Giá gạo xuất khẩu Việt Nam lên cao nhất trong hơn một năm nhờ nhu cầu tăng mạnh
Giá gạo 5% tấm tại Việt Nam tăng vọt lên 380 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 12/2018. Tuần trước, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam dao động trong khoảng 355 - 360 USD/tấn.
"Gần đây, chúng tôi đã nhận được đơn đặt hàng từ Philippines và Malaysia, trong khi nguồn cung vẫn ở mức thấp vì vẫn chưa bước vào đỉnh điểm vụ thu hoạch", một nhà giao dịch có trụ sở tại TP HCM cho biết.
Đầu tuần này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ông Đỗ Hà Nam cho hay dịch bệnh do virus corona bùng phát tại Trung Quốc không ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường lớn nhất thế giới này.
Việt Nam đã xuất khẩu 6,75 triệu tấn gạo trong năm nay, tăng 6% so với năm ngoái, ông Nam nói thêm.
"Giá gạo Việt Nam vẫn có thể tăng cao vì vẫn thấp hơn nhiều so với sản phẩm của các quốc gia sản xuất gạo khác", một thương nhân khác nhận định.
Tại nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới - Ấn Độ, giá gạo đồ 5% tấm không thay đổi so với tuần trước, đạt 371 - 376 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 9 năm ngoái.
"Nhu cầu yếu từ Benin và Nam Phi khiến khối lượng xuất khẩu duy trì ở mức thấp", theo Nitin Gupta, Phó Chủ tịch công ty kinh doanh gạo Olam India.
Mặc dù xuất khẩu yếu, nhưng giá lúa, gạo địa phương vẫn ở ổn định nhờ doanh nghiệp nhà nước Food Corporation of India thu mua theo mức gia qui định của chính phủ, ông Gupta cho biết.
Trong khi đó, Bangladesh có thể áp lệnh cấm xuất khẩu đối với gạo thường trong bối cảnh giá gạo trong nước tăng cao, một quan chức Bộ Thương mại Bangladesh cho hay.
Đầu tháng này, chính phủ Bangladesh đã cấp tiền trợ cấp trị giá 15% lượng gạo xuất khẩu cho các thương nhân để giúp cạnh tranh với các đối thủ và bảo vệ người nông dân đang gặp khó khăn vì giá thấp.
Khoản trợ cấp bằng tiền mặt sẽ vẫn được áp dụng cho xuất khẩu gạo thơm, vị quan chức này cho biết.
Giá gạo Thái Lan tiếp tục tăng khoảng 5 USD/tấn
Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm được giao dịch ở mức 430 - 445 USD/tấn, tăng nhẹ so với 425 - 447 USD/tấn của tuần trước. Các thương nhân nhận định sự thay đổi của giá gạo do biến động của tỷ giá.
"Nhu cầu đang rất yếu và lo ngại về nguồn cung vẫn đeo bám thị trường vì hạn hán", một thương nhân tại Bangkok cho biết.
Mùa khô bắt đầu trong tháng 11 và thường kéo dài cho tới tháng 4, dù các nhà chức trách cho hay mùa khô có thể kéo dài cho tới tháng 6, làm giảm sản lượng gạo tại nhiều khu vực.
Theo một thương nhân gạo khác, giá gạo duy trì ở mức cao so với các đối thủ và nhu cầu chủ yếu là trong nước vì một số người đang mua gạo tích trữ vì lo ngại về hạn hán.