Chứng khoán Việt Nam rẻ nếu nhìn vào P/E, hiểu sao để tránh ‘miếng pho – mát trong chiếc bẫy chuột’?
Một chỉ số quen thuộc được giới đầu tư sử dụng để đánh giá thị trường đang được đinh giá “đắt, rẻ, hợp lý” là P/E. Khi so sánh với các dữ liệu lịch sử như trung bình 5 năm, 10 năm hay từ khi bắt đầu xu hướng tăng, giới phân tích sẽ đưa ra quan điểm về định giá thị trường.
Lấy ví dụ, thống kê mức P/E trung bình 10 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam (mô phỏng bằng VN-Index) quanh 15 lần, hay bình quân 5 năm khoảng 16,4 lần. Khi mức P/E dự phóng tương lai thấp hơn ngưỡng trên, quan điểm đưa ra thị trường đang được định giá rẻ.
Góc nhìn thị trường định giá rẻ hay đắt chính là niềm tin để những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu với kỳ vọng chỉ số có thể bật tăng trở lại vùng định giá khi họ mua vào.
Thời điểm hiện tại, mức P/E dự phóng của VN-Index là 13,x hoặc 14,x lần, tùy theo phương thức thống kê của từng tổ chức. Theo Bloomberg và một số quỹ đầu tư lớn thị trường dự phóng, P/E khoảng 14,x lần. Bằng một phép so sánh đơn giản với ngưỡng P/E khoảng 17,x hay 18,x (lần) trong giai đoạn thị trường tăng giá trước đó, nhà đầu tư cho rằng thị trường đang ở vùng định giá hấp dẫn.
Nhưng trong lịch sử, thị trường từng giao dịch với ngưỡng P/E lên đến 34 lần năm 2007. Gần đây nhất, nhà đầu tư giao dịch với ngưỡng định giá 22,x khi VN-Index quanh ngưỡng 1.200 điểm vào tháng 4/2018. Cũng có thời điểm chỉ số trên về ngưỡng rất thấp so với mức bình quân. Năm 2011 VN-Index giao dịch với P/E dưới 10 lần, trong nhóm thấp nhất khu vực Đông Nam Á. Hay, định giá thị trường xuống đáy 11,x lần khi dịch COVID-19 bùng nổ đầu năm 2020.
Xu hướng trên để thấy rằng không có nghĩa VN-Index sẽ điều chỉnh khi mức định giá cao hơn ngưỡng bình quân hay sẽ tăng khi ở ngưỡng thấp hơn. Góc nhìn từ các quỹ đầu tư nước ngoài, “thị trường chứng khoán Việt Nam được định giá hấp dẫn” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong gần một thập kỷ. Tuy vậy, các quỹ đầu tư mới chỉ hưởng “quả ngọt” thực sự trong giai đoạn tăng giá 2016 – 2017 hay 2020 – 2021.
Câu hỏi đặt ra là thị trường chứng khoán Việt Nam có thực sự định giá rẻ để mua vào nếu nhìn vào P/E?
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, người sáng lập FinPeace, P/E có liên quan đến lãi suất kỳ vọng, mức định giá hiện tại là bình thường. Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng của Chứng khoán SSI giải thích, khi lãi suất có xu hướng đi lên dẫn đến P/E của thị trường có xu hướng giảm phù hợp với mức tăng của lãi suất.
Khi bối cảnh của thị trường thay đổi, định giá chấp nhận của thị trường cũng điều chỉnh. Kinh tế trưởng của Chứng khoán SSI cho rằng khi thị trường đi xuống, nhà đầu tư không thể đòi hỏi P/E lúc lãi suất cao giống như khi lãi suất thấp.
Vậy hiểu sao cho đúng khi sử dụng P/E, bởi cách hiểu sai có thể khiến công thức này trở thành “miếng pho-mát trong chiếc bẫy chuột”, rơi vào nghịch cảnh “tưởng rẻ mà rẻ không tưởng”.
Theo ông Tuấn Anh, nhà đầu tư có thể dùng P/E ở một trạng thái cứng ngắc, giống như cầm một chiếc đồng hồ nhìn vào thấy số nhưng không hiểu. Việc sử dụng chỉ số này không phải là một con số tuyệt đối mà còn liên quan đến xu hướng.
Vị chuyên gia này nói rõ hơn, xu hướng P/E là quan trọng, không phải việc rơi xuống vùng chỉ số nào sẽ mua. Nhà đầu tư quan tâm xu hướng trước đấy đang đi xuống hay đang đi lên. Thời đỉnh cao năm 2007, cổ phiếu PVD từng giao dịch với P/E lên đến 150 lần. Bởi vậy nhà đầu tư quan tâm chỉ số một cách cứng nhắc, ví dụ cứ 10 là mua thì khó thành công.
Cách sử dụng với một cổ phiếu cụ thể, Kinh tế trưởng của SSI khuyến nghị để thận trọng hơn, nhà đầu tư so sánh P/E trong quá khứ của cổ phiếu giao dịch trong khoảng nào. Đơn cử, mức P/E trong khoảng 9 đến 12 lần, khi đó mức định giá 15 có thể sai vì thị trường không chấp nhận ngưỡng cao như vậy bao giờ. Cách nhìn lại mức định giá được chấp nhận trong quá khứ của cổ phiếu sẽ giúp việc sử dụng chính xác hơn.