|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Người trồng cà phê khu vực sông Mekong chật vật với hạn hán và biến đổi khí hậu

11:14 | 24/10/2019
Chia sẻ
Hạn hán nghiêm trọng do biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nặng nề đến ngành cà phê ở khu vực sông MeKong và kĩ thuật canh tác thâm canh cũng là một phần vấn đề tại nơi đây.
IMG_7518_web

Anh Y Bel Eban tại trang trại cà phê làng Krong, Buôn Mê Thuột

Người dân tại các làng thành phố Buôn Ma Thuột thất vọng vì năm nay không có các đợt gió mùa vào tháng 4 hoặc tháng 5.

"Hạt cà phê có vẻ chín bên ngoài nhưng giòn và nhỏ vì không có đủ mưa", theo anh Y Bel Eban, 28 tuổi, ở làng Krong.

Anh Eban cho biết chỉ có 3 trận mưa kéo dài khoảng 30 phút trong mùa xuân năm nay. Điều kiện thời tiết này không thuận lợi cho cây cà phê vì cây cần tưới nước theo đợt cách nhau 15 - 20 ngày. 

Nhiều trang trại bị thiệt hại, làm ảnh hưởng tới nông dân địa phương phụ thuộc vào cây cà phê để kiếm sống.

Buôn Ma Thuột, thuộc vùng cao nguyên trung tâm, là thành phố trồng cà phê lớn nhất Việt Nam. 95% cà phê được sản xuất tại nơi đây, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới sau Brazil.

Cách TP Buôn Ma Thuột một vài km là một nhánh chính của sông Mekong, sông Srepock, chảy từ vùng cao nguyên trung tâm vào phía đông bắc Campuchia. Trên tuyến đường đi qua 6 quốc gia châu Á, sông Mekong cung cấp sinh kế cho ít nhất 60 triệu người.

Tuy nhiên, hạn hán nghiêm trọng ở khu vực hạ lưu sông Mê Kông gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và vùng Tây Nam Trung Quốc đã khiến lưu lượng sông xuống mức thấp nhất trong một thế kỉ.

Biến đổi khí hậu và cạn kiệt nguồn nước

Trước đây, mưa đến sớm và thời tiết dễ dự đoán hơn nhưng trong vài năm qua thời tiết rất khắc nghiệt.

Hạn hán là gánh nặng thường trực đối với các tỉnh trồng cà phê Việt Nam trong những năm gần đây. Năm 2016, hạn hán đã gây ra tình trạng khẩn cấp ở khu vực miền Trung và miền Nam.

Năm 2018, diện tích trồng cà phê của Việt Nam đạt 688.400 ha, với năng suất hơn 1,6 triệu tấn. 

Với rất nhiều đồn điền cần nước tưới và lượng mưa hạn chế, ao, hồ và nguồn nước ngầm đã cạn kiệt. Để duy trì việc tưới tiêu cơ bản, nông dân địa phương đang phải đào giếng sâu hơn.

Phó giáo sư Tiến sĩ Lê Anh Tuấn tại Đại học Cần Thơ, chuyên gia hàng đầu về biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long, cho biết những đợt hạn hán gần đây trong khu vực có dấu hiệu bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. 

"Hiện tượng này trở nên phổ biến hơn và tác động tiêu cực đến khu vực".

Trên khắp khu vực hạ lưu sông Mê Kông, nhiệt độ tăng từ 0,5 - 1,5 ºC trong 50 năm qua và sẽ tiếp tục tăng, theo WWF. Mưa gió mùa trở nên ít hơn và xu hướng này có khả năng tăng cường trong những thập kỉ tới khi tốc độ biến đổi khí hậu gia tăng.

Tàn phá đất đai, chẳng hạn như nạn phá rừng và sa mạc hóa, cũng góp phần vào việc thời tiết biến đổi khắc nghiệt. 

Báo cáo mới nhất của IPCC (Thay đổi Khí hậu và Đất đai) cho thấy những tác động như vậy có thể làm tăng cường độ và thời gian của thời tiết cực đoan, đôi khi ở các khu vực cách xa hàng trăm km. 

Tình hình thượng nguồn

Dọc hơn một ngàn km khu vực thượng lưu sông Mekong, thời tiết tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc cũng đang nóng lên. Nhiều cây cà phê chết vì hạn hán. Cà phê không nở hoa, và hạt không phát triển.

Cà phê đã được trồng ở  tỉnh Vân Nam hơn một thế kỉ qua nhưng chỉ tập trung qui mô nhỏ cho đến khi Nestle bắt đầu mua cà phê vào những năm 1980. 

Tỉ suất lợi nhuận cao trong thập niên 80 và 90 thu hút nhiều nông dân trồng chè chuyển đổi canh tác và ngành cà phê nhanh chóng mở rộng.

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2009 - 2013, hạn hán xảy ra liên tục vào mùa đông, gây ra tình trạng thiếu nước và biến đất nông nghiệp trở nên cằn cỗi.

Theo Hiệp hội Công nghiệp Cà phê tỉnh Vân Nam, hạn hán năm nay đã ảnh hưởng đến hơn 2.000 ha cà phê của tỉnh và sản lượng dự kiến giảm 5 - 10%.

Tại Việt Nam, sản lượng cà phê cũng được dự đoán sẽ giảm mạnh do khan hiếm nước, Reuters đưa tin.

Theo Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT), biến đổi khí hậu sẽ khiến một nửa diện tích đất sản xuất cà phê của thế giới không còn đủ điều kiện trồng trọt vào năm 2050.

Các nghiên cứu khác nhau cho thấy qui mô của các khu vực phù hợp cho sản xuất cà phê sẽ giảm đáng kể trong 20 - 30 năm tới vì sự thay đổi khí hậu, theo bà Annegret Brauss, Giám đốc dự án tại Trung tâm thương mại quốc tế Geneva.

Vấn đề thâm canh

Cà phê có thể được trồng theo hai cách chính: trồng trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời hoặc dưới bóng râm. Các trang trại đã phát triển phương pháp trồng dưới bóng râm vì phương pháp này chống xói mòn đất và giữ nước cũng như cung cấp môi trường sống cho động vật hoang dã.

Người dân trồng cà phê dưới ánh nắng dần dần thay đổi phương pháp để tăng sản lượng và tốc độ tăng trưởng. Theo thống kê, vào những năm 1970, 60% trong số 6 triệu mẫu diện tích đất trồng trên thế giới được canh tác theo phương pháp trồng dưới ánh nắng. 

Hầu như toàn bộ cà phê sản xuất tại Việt Nam và Trung Quốc đều được trồng dưới ánh nắng mặt trời và được bán dưới dạng hạt thô, đòi hỏi số lượng nhiều hơn chất lượng. Nông dân thường không đủ khả năng sử dụng phương pháp trồng dưới bóng râm vì năng suất thấp hơn.

sun-grown_coffee_Vietnam_web

Trang trại cà phê trồng trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời tại Buôn Mê Thuột. Nguồn: China Dialogue

Cà phê được bán với giá không thỏa đáng so với chi phí trồng. Giá cà phê thay đổi mỗi phút trên Sàn giao dịch liên lục địa (ICE), được xác định bởi cung, cầu và đầu cơ. 

Giá có thể thay đổi tùy thuộc vào các yếu tố như uy tín thương hiệu và sản lượng, nhưng nhìn chung thị trường cà phê là thị trường người mua, theo Tim Heinze, Giám đốc điều hành của Sàn giao dịch cà phê tỉnh Vân Nam.

Tỉ lệ tiền trả cho những người nông dân trồng cà phê như anh Eban rất ít ỏi. Năm ngoái, doanh thu từ đồn điền cà phê 2,6 ha của anh là 110 triệu. Doanh thu của người dân Trung Quốc thậm chí còn thấp hơn chi phí sản xuất vì tiền phân bón và nhân công lao động cao.

Chuyên gia khí hậu Peter Baker tại CAB, một tổ chức phi lợi nhuận nhằm giải quyết các vấn đề trong nông nghiệp và môi trường, ước tính mỗi năm sản lượng cà phê toàn cầu tăng khoảng 2% và sử dụng thêm 100.000 ha. 

Hầu hết quốc gia sản xuất cà phê đang mở rộng nhanh chóng và phá rừng là cách duy nhất để có đất canh tác.

Tại Việt Nam, sản lượng cà phê tăng gần 100 lần trong giai đoạn 1986 - 2016. Hàng chục ngàn m2 rừng trên cả nước được sử dụng từ những năm 1970 để trồng cà phê, chè và cao su. 

Phần lớn đất trồng cà ph đang cạn kiệt nghiêm trọng vì phân bón hóa học, thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu được sử dụng để tăng năng suất.

Cây đóng vai trò như một rào cản tự nhiên đối với sâu bệnh. Khi nông dân chặt cây phá rừng, họ phải sử dụng thuốc trừ sâu hóa học. Hơn nữa, mưa bắt đầu rơi trực tiếp xuống đất, rửa trôi chất dinh dưỡng và đòi hỏi phải sử dụng nhiều phân bón hơn.

Theo báo cáo mới nhất của IPCC, suy thoái đất góp phần thay đổi khí hậu, từ đó gây áp lực lớn hơn cho các hoạt động nông nghiệp. Khi đất bị suy thoái, nó làm giảm khả năng hấp thụ carbon của đất và làm trầm trọng thêm sự thay đổi khí hậu. 

Hiện nay nông nghiệp, lâm nghiệp và các hoạt động khác tạo ra 23% lượng khí thải nhà kính. 

Và các quá trình đất tự nhiên - như hình thành đất, chu trình dinh dưỡng và chu trình nước - hấp thụ khoảng 1/3 khí nhà kính xả thải từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch và các sản xuất công nghiệp.


Linh Giang