|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nguồn cung thịt lợn có khả năng sẽ tăng mạnh sau tháng Sáu

15:45 | 20/03/2020
Chia sẻ
Nếu tiếp tục kiểm soát tốt dịch tả lợn châu Phi cùng với việc đẩy mạnh tái đàn ở các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi có đủ điều kiện, dự kiến hết tháng Sáu, nguồn cung thịt lợn mới có khả năng tăng mạnh.
Nguồn cung thịt lợn có khả năng sẽ tăng mạnh sau tháng Sáu - Ảnh 1.

Dây chuyền giết mổ lợn ở nhà máy của Công ty Cổ phần Công nghệ thực phẩm Vinh Anh, huyện Thường Tín, Hà Nội. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Trước tình hình giá thịt lợn vẫn còn ở mức cao, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, để kiểm soát được giá trên thị trường thì cần đưa mặt hàng thịt lợn vào mặt hàng được bình ổn giá.

Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét đưa thịt lợn vào loại mặt hàng bình ổn giá.

Theo ông Nguyễn Văn Trọng, nếu trở thành mặt hàng bình ổn giá thì sẽ có sự kiểm soát giá đầu vào, đầu ra, khống chế giá tối thiểu, tối đa. Nếu không đưa thì sẽ rất khó kiểm soát được.

Đầu tháng Ba, giá lợn hơi đã tăng mạnh trở lại sau một thời gian Chính phủ, Bộ kêu gọi các doanh nghiệp lớn giảm giá xuống 75.000 đồng/kg.

Gần đây, Bộ tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp đưa giá lợn xuống khoảng 70.000 đồng/kg. Từ đó, đến nay, giá lợn trên thị trường có xuống nhưng chậm.

Hiện, giá lợn trên thị trường miền Bắc như Tuyên Quang, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Vĩnh Phúc, vẫn giao động ở mức 82.000-83.000 đồng/kg; tại Hưng Yên, Hải Dương khoảng 80.000-81.000 đồng/kg; các tỉnh Lào Cai, Yên Bái giá heo hơi vẫn giữ ở mức cao 85.000 đồng/kg.

Tại các tỉnh phía Nam, giá lợn ở Đồng Nai giữ ở mức 83.000 đồng/kg; Bình Phước, Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh… khoảng 80.000-82.000 đồng/kg.

Nhiều doanh nghiệp lớn cũng đã đồng hành trước việc kêu gọi của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về giảm giá lợn, nhưng theo ông Nguyễn Văn Trọng, không phải tất cả các doanh nghiệp đều đồng hành. Việc bán qua tay nhiều khâu nên đến người giết mổ còn cao.

Các doanh nghiệp lớn như Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam… vẫn bán giá dao động 74.000-75.000 đồng/kg. Nhưng đó là giá cấp 1 và cấp này còn bán lại cho các cấp thấp hơn và về đến người giết mổ nên giá có tăng. Do vậy, còn quá nhiều khâu lưu thông.

Bên cạnh đó, người chăn nuôi để nuôi to hơn nên cũng sẽ tạo sự khan hàng. Trong khi trước đó, vào dịp Tết đã có lượng cung ra tương đối nhiều mà dịch tả lợn châu Phi còn phức tạp, người dân chưa tái đàn được nhiều vì nhiều nơi chưa công bố hết dịch. Như vậy, sau Tết sẽ có khoảng thời gian thiếu hụt.

Ông Kiều Đình Thép, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, cho biết hưởng ứng sự kêu gọi của Chính phủ, Bộ, giá lợn của Công ty đã luôn thấp hơn thị trường từ 2.000-3.000 đồng/kg thậm chí có thời điểm đến 10.000 đồng/kg.

Công ty luôn đồng hành với chủ trương, kêu goi của Nhà nước nhưng nếu chỉ với một mình Công ty hay một vài doanh nghiệp nữa thì cũng không thể làm cho giá trên thị trường có thể thấp được.

Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam chỉ bán cho những khách hàng đã gắn bó lâu năm, thường xuyên với doanh nghiệp, nhưng khi ra thị trường, các thương lái cũng bán ra nhiều các kênh khác nhau nên giá cao hơn. Khi thị trường có nhu cầu tăng thì công ty cũng cung cấp tăng 10%.

Tuy nhiên, việc xuất ra thị trường còn phụ thuộc vào tuần tuổi của lợn. Nếu xuất nhỏ sẽ ảnh hưởng đến việc liên kết với người chăn nuôi cũng như thu nhập, sự trống chuồng của họ.

Theo ông Nguyễn Văn Trọng, hiện việc kiểm soát dịch bệnh ở các địa phương rất tốt. Hiện đã có trên 99% các xã đã qua 30 ngày không có dịch tả lợn châu Phi nên các địa phương phải sớm công bố hết dịch để làm điều kiện cho người chăn nuôi tái đàn.

“Nếu địa phương không công bố thì người dân sẽ không được nuôi. Sau khi công bố, địa phương cần tiếp tục kiểm soát các điều kiện chăn nuôi để chăn nuôi an toàn sinh học,” ông Nguyễn Văn Trọng nhấn mạnh.

Cái khó trong đẩy mạnh tái đàn theo ông Nguyễn Văn Trọng là đàn nái còn lại nằm chủ yếu các doanh nghiệp. Do đó, con giống trước hết sẽ được dùng để phục vụ họ. Giá lợn giống hiện rất cao, từ 2,5-3 triệu/con.

Nếu người dân đầu tư vào thì 6 tháng sau, giá lợn sẽ không được như hiện nay. Nên người chăn nuôi sẽ nuôi thêm 1 tháng đến 1,5 tháng để tăng được thêm 25-30kg vẫn có hiệu quả hơn là vào đàn mà khó mua con giống.

Nếu tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh như hiện nay cùng với việc đẩy mạnh tái đàn ở các doanh nghiệp, hộ có đủ điều kiện, ông Nguyễn Văn Trọng dự kiến phải ngoài tháng Sáu, nguồn cung thịt lợn mới có khả năng tăng mạnh.

Trước việc một số doanh nghiệp lớn chưa vào cuộc trong những kêu gọi của Chính phủ, Bộ về giảm giá lợn, ông Nguyễn Văn Trong cho biết, Lãnh đạo Bộ cũng đã và tiếp tục làm việc với các doanh nghiệp này.

Với các doanh nghiệp chưa lên sàn chứng khoán thì cần kiểm tra thuế. Việc thực hiện đóng thuế của doanh nghiệp như thế nào khi giá thành và giá bán có sự chênh lệch cao. Như vậy, để kiểm tra vấn đề này rất cần sự vào cuộc của Bộ Tài chính.

Đáp ứng thêm nguồn cung thịt lợn cho thị trường trong nước, từ đầu năm đến ngày 15/3, thịt lợn và sản phẩm thịt lợn nhập khẩu đạt gần 25.300 tấn, tăng 205% so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhập khẩu tăng mạnh nhưng giá thịt lợn trên thị trường vẫn chưa giảm nhiều, ông Trọng cho rằng, thịt lợn nhập khẩu về không bán được cho người tiêu dùng trực tiếp.

Do tập quán tiêu dùng của người Việt Nam là sử dụng thịt nóng, nên nhiều sản phẩm nhập về cũng không hoàn toàn là chính phẩm thịt lợn mà là móng giò, đuôi…

Sản phẩm thịt nhập về chủ yếu cho chế biến thành xúc xích, dămbông… là chính. Tuy nhiên, nguồn nhập khẩu này cũng góp phần nào giảm bớt phần thịt tươi vào chế biến.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đề nghị Bộ Công Thương, Tham tán thương mại các nước hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các nguồn hàng hợp lý tại các nước xuất khẩu.

Tuy nhiên, hiện Trung Quốc đang là thị trường có nhu cầu nhập khẩu quá lớn, giá cũng cao nên Việt Nam không là thị trường hấp dẫn.

Bích Hồng