|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nguy cơ ngành dầu Mỹ sụp đổ

07:20 | 09/05/2020
Chia sẻ
Trước tình hình giá dầu đã sụp đổ và thiếu hụt các kho dự trữ, lựa chọn duy nhất cho nhiều nhà sản xuất Mỹ là đóng cửa nhà máy, khiến họ không có thu nhập, không có lợi nhuận, nợ chồng chất và đối mặt với nguy cơ phá sản.

Năng lượng là một ngành kinh tế lợi suất cao, trong đó dầu được coi là loại năng lượng quan trọng và hiệu quả nhất. Tiêu thụ dầu của Mỹ đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1971 khi sản lượng chỉ bằng khoảng 78% so với năm 2019.

Sản lượng và giá dầu khó có thể lấy lại mức cuối năm 2018. Các nguồn năng lượng tái tạo theo đó cũng tụt lại phía sau bất chấp những nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Thực trạng tồi tệ

Nhu cầu dầu toàn cầu năm 2020 trung bình có thể thấp hơn 20 triệu thùng/ngày so với năm 2019. Đây chỉ là ước tính mang tính chủ quan bởi không ai biết cán cân cung cầu sẽ biến động tới mức nào trong tương lai và cuộc suy thoái kinh tế hiện nay sẽ kéo dài trong bao lâu, mất bao lâu để phục hồi.

Khác với các dự báo trước đó, tác giả của bài nghiên cứu, Arthur Berman cho rằng nguồn cung toàn cầu sẽ giảm nhanh hơn bởi khi kho lưu trữ không còn đủ sức chứa và ngừng sản xuất sẽ là lựa chọn duy nhất cho nhiều nhà sản xuất.

Ngoài ra, ông nghĩ nhu cầu dầu sẽ không thể ổn định trong quí III mặc dù các doanh nghiệp đã bắt đầu nối lại hoạt động trong quí II. Tỉ lệ thất nghiệp sẽ vẫn cao và thu nhập của người tiêu dùng giảm đáng kể bởi các biện pháp kiểm dịch. 

Nguy cơ ngành dầu Mỹ sụp đổ - Ảnh 1.

Nguồn: Oilprice

Tiêu thụ dầu tại Mỹ giảm khoảng 30% từ 20 triệu thùng/ngày trong tháng 1 xuống còn 14 triệu thùng/ngày trong tháng 4. Công suất tại nhà máy lọc dầu giảm 25% so với quí đầu tiên và sẽ còn giảm hơn nữa khi tiêu thụ tiếp tục giảm.

Hầu hết các nhà máy lọc dầu của Mỹ phải nhập khẩu dầu thô trung gian. Rất ít loại dầu của Mỹ được sử dụng để sản xuất dầu diesel mà không pha trộn với dầu nhập khẩu. 

Trong khi đó, hệ thống khai thác, vận chuyển và phân phối tài nguyên thiên nhiên thế giới phụ thuộc vào động cơ diesel. Thêm đó, sản xuất dầu diesel bắt buộc phải qua qui trình sản xuất xăng, tuy nhiên dự trữ xăng dầu của Mỹ luôn thặng dư từ cuối năm 2014 và hiện đạt mức cao nhất trong 5 năm.

Nguy cơ ngành dầu Mỹ sụp đổ - Ảnh 2.

Nguồn: Oilprice

Những ai cho rằng ngành năng lượng tái tạo sẽ phát triển trước sự sụp đổ của ngành dầu cần xem xét lại. Việc sản xuất pin mặt trời, tua-bin gió và ô tô điện phụ thuộc vào động cơ diesel, dọc theo chuỗi cung ứng từ khai thác đến phân phối thành phẩm. 

Trong bối cảnh cuộc suy thoái đang diễn ra, sẽ chẳng có ai thay đổi thói quen tiêu dùng, chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo với chi phí đầu tư cao bởi dầu sẽ dư thừa và rẻ trong thời gian dài.

Dưới đây là mô tả của tác giả bài viết về sản lượng và số lượng giàn khoan dầu chặt (tight oil) để ước tính sản lượng dầu của Mỹ trong thời gian tới. Khi các giàn khoan ngừng hoạt động do thiếu vốn đầu tư, sản xuất dầu chặt có thể giảm khoảng 50%, từ 7 triệu thùng/ngày xuống 3,5 triệu thùng/ngày vào tháng 7/2021.

Nguy cơ ngành dầu Mỹ sụp đổ - Ảnh 3.

Nguồn: Oil Price

Hơn thế, sản lượng dầu chặt trong tháng 6 có thể giảm xuống dưới 3 triệu thùng/ngày. Do dầu chặt chiếm khoảng 55% sản lượng dầu Mỹ, nên tổng sản lượng dầu thô và khí tự nhiên có thể giảm từ 12 triệu thùng/ngày xuống 5,5 triệu thùng/ngày vào nửa cuối năm nay.

Năng lượng ảnh hưởng lớn tới kinh tế

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tỉ lệ thuận với mức tiêu thụ dầu bởi mọi hoạt động sản xuất và sử dụng hàng hóa dịch vụ đều cần năng lượng hóa thạch. 

17 chuyên gia phân tích gần đây ước tính GDP của Mỹ trung bình sẽ giảm 30 - 35% vào năm 2020 với các ước tính rơi trong khoảng 9 - 50% dựa trên mức giảm trong tiêu thụ dầu.

Nhà kinh tế học Lawrence Summers cảnh báo hệ thống tài chính của Mỹ có thể sụp đổ. Khoảng 25% người thuê nhà ở Mỹ không có khả năng chi trả tiền thuê nhà và 23% đã không thanh toán khoản vay thế chấp vào tháng 4, điều này khiến tỉ lệ nợ xấu gia tăng. Trong quá khứ tỉ lệ nợ xấu 28% đã góp phần vào sự sụp đổ tài chính năm 2008.

Giáo sư Joseph Stiglitz gần đây nhận định đại dịch hiện tại sẽ ảnh hưởng đến các nước đang phát triển nghiêm trọng hơn so với các nước phát triển. Nó có thể dẫn đến các vấn đề di cư hàng loạt, rối loạn thêm vấn đề phân chia dân cư trong 6 năm qua ở châu Phi và Trung Đông.



Linh Giang