Nguồn cơn khiến chứng khoán Việt Nam giảm mạnh nhất thế giới: FOMO, hiệu ứng đám đông và hệ lụy dùng margin quá mức
Chứng khoán Việt Nam giảm mạnh nhất thế giới một tháng qua và lọt top nhiều bảng xếp hạng về tuần, tháng, quý
Chứng khoán Việt Nam lọt nhóm những thị trường tồi tệ nhất thế giới là kịch bản chắc hẳn những người bi quan nhất cũng không thể nghĩ đến khi VN-Index thăng hoa dễ dàng chinh phục ngưỡng 1.300, 1.400 và 1.500 điểm. Nhà đầu tư lớn nhỏ, từ F0 cho đến những “cá mập” hướng đến những đỉnh cao mới như 1.700, 1.800 điểm, hưng phấn hơn là 2.000 điểm.
Nhưng thực tế lại không như mơ, thị trường “quay xe” chóng vánh theo cách không ai có thể tưởng tượng nổi. Kể từ mức đỉnh 1.522,9 điểm phiên 6/4, VN-Index mất 340.13 điểm, cuốn bay đi hơn 1,33 triệu tỷ đồng (58 tỷ USD) vốn hóa của sàn HOSE. Số tiền trên đủ xây 12 sân bay Long Thành, để thấy giá trị lớn thế nào.
Như đã nói, thị trường giảm theo cách mà không ai tưởng tượng. Những phiên giảm sâu cổ phiếu đồng loạt giảm sàn liên tiếp diễn ra. Kỷ lục phiên giao dịch có tới 356 mã nằm sàn, thượng vàng hạ cám từ bluechip cho đến penny đều có chung số phận.
Hệ quả từ sự hoảng loạn bán tháo là VN-Index giảm mạnh nhất thế giới nhiều phiên giao dịch. Trong khung thời gian 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng, chứng khoán Việt Nam đều nằm trong Top5 thị trường giảm sâu nhất.
Với mức giảm 19,93% trong một tháng, VN-Index là chỉ số chứng khoán dẫn đầu về mức giảm trên thế giới, tiêu cực hơn các chỉ số của các thị trường khác như Peru, Ba Lan, Mỹ, Kazakhstan… Lũy kế từ đầu năm tới phiên 13/5, VN-Index giảm 21,06%, đứng thứ 7 về tỷ lệ giảm trên thế giới.
Nhìn tổng thể, diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán Việt Nam không nằm ngoài xu hướng toàn cầu hay trong khu vực. Trong một tháng qua, thị trường chứng khoán Indonesia và Philippines giảm 9,15% và 8,67%. Với cách giảm như chứng khoán Việt Nam, thậm chí gấp đôi thị trường Nga - nơi đang là tâm điểm của cuộc chiến Nga – Ukraine, nhà đầu tư không khỏi sốc. Những lạnh đạo cấp cao cũng đánh giá “bất bình thường, sáng nắng chiều mưa”.
Nhịp lao dốc phá tan mọi công thức “thuộc lòng”, giới đầu tư lao đi tìm lời giải
Trong xu hướng đi lên của thị trường, những nhịp điều chỉnh là cần thiết để thiết lập mặt bằng giá mới hay dòng tiền luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu dẫn dắt. Hơn hai năm qua, những đợt giảm sốc không còn xa lạ. Sau mỗi đợt bùng phát dịch COVID-19 hay thông tin căng margin, thị trường điều chỉnh mạnh nhưng sớm cân bằng trở lại sau đó. Thời gian để thị trường cân bằng và hồi phục rút ngắn hơn sau mỗi đợt điều chỉnh.
Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 tại miền Nam khiến nền kinh tế thiệt hại không nhỏ, thị trường chứng khoán vẫn cứ đi lên. Nhà đầu tư thuộc lòng và giao dịch như một công thức với lập luận “VN-Index điều chỉnh để vượt đỉnh, bán là thua mua là thắng, đỏ xanh sàn không mua thì xanh tím lấy gì mà bán…”.
Nhưng lần này lại khác, thị trường không tuân theo bài “thuộc lòng”, VN-Index lần lượt xuyên thủng các ngưỡng hỗ trợ. Ngay cả ngưỡng 1.200 điểm phải mất nhiều năm mới có thể chinh phục, chỉ số rớt một cách nhẹ nhàng. Không ai hiểu chuyện gì đang xảy ra tại thị trường chứng khoán nằm trong Top tăng mạnh nhất toàn cầu cách đây ít tháng.
Thật trùng hợp, thị trường bắt đầu giảm mạnh đầu tháng 4 khiến không ít người liên tưởng tới kịch bản của năm 2018. Ngày 9/4/2018, VN-Index trở lại đỉnh trên 1.200 điểm sau hơn 10 năm và “chứng sĩ” phải mất gần 3 năm sau đó mới trở lại vùng điểm trên.
Chứng khoán Việt Nam “rơi tự do” dường như vô hiệu hóa mọi chỉ báo từ kỹ thuật cho đến cơ bản. Câu chuyện “hôm nay rẻ ngày mai còn rẻ hơn” hay “không ai biết P/E bao nhiêu là đáy” đã được chúng tôi đề cập trong hai bài viết trước đó. Nhà đầu tư vô định đi tìm lý do khiến thị trường lại giảm sốc như vậy?
Khởi đầu nhịp giảm là thông tin những vụ án thao túng giá cổ phiếu liên quan Tập đoàn FLC, nhóm Louis – Trí Việt, hay trái phiếu Tân Hoàng Minh đẩy loạt lãnh đạo vào vòng lao lý. Sau đó thị trường xuất hiện nhiều tin đồn thất thiệt gây tâm lý hoang mang. Nhưng đối tượng tung tin đồn sớm bị bắt sau đó. Việc thông tin kịp thời từ lãnh đạo cấp cao của Bộ Công An, Tài chính cho đến người đứng đầu Chính phủ khiến tâm lý nhà đầu tư phần nào ổn định hơn.
Song chỉ số vẫn tiếp tục rơi như “hiệu ứng tuyết lăn”, tài khoản chứng khoán bị các công ty chứng khoán bán giải chấp khi NĐT không thể “xoay tiền” nộp gọi ký quỹ (call margin). Điều này làm thị trường càng trở nên tiêu cực. Khi các CTCK tạm ngừng giải chấp, thị trường hồi phục mạnh trước kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Sau kỳ nghỉ lễ, VN-Index lại rơi tiếp.
Tự doanh, phái sinh hay chính bởi dòng tiền FOMO và trạng thái bơm margin hết nấc
Những thủ phạm tiếp theo được NĐT cho rằng đã “đạp thị trường” là khối tự doanh công ty chứng khoán hay lệnh Bán (Short) hợp đồng tương lai chỉ số VN30 trên thị trường phái sinh từ một công ty có thị phần lớn.
Một mất mười ngờ, nhà đầu tư có cớ để đưa ra những tác nhân khiến VN-Inedx lao dốc nhưng “ngài market” luôn có cái lý riêng và thị trường luôn đúng. Công bằng để nói, dòng tiền từ các nhà đầu tư F0 đã quá nóng, đặc biệt là thời điểm cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Những cổ phiếu được “thổi” lên mức thị giá ba con số một cách quá dễ dàng. Không khó để bắt gặp những mã tăng giá bằng lần dù kết quả kinh doanh không mấy khả quan. Thậm chí những doanh nghiệp làm ăn tốt thì giá cổ phiếu cũng gấp 3, gấp 5, thậm chí gấp 10 lần hơn một năm qua.
Có những mã được đẩy lên ngưỡng gần 100.000 đồng/cp dù doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, không chia cổ tức suốt mấy năm. Hiện tượng “đếm cua trong lỗ” với nhóm cổ phiếu bất động sản được thị trường, giới chuyên gia nói đến nhiều lần.
Dòng tiền F0 đã FOMO đưa VN-Index lên tầm cao mới, nhưng đây lại chính là nguồn cơn của làn sóng bán tháo. Bởi lẽ tiền đẩy giá không chỉ là tiền túi của NĐT, tiền vay margin tại các công ty chứng khoán được dùng triệt để. Giá trị vay ký quỹ liên tiếp thiết lập những đỉnh cao mới và có dấu hiệu chững lại trong quý I/2022.
Tín hiệu về sự dễ dãi của dòng tiền và margin thể hiện ở việc ngay cả những lãnh đạo công ty niêm yết bị công ty chứng khoán lên phương án bán giải chấp cổ phiếu thời gian gần đây.
Thời điểm này, tiền F0, dòng tiền FOMO đã “chùn tay”. Con số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới không còn sức hút như trước bởi nó vẫn tăng nhưng tiền lại không tương ứng. Trong cơn bĩ cực, NĐT cá nhân đã bán ròng hơn 6.000 tỷ đồng trong tháng 4 và nửa đầu tháng 5. Hiệu ứng đám đông đẩy VN-Index lên cao vút nhưng cũng góp phần nào trong làn sóng bán tháo bằng những lệnh bán cổ phiếu tháo chạy một cách bấp chấp.
Những NĐT cá nhân đang giao dịch với tâm lý tiêu cực thời điểm này, vậy với chính những người trong cuộc thì sao. Những lãnh đạo hay bản thân công ty niêm yết hơn ai hết sẽ hiểu rõ nhất về doanh nghiệp, nhiều tài khoản trong số này đã bán ra một lượng lớn cổ phiếu với mức giá “hời” hơn nhất nhiều nếu đem so với thị giá hiện tại. Liệu nhóm này có thể “ra tay” đỡ giá cổ phiếu như cách đã làm khi dịch COVID-19 bùng nổ đầu năm 2020? Chúng tôi sẽ đề cập trong bài viết tới.