|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nguy cơ tiềm ẩn từ ảnh hưởng siêu lớn của các đại gia công nghệ đối với thị trường chứng khoán

05:59 | 21/10/2020
Chia sẻ
Tỉ lệ 40% giá trị vốn hóa chỉ số S&P 500 là bằng chứng mới nhất cho thấy mức độ ảnh hưởng ngày càng tăng của các tập đoàn công nghệ đối với người tiêu dùng toàn cầu.

Kết quả phân tích của Dow Jones Market Data chỉ ra rằng các hãng công nghệ sẽ kết thúc năm nay với tỉ trọng lớn nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Mỹ. Hiện tại, vốn hòa ngành công nghệ đã chiếm 40% chỉ số S&P 500, vượt kỉ lục cũ là 37% năm 1999 – thời đỉnh cao bong bóng Internet. 

Con số 40% là bằng chứng mới nhất cho thấy mức độ ảnh hưởng ngày càng tăng của các tập đoàn công nghệ đối với người tiêu dùng toàn cầu, theo Wall Street Journal.

Riêng Apple – doanh nghiệp Mỹ đầu tiên đạt vốn hóa 2.000 tỷ USD – đã chiếm 7% tổng vốn hóa của các cổ phiếu trong S&P 500. Đầu tháng trước, tỉ lệ này là 8% - cao nhất với mọi mã cổ phiếu từ năm 1998.

Bất chấp thực tế là giới đầu tư đang bán tháo nhiều mã cổ phiếu mà họ từng chuộng như Apple hay Netflix, nhiều mã công nghệ vẫn đang dẫn dắt thị trường năm nay, giúp S&P 500 tăng gần 8% từ đầu năm và liên tục dao động quanh các mốc đỉnh dù kinh tế lao dốc vì đại dịch.

Nguy cơ tiềm ẩn từ ảnh hưởng siêu lớn của các đại gia công nghệ đối với thị trường chứng khoán - Ảnh 1.

Nhóm cổ phiếu công nghệ vực thị trường lên đầu tuần này, sau đó lại đẩy xuống. Thực tế ấy giúp giới quan sát hiểu tầm ảnh hưởng của nhóm công nghệ với các chỉ số chứng khoán là rất lớn.

Làm việc từ xa, điện toán đám mây càng và một số xu hướng khác đang tạo động lực cho các tập đoàn công nghệ, giúp họ tăng trưởng khi các doanh nghiệp khác lao đao. 

Tuy nhiên, tình trạng tăng trưởng tập trung vào một nhóm nhỏ khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại, bởi thị trường chứng khoán đang phụ thuộc quá lớn vào lĩnh vực công nghệ và thị trường sẽ hụt hơi khi chỉ vài mã công nghệ lao dốc.

Kinh nghiệm cho thấy sau khi một ngành đạt đỉnh về tỉ trọng trong S&P 500, tình trạng bán tháo sẽ diễn ra. Lĩnh vực công nghệ từng lao dốc sau khi bong bóng Internet tan vỡ. Ảnh hưởng của ngành ngân hàng đối với thị trường chạm đỉnh năm 2006, trước thời điểm khủng hoảng tài chính. Nhóm cổ phiếu năng lượng cũng rơi vô định sau khi chạm đỉnh mới về tỉ trọng trong S&P 500 năm 2008.

Chỉ vài nhà phân tích cảnh báo rằng giới đầu tư đang định giá cổ phiếu công nghệ quá cao như cách đây 2 thập kỷ. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư đang chuẩn bị cho khả năng mức độ biến động của ngành công nghệ sẽ tăng dần.

"Mọi mặt cuộc sống trên thế giới đang số hóa một cách bắt buộc", Alison Porter – Giám đốc Danh mục đầu tư tại Janus Henderson Investors, bình luận. Bà vẫn tin vào tương lai của các đế chế công nghệ lớn nhất, nhờ tăng trưởng ổn định và cơ hội khi nhiều người phải ở nhà trong đại dịch.

Giới đầu tư đang chờ đợi báo cáo tài chính quí III của các tập đoàn công nghệ, cũng như số liệu thất nghiệp hàng tuần để đánh giá sức khỏe nền kinh tế. Vì Quốc hội Mỹ vẫn chưa thông qua gói kích thích tiếp theo, nhiều nhà đầu tư chưa muốn mua các cổ phiếu liên quan trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế.

Ông Howard Marks – đồng sáng lập hãng tư vấn đầu tư Oaktree Capital Group, nhận định rằng các phương pháp tính độ đắt của cổ phiếu công nghệ đều liên quan đến lợi nhuận hiện tại. Do đó, số liệu hiện nay có thể đánh giá thấp triển vọng của các tập đoàn khi họ đã chi rất nhiều tiền để thúc đẩy tăng trưởng.

Nhạc Phong