|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nguyễn Hoàng Group tìm cách bán Đại học Hoa Sen và Hồng Bàng

08:22 | 25/05/2024
Chia sẻ
Đây là hai trong số hệ thống một loạt các trường đại học tư thục mà Nguyễn Hoàng Group đang sở hữu, vận hành.

DealStreetAsia đưa tin tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng đã bắt đầu bán hai trong số những trường đại học lớn nhất trực thuộc hệ thống của mình. Nhiều nguồn tin cho hay, Deloitte và Viet Capital được thuê làm tư vấn để bán Đại học Hoa Sen (HSU) và Đại học Hồng Bàng (HIU).

 Logo Đại học Hoa Sen. (Ảnh: Hoa Sen).

Nguyễn Hoàng đã mua lại HIU vào năm 2015 và HSU vào năm 2018. Được thành lập vào năm 1991, HSU hiện đang hoạt động tại 4 cơ sở ở TP HCM. HIU được thành lập vào năm 1997 và có hai cơ sở ở cùng thành phố. Cả hai trường đều cung cấp dịch vụ đào tạo đa ngành, nhưng HIU tập trung vào đào tạo ngành y. 

Nguyễn Hoàng được thành lập vào năm 1999 bởi cặp vợ chồng anh chị em Hoàng Quốc Việt (Chủ tịch) và Hoàng Nguyễn Thu Thảo (CEO) và kể từ đó đã phát triển thành một trong những tập đoàn giáo dục lớn nhất Việt Nam. 

Hoạt động giáo dục của tập đoàn còn bao gồm Đại học Gia Định, Đại học Bà Rịa Vũng Tàu và Đại học MIT mà đã mua lại trong những năm qua. Ngoài ra, Nguyễn Hoàng còn có ba chuỗi K-12 và một chuỗi mầm non. Các trường của tập đoàn chủ yếu nằm ở khu vực phía nam.

Nguyễn Hoàng đang rao bán từng tài sản riêng lẻ sau khi nỗ lực huy động vốn không thành công. Tháng 7/2022, DealStreetAsia đưa tin JP Morgan đã trúng thầu tư vấn giúp Nguyễn Hoàng bán cổ phần. Trước đó, công ty được cho là mong muốn định giá 1 tỷ USD. Các nhà đầu tư tư nhân toàn cầu lớn như CVC Capital Partners có thể đã xem xét thỏa thuận này vào thời điểm đó. Tháng 12/2022, Reuters nói Nguyễn Hoàng tạm dừng việc bán vì các mức giá chào mua không đáp ứng được kỳ vọng định giá của họ.

Một nguồn tin cho biết hiện tại Nguyễn Hoàng có thể đang tìm cách huy động khoảng 150-200 triệu USD cho mỗi trường đại học đang chào bán. DealStreetAsia đã liên hệ với Nguyễn Hoàng, Deloitte và Viet Capital để lấy ý kiến nhưng chưa nhận được phản hồi.

Theo những người hiểu biết về mô hình hoạt động của Nguyễn Hoàng, việc bán cổ phần cho toàn bộ hệ thống cũng gặp khó khăn do phần lớn giá trị của Nguyễn Hoàng gắn liền với các vấn đề bất động sản.

Theo truyền thông địa phương, Nguyễn Hoàng đã nộp đơn xin cấp đất dự án bất động sản trên cả nước để xây trường học, nhưng một số dự án không được triển khai, một số khác thi công chậm trễ. Chính quyền một số tỉnh được cho là đã thu hồi quyền sử dụng đất trước đó của công ty. Trong một bài báo đăng trên TheLeader năm 2023, đại diện công ty đổ lỗi cho đại dịch COVID-19 là yếu tố bất khả kháng khiến tiến độ chậm lại.

Thị trường giáo dục Việt Nam tiếp tục thu hút đáng kể sự quan tâm của các nhà đầu tư tư nhân. Mới đây nhất, công ty giáo dục IGC của Việt Nam được hậu thuẫn bởi Navis Capital Partners đã mua lại trường Hồng Đức, một trường tư thục từ mầm non đến THPT ở ngoại thành Hà Nội. IGC cũng được xây dựng theo mô hình gom các trường nhỏ lẻ lại.

Một nền tảng giáo dục khác được hỗ trợ bởi quỹ đầu tư tư nhân là EQuest Group đã hợp nhất gần 20 trường, từ mầm non đến cao đẳng và các đơn vị công nghệ giáo dục (Edtech). Trong khi đó, BHL Education có trụ sở tại TP HCM được quỹ đầu tư tư nhân Heritas Capital của Singapore đầu tư. Excelsior Capital Vietnam Partners, sau khi thoái vốn khỏi Khôi Nguyên Education, gần đây cũng đã đầu tư vào công ty đào tạo tiếng Anh Kaplan Vietnam.

Lĩnh vực đầu tư mạo hiểm và giai đoạn đầu thậm chí còn sôi động hơn. Prep gần đây đã huy động được vốn từ Cercano Management, Northstar Ventures, East Ventures, Touchstone Partners và Saison Capital. Công ty khởi nghiệp Vuihoc đã đầu tư hàng triệu USD vào chuỗi dạy tiếng Anh The IELTS Workshop. Trong khi đó, Galaxy Education đang tìm cách huy động khoảng 10-20 triệu USD trong vòng gọi vốn mới.

Đức Huy (theo DealStreetAsia)