Người tiêu dùng xoay xở với 'bão giá' hàng hóa thiết yếu
Từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng 11 đợt, làm cho giá xăng RON 95 tăng 7.694 đồng/lít; giá xăng E5 RON 92 tăng 7.071 đồng/lít, mức cao nhất trong lịch sử.
Giá xăng dầu tăng không chỉ tác động trực tiếp đến bình xăng hàng ngày, mà còn kéo theo nhiều nhóm mặt hàng tăng theo, nên người tiêu dùng gặp thách thức trong xoay xở với "bão giá" hàng hóa thiết yếu.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, chị Thu Oanh, cư ngụ tại quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh cho biết, gia đình đang chật vật khi gặp "bão giá". Nhà có 5 người, tổng thu nhập hai vợ chồng chỉ 26 triệu đồng, nhưng hàng tháng trả lãi mua nhà 9 triệu đồng, nuôi hai con nhỏ học mầm non nên phải căng mình gồng gánh chi tiêu.
Theo chị Thu Oanh, giá xăng dầu tăng liên tục khiến mọi thứ đều tăng giá theo, quan trọng nhất là giá thực phẩm. Điều này, gây khó khăn cho cho những gia đình có thu nhập trung bình bám trụ lại thành phố, với gánh nặng "cơm áo gạo tiền" mỗi ngày lại càng đè nặng hơn.
Còn anh Quốc Thịnh, cư ngụ tại huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh cho hay, vợ chồng đang ở nhà thuê, có một bé trai, với thu nhập hai vợ chồng sau khi trừ chi phí còn lại 8-10 triệu đồng. Do đó, ước có nhà quá xa vời với gia đình trong giai đoạn "bão giá" như hiện nay và không biết bao giờ mới có thể mua được nhà.
"Hơn thế nữa, nếu chi phí sinh hoạt đắt đỏ, giá cả leo thang tiếp tục thì gia đình sẽ ngày càng gặp khó khăn hơn trong cân đối tài chính. Trong khi đó, sau đại dịch COVID-19 thì kinh tế đang phục hồi và phát triển trở lại nên không có nhiều cơ hội việc làm cho người dân nâng cao thu nhập", anh Quốc Thịnh chia sẻ thêm.
Ghi nhận ý kiến nhiều người dân khác trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng cho thấy, để xoay xở với "bão giá" thì hầu hết gia đình đều phải tự tìm cách giải bài toán thu - chỉ để đảm bảo đời sống sinh hoạt hàng ngày. Trong đó, có gia đình lựa chọn tiết kiệm chi tiêu và chỉ ưu tiên chi tiêu nhu cầu thiết yếu, cũng có gia đình nỗ lực cải thiện thu nhập và lao động nhiều hơn...
Cụ thể, chị Thu Anh, cư ngụ tại thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, gia đình xin cho con vào học trường công, uống sữa Việt, đi chợ đầu mối... để tiết kiệm chi phí trong thời buổi giá cả nhiều sản phẩm, dịch vụ tăng. Cụ thể, mỗi cuối tuần, gia đình đi chợ đầu mối mua thực phẩm, sau đó sơ chế và đóng hộp để trữ tiêu dùng trong cả tuần.
Từ kinh nghiệm nội trợ của gia đình trong những năm qua, chị Thu Anh cho rằng, các loại nhu yếu phẩm, thực phẩm như gạo, dầu ăn; bột giặt, khẩu trang... nếu mua với số lượng nhiều hay mua sỉ thì giá sẽ rẻ hơn mua lẻ. Bên cạnh đó, gia đình nấu ăn ở nhà, kể cả bữa sáng nên cũng góp phần tiết giảm chi phí sinh hoạt đáng kể, nhưng vẫn đảm bảo đời sống ổn định.
Một số gia đình tại TP Hồ Chí Minh nhận định, không phải đây là lần đầu tiên họ vượt qua bão giá, nên dù trong điều kiện bình thường thì chi tiêu, mua sắm ưu tiên hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, hạn chế tiêu dùng xa xỉ. Đây không chỉ là giải pháp ứng phó với giá cả thị trường hàng hóa tiêu dùng thiết yếu biến động, mà còn giúp các gia đình tích luỹ được tài chính để phòng chống rủi ro trong đời sống.
Khảo sát thực tế tại thị trường TP Hồ Chí Minh, các nhà bán lẻ liên tục chạy luân phiên chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu tiêu dùng và chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Vì vậy, những người tiêu dùng thông minh đã tận dụng cơ hội mua sắm ưu tiên nhóm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cho gia đình với phương châm "mua đủ dùng, mua khi cần".
Điển hình, hệ thống LOTTE Mart triển khai chương trình khuyến mãi "Cả nhà vào bếp" từ hôm nay đến ngày 21/6/2022, nhằm tạo điều kiện để mọi gia đình đều có thể trang bị cho mình một căn bếp đủ đầy, tiện nghi và những bữa ăn dinh dưỡng. Trong đó, thực phẩm tươi sống giảm giá sốc ở mức 19%-29% như ớt chuông Đà Lat, dưa leo giống Nhật, chuối Dole, bí giống Mỹ...
Ngoài ra, tại LOTTE Mart còn khuyến mãi cho đa dạng nhóm ngành hàng như sản phẩm tăng cường sức khỏe, gồm: sữa, mì gói; nước giặt, sữa tắm... Đặc biệt, dịp này LOTTE Mart cũng thực hiện chính sách "mua 1 tặng 1" cho một số sản phẩm như mật ong rừng U Minh/Sữa Ong chúa Xuân Nguyên 500ml; bánh Mandu hải sản rau củ LC 350g...
Tương tự, những điểm bán lẻ của Saigon Co.op, Satra, Aeon Mall, MM Mega Market... cũng áp dụng chương trình khuyến mãi, giảm giá cho phong phú nhóm ngành hàng, nhất là hàng hóa tiêu dùng thiết dùng thiết. Bên cạnh đó, kênh bán lẻ hiện đại cũng tung ra không ít hình thức khuyến mãi, giảm giá khác nhau để tăng thêm tiện ích và quyền lợi cho người tiêu dùng, cũng như đồng hành cùng người dân vượt qua bão giá.
Liên quan đến thị trường giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, đại diện Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, hoạt thương mại và dịch vụ trên địa bàn nối tiếp đà phục hồi từ những tháng trước và đạt được mức tăng trưởng dương. Thống kê, doanh thu bán lẻ chủ yếu tăng cao ở các nhóm ngành hàng như lương thực, thực phẩm; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình...
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2022 tại TP Hồ Chí Minh đạt 96.281 tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ. Tính 5 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 456.153 tỷ đồng, tăng 0,6% so với cùng kỳ.
Trên cơ sở này có thể thấy, người dân đã và đang thắt chặt chi tiêu dùng hàng ngày, chỉ tập trung vào những nhóm ngành hàng tiêu dùng thiết yếu do bị tác động của bão giá. Do đó, đơn vị sản xuất, kinh doanh hay nhà bán lẻ muốn duy trì doanh số không chỉ cần nắm bắt nhu cầu trải nghiệm người tiêu dùng về giá, chính sách... mà còn phải đáp ứng yêu cầu tối ưu về tiện ích, giao nhận...
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao nhấn mạnh, kết quả một số báo cáo xu hướng tiêu dùng thực phẩm năm 2022 là chú trọng ăn uống cân bằng, tốt cho sức khỏe và tiện lợi. Bên cạnh đó, thói quen làm việc ở nhà cũng làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng như ngại ăn uống bên ngoài, tiết kiệm...
Cùng với đó, quyết định mua hàng của người tiêu dùng hiện nay có những thay đổi so với trước đại dịch như quan tâm thực phẩm xanh - sạch; đa dạng thực phẩm trong chế độ ăn uống; thân thiện với môi trường... Doanh nghiệp nên phát huy ưu thế bản địa và thực phẩm nhiệt đới, thúc đẩy công nghiệp chế biến thực phẩm đáp ứng thị hiếu tiêu dùng, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng Việt...
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/