Nguy cơ Philippines hạn chế nhập khẩu, giá gạo Việt Nam giảm trong tuần này
Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm giảm còn 365 - 375 USD/tấn từ 380 USD/tấn của tuần trước - mức cao nhất kể từ tháng 12/2018.
"Chúng tôi đã nghe về lời đồn Philippines có thể tiến hành hạn chế nhập khẩu từ ngày 28/2, vì vụ thu hoạch mới tại đây đang bắt đầu", một thương nhân có trụ sở tại TP HCM cho biết.
Theo Reuters, Philippines vẫn chưa đưa ra bất kì tuyên bố chính thức nào.
Tuy nhiên, một thương nhân khác tại TP HCM cho biết một số nhà xuất khẩu đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo đủ nguồn cung gạo từ người nông dân để thực hiện các hợp động xuất khẩu kí trước đó.
"Những nhà xuất khẩu đã kí hợp đồng trước kì nghỉ Tết Nguyên đán, và vẫn chưa đưa ra quyết định thu mua", thương nhân này chia sẻ.
Tương tự, tại Tái Lan, giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm tăng từ 430 - 445 USD/tấn của tuần trước lên 430 - 452 USD trong ngày thứ Năm (27/2).
"Chúng tôi không nhận được thỏa thuận lớn nào, chỉ toàn thỏa thuận nhỏ từ khách hàng cũ", một thương nhân gạo tại Bangkok cho hay.
Theo người này, thông thường các thỏa thuận lớn có khối lượng giao dịch là 10.000 tấn, còn hiện tại chỉ còn vài trăm tấn.
Tình trạng hạn hán kéo dài tại nhiều khu vực trồng lúa đã gây áp lực lên nguồn cung, kéo giá gạo Thái Lan tăng cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh.
Mùa khô bắt đầu vào tháng 11 và thường kết thúc vào cuối tháng 4, nhưng nó cũng có thể kéo dài cho tới tháng 6, theo chính phủ Thái Lan.
"Giá gạo sẽ duy trì ở mức cao vì thiếu nguồn cung, và không giảm nhiều ngay cả khi đồng baht suy yếu", một thương nhân khác cho biết.
Giá gạo xuất khẩu giảm trở lại tại Ấn Độ
Trong khi đó, nhu cầu ảm đạm và đồng rupee mất giá đã đẩy giá gạo tại nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới - Ấn Độ - rời khỏi đỉnh 4 tháng xác lập hồi đầu tháng.
Cụ thể, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ ghi nhận ở mức 369 - 373 USD/tấn trong tuần này, giảm từ 371 - 376 USD/tấn của tuần trước và tuần trước đó.
Nhu cầu từ người mua châu Phi và châu Á đã suy yếu vì họ dự đoán giá gạo sẽ điều chỉnh như những hàng hóa khác, một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Andhra Pradesh cho biết.
Tại Bangladesh, một quan chức cấp cao của Bộ Thương mại hôm 27/2 cho hay chính phủ đang xem xét việc áp lệnh cấm đối với xuất khẩu gạo thường trong bối cảnh giá trong nước tăng mạnh.
"Chúng tôi sẽ đưa ra quyết định vào tuần tới", vị quan chức nói.