Nguồn cung đất nền TP HCM tăng 57%, thị trường Củ Chi dẫn đầu
Sốt đất, 'bom' nổ, hậu quả khôn lường! | |
Đất nền TP HCM, sau sốt nóng sẽ sớm nguội lạnh |
Tại buổi công bố Báo cáo Thị trường Bất động sản nhà ở TP HCM quý III/2018 mới đây, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển thị trường CTCP DKRA Việt Nam, cung cấp nhiều thông tin về diễn biến thị trường đất nền tại TP HCM và một số tỉnh giáp ranh trong quý vừa qua.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển thị trường CTCP DKRA Việt Nam. (Ảnh: DKRA) |
Cụ thể, Công ty DKRA ghi nhận có 6 dự án đất nền nổi bật được mở bán trong quý III/2018, bao gồm 5 dự án mới và giai đoạn tiếp theo của một dự án trước đó, cung ứng ra thị trường khoảng 759 nền. Nguồn cung này tăng 57% so với quý II là 483 nền.
Trong khi đó, tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 734 nền, tương ứng với 97%, tăng hơn một chút so với tỷ lệ tiêu thụ 84% của quý trước (tiêu thụ được 408 nền trên tổng số 483 nền).
Cả nguồn cung và lượng tiêu thụ đất nền TP HCM trong 9 tháng đầu năm đã sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. (Nguồn: DKRA) |
Khu vực phía Bắc TP HCM tiếp tục dẫn đầu về nguồn cung khi chiếm 58% tổng cung toàn thị trường, trong đó riêng Củ Chi đã chiếm gần 450 nền. Còn lại nguồn cung phân bố rải rác ở quận 9, quận Thủ Đức và huyện Bình Chánh.
Nguồn cung phân khúc đất nền TP HCM chia theo khu vực. (Nguồn: DKRA) |
Tương ứng về tỷ lệ tiêu thụ, phía Bắc (chủ yếu là huyện Củ Chi) đã chiếm 57% trên toàn thị trường (từ 6 dự án nêu trên). Tỷ lệ hấp thụ đất nền của quý III năm nay tăng nhẹ so với quý II nhưng đã giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước. Nhiều người cho rằng nguyên nhân là bởi Quyết định 60 đã có tác động thực tế, tuy nhiên theo khảo sát của DKRA còn do nhiều lý do khác nữa.
Lượng tiêu thụ đất nền TP HCM phân theo khu vực. (Nguồn: DKRA) |
Tỷ lệ tiêu thụ đất nền TP HCM phân theo khu vực. (Nguồn: DKRA) |
Cũng giống như các công ty nghiên cứu thị trường khác, DKRA nhận định, đất nền luôn là lựa chọn hàng đầu của rất nhiều người – cả giới đầu tư và người có nhu cầu ở thực.
Nói về đất nền phân lô ở các tỉnh giáp ranh quý vừa qua, ông Nguyễn Hoàng cho biết, một số thị trường vẫn tiếp tục duy trì sự sốt nóng của giai đoạn trước, đó là Đồng Nai (tại khu vực Long Thành, Nhơn Trạch) và Long An (tại Cần Giuộc và Bến Lức).
“Hai địa phương này tiếp tục duy trì sức thu hút của sản phẩm đất nền, đồng thời cung ứng nguồn sản phẩm lớn cho thị trường. Trong đó, nguồn cung của Đồng Nai lớn hơn một chút, nhưng lượng tiêu thụ cũng chỉ hơn 50%. Còn tại Long An nguồn cung tuy thấp hơn Đồng Nai nhưng tỷ lệ tiêu thụ khá tốt, với nguồn cung khoảng 1.633 nền thì lượng tiêu thụ lên đến gần 1.400 nền”, ông Hoàng thông tin.
Thị trường đất nền hai tỉnh này được khuấy động nguyên nhân có một phần không nhỏ đến từ các thông tin về việc xây dựng một số công trình cơ sở hạ tầng lớn kết nối TP HCM với các địa phương này. Cụ thể, đó là việc UBND TP HCM và UBND tỉnh Đồng Nai thống nhất về chủ trương xây dựng cầu Cát Lái nối Nhơn Trạch, Đồng Nai với TP HCM và thông tin đưa vào sử dụng bến phà nối Cần Giờ, TP HCM với Cần Giuộc, Long An…
Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển thị trường DKRA thông tin thêm, trong khi thị trường sơ cấp khá sôi động, thì tại thị trường thứ cấp, số lượng giao dịch lại sụt giảm so với quý trước, giá bán thứ cấp ở một số khu vực có dấu hiệu đi ngang sau một thời gian tăng trưởng nóng.
Nhìn chung toàn thị trường đất nền, với tỷ lệ tiêu thụ khả quan từ đầu năm 2018 đến nay, đại diện DKRA dự báo, đất nền sẽ tiếp tục là kênh được lựa chọn đầu tư hàng đầu. Tuy nhiên, do thị trường giảm nhiệt trong thời gian qua nên nguồn cung mới có thể sẽ không tăng và khách hàng cũng thận trọng hơn khi quyết định đầu tư.