí nguyên liệu.
Theo ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, có thể thấy rõ, nguyên nhân đầu tiên của giá thép tăng là Trung Quốc đang chiếm tới 60% sản lượng thép thô toàn cầu.
Các yếu tố đang chi phối thị trường này gây ảnh hưởng giá thép toàn cầu bao gồm nguồn cung thép thắt chặt theo chính sách của Chính phủ Trung Quốc về kiểm soát ô nhiễm; nhu cầu tiêu thụ thép của nước này tăng cao do phục hồi kinh tế; chi phí sản xuất thép của Trung Quốc cũng cao hơn so với các quốc gia làm nhập khẩu bán thành phẩm, đã tăng lên mức cao nhất trong lịch sử vào cuối năm 2020.
Bên cạnh đó, nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi, điều này đồng nghĩa nhu cầu về thép của thế giới tăng, trong khi dự báo của các tổ chức quốc tế đều khẳng định công suất thép toàn cầu năm nay chưa thể hồi phục như trước đại dịch. Điều đó có nghĩa là giá thép sẽ có khả năng còn tăng. Ngoài ra, hiện giá thép còn chịu sự tác động của cước phí vận chuyển tăng cao, thiếu container tàu biển…
“Mặc dù năng lực sản xuất các sản phẩm thép của ngành thép Việt Nam đã đáp ứng đủ nhu cầu thị trường nội địa. Tuy nhiên, nguyên liệu như quặng sắt, phế thép, nhiên liệu và vật liệu tiêu hao thường xuyên như than mỡ, coke, điện cực, trục cán, vật liệu chịu lửa… phục vụ cho sản xuất thép hầu hết được nhập khẩu, nên thị trường thép Việt Nam chịu sự chi phối lớn từ thị trường toàn cầu.
"Diễn biến tăng giá gần đây do giá nguyên vật liệu sản xuất thép toàn cầu tăng bất thường, giá thép thô và thép thành phẩm trên thế giới đều tăng và diễn biến phức tạp, khó lường. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất thép trong nước”, ông Đa nói.
Hiệp hội Thép Việt Nam hiện đã có văn bản khuyến nghị tới doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh sản xuất để bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh tăng giá nguyên liệu như hiện nay, việc duy trì được sản xuất của doanh nghiệp cũng được xem là khó.