|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị GPBank bị phạt thêm 9 năm tù

07:46 | 30/03/2021
Chia sẻ
Sau một tuần xét xử và nghị án, chiều 29/3, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án phạt 13 bị cáo tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Dầu khí Toàn Cầu (GPBank).
Nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị GPBank bị phạt thêm 9 năm tù - Ảnh 1.

Các bị cáo nghe tòa tuyên án. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN).

Hội đồng xét xử đã tuyên phạt các bị cáo: Tạ Bá Long (sinh năm 1955, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng tín dụng cấp cao GPBank) 9 năm tù, tổng hơp với bản án 5 năm tù của vụ án trước, hình phạt chung đối với bị cáo Long là 14 năm tù. Bị cáo Đoàn Văn An (sinh năm 1958, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị GPBank) bị phạt 12 năm tù, tổng hợp với mức án 13 năm tù của bản án trước, hình phạt chung đối với bị cáo An là 25 năm tù.

Các bị cáo: Phạm Quyết Thắng (sinh năm 1973, nguyên Tổng Giám đốc GPBank) 9 năm tù, Đỗ Trung Thành (sinh năm 1970, nguyên Phó Tổng Giám đốc GPBank) 7 năm tù, Nguyễn Văn Thành (sinh năm 1977, nguyên Phó Trưởng phòng phụ trách phòng Tái thẩm định và phê duyệt tín dụng GPBank) 3 năm tù, Nguyễn Thùy Dương (sinh năm 1980, nguyên chuyên viên Phòng Tái thẩm định và phê duyệt tín dụng GPBank) 24 tháng tù, Lương Hồng Thái (sinh năm 1981, nguyên Phó Giám đốc GPBank, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh) 5 năm tù, Nguyễn Toàn Thắng (sinh năm 1974, nguyên Phó Giám đốc GPBank, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh) 3 năm tù, Nguyễn Thanh Tuấn (sinh năm 1977, nguyên Trưởng phòng Hỗ trợ tín dụng GPBank, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh) 30 tháng tù, Lê Ngọc Thắng (sinh năm 1985, nguyên Chuyên viên quan hệ khách hàng GPBank, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh) 24 tháng tù về cùng tội “Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” theo quy định tại Điều 179, khoản 3 – Bộ luật Hình sự năm 1999.

Ba bị cáo: Phùng Ngọc Khánh (sinh năm 1963, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Sài Gòn One; Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty M&C) bị tuyên phạt 13 năm tù, Nguyễn Trọng Hiếu (sinh năm 1977, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần phát triển Điện lực Sài Gòn – viết tắt là Công ty Điện lực Sài Gòn) bị phạt 8 năm tù, Kim Văn Bộ (sinh năm 1973, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Sài Gòn) bị phạt 3 năm tù về cùng tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174, khoản 4 – Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo bản án sơ thẩm, với mục đích chiếm đoạt tài sản của GPBank nên trong thời gian từ tháng 8-9/2011, bị cáo Khánh đã bàn bạc, thống nhất với Hiếu và Bộ thực hiện hành vi gian dối bằng thủ đoạn lập hợp đồng mua bán 6 căn hộ thuộc Dự án cao ốc Sài Gòn M&C giữa Công ty M&C với Công ty Điện lực Sài gòn với giá hơn 477 tỷ đồng. 

Trong khi đó, các căn hộ tại dự án chưa hoàn thành, tại thời điểm thế chấp, chưa đủ thủ tục pháp lý, chưa được phép bán, chưa thuộc quyền sở hữu của Công ty M&C nên không có giá trị của tài sản đảm bảo. 

Ngoài ra, các bị cáo còn ký vi bằng khống thể hiện việc xác nhận Công ty Điện lực Sài Gòn thanh toán 125 tỷ đồng tiền mua bán 6 căn hộ trên với mục đích chứng minh Công ty Điện lực Sài Gòn có đủ năng lực tài chính. 

Đồng thời, 3 bị cáo còn chỉ đạo lập hồ sơ gian dối về hoạt động, khả năng tài chính của Công ty Điện lực Sài Gòn, Công ty M&C thể hiện các công ty này hoạt động có lãi, có năng lực tài chính đảm bảo khả năng trả nợ, trong khi Công ty Điện lực Sài Gòn không hoạt động, không có doanh thu; Công M&C hoạt động thua lỗ.

Quá trình thẩm định và quyết định cho vay, các bị cáo nguyên là những lãnh đạo, cán bộ của GPBank và GPBank chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đã không thực hiện đúng việc kiểm tra, thẩm định mục đích sử dụng vốn, khả năng tài chính đảm bảo trả nợ, phương án sử dụng vốn, tài sản thế chấp, bảo đảm khả năng trả nợ, vi phạm quy định về xem xét, quyết định cho vay (điều kiện vay vốn)… nhận tài sản thế chấp là 6 căn hộ Dự án cao ốc Sài Gòn M&C của bên thứ ba trong khi tài sản này không thuộc quyền sở hữu của bên thứ ba. 

Mặc khác, khi thẩm định giá còn nâng khống giá trị tài sản bảo đảm là 255.000 cổ phần của Công ty M&C có giá trị thực theo kết luận định giá của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự là hơn 14 tỷ đồng lên thành 728 tỷ đồng để cấp tín dụng cho Công ty Điện lực Sài Gòn vay hơn 305 tỷ đồng, dẫn đến hậu quả để 3 bị cáo: Khánh, Hiếu, Bộ lừa đảo chiếm đoạt hơn 290 tỷ đồng.

Hội đồng xét xử nhận định, đối với nhóm 3 bị cáo phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, bị cáo Khánh là người giữ vai trò chính thực hiện việc bàn bạc, thống nhất, chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện hành vi phạm tội, đồng thời trực tiếp tích cực thực hiện hành vi phạm tội. Bị cáo Hiếu phạm tội lần đầu với vai trò là người giúp sức cho bị cáo Khánh. 

Bị cáo Bộ chỉ là người làm thuê, thực hiện hành vi phạm tội với vai trò thụ động, lệ thuộc vào sự chỉ đạo của bị cáo Hiếu để giúp ký hồ sơ khống, hợp thức đứng tên Công ty Điện lực Sài Gòn vay tiền để bị cáo Khánh chiếm đoạt tài sản, gây hậu quả thiệt hại tài sản cho GPBank.

Đối với nhóm 10 bị cáo phạm tội “Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, bị cáo An là người tích cực chỉ đạo, tổ chức thực hiện hành vi phạm tội; hai bị cáo Long và Đỗ Trung Thành đóng vai trò chính, thực hiện chỉ đạo của bị cáo An. Các bị cáo còn lại giữ vai trò đồng phạm, thừa hành chỉ đạo của các bị cáo nguyên là lãnh đạo cấp trên.

Trên cơ sở đó, Hội đồng xét xử xác định cần có mức hình phạt tương xứng với tính chất hành vi và mức độ thực hiện tội phạm của các bị cáo, nhằm cảnh cáo, răn đe và phòng ngừa chung.

Ngoài án phạt tù, Tòa còn tuyên buộc nhóm 3 bị cáo: Khánh, Hiếu, Bộ phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” phải chịu trách nhiệm trả lại hơn 290 tỷ đồng đã lừa đảo chiếm đoạt của GPBank. Đồng thời, 3 bị cáo này còn liên đới cùng Công ty Điện lực Sài Gòn chịu trách nhiệm bồi thường hậu quả thiệt hại hơn 437 tỷ đồng cho GPBank.

Kim Anh