|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Người tiêu dùng Việt Nam vẫn lạc quan về tiền điện tử

11:30 | 07/07/2023
Chia sẻ
Theo khảo sát của Decision Lab, tiền điện tử là công cụ đầu tư phổ biến thứ hai tại Việt Nam, chỉ sau gửi tiết kiệm. Người tiêu dùng Việt Nam cũng có kế hoạch đầu tư thêm vào lĩnh vực tiền số trong 12 tháng tới.

Mặc dù thị trường tiền điện tử đang trải qua thời kỳ khó khăn, đặc biệt sau sự lao dốc của toàn ngành trong năm 2022, người tiêu dùng ở Việt Nam vẫn có niềm tin lớn vào lĩnh vực này, theo Tech in Asia.

Cụ thể, có khoảng 53% người tiêu dùng Việt Nam đã đầu tư tiền số, có kế hoạch đầu tư nhiều hơn vào tiền điện tử trong 12 tháng tới, theo kết quả một cuộc khảo sát từ công ty nghiên cứu thị trường Decision Lab.

Con số có lẽ còn gây ngạc nhiên hơn là chỉ có 24% người tham gia khảo sát cho biết họ có ý định đầu tư ít tiền hơn vào thị trường tiền số. Ngoài ra, 23% còn lại dự định sẽ đầu tư với con số ngang bằng thời điểm hiện tại trong 12 tháng tới.

Tỷ lệ đầu tư dự kiến vào từng khoản đầu tư của người tiêu dùng Việt Nam trong 12 tháng tới. (Nguồn: Decision Lab - Doanh Chính tổng hợp).

Theo nghiên cứu của Decision Lab, tiền điện tử là phương tiện đầu tư phổ biến thứ hai tại Việt Nam, chỉ sau các khoản gửi tiết kiệm truyền thống, Trong số những người tham gia khảo sát của Decision Lab, có 54% cho biết họ dự định tăng các khoản gửi tiết kiệm trong 12 tháng tới.

Trong khi đó, vàng là khoản đầu tư được người tiêu dùng tại Việt Nam ưa chuộng thứ ba, với 52% người tham gia khảo sát cho biết họ muốn mua nhiều vàng hơn trong 12 tháng tới. Kim loại quý thường được coi là một lựa chọn đầu tư an toàn tại Việt Nam.

Việt Nam luôn nằm trong số các quốc gia dẫn đầu về mức độ quan tâm tới tiền điện tử. Consensys, công ty phần mềm phát triển công nghệ web3 mới đây đã công bố báo cáo kết quả khảo sát đầu tiên trên toàn cầu về web3 và tiền điện tử, được tiến hành trực tuyến bởi Tập đoàn công nghệ nghiên cứu dữ liệu và phân tích trực tuyến quốc tế YouGov.

Khảo sát đã thu thập ý kiến từ 15.158 người sinh sống tại 15 quốc gia, từ châu Phi, châu Mỹ, châu Âu và châu Á, bao gồm cả Việt Nam. Kết quả khảo sát đã tiết lộ các thông tin về sự hiểu biết của người dùng, quan điểm của họ về hệ sinh thái web3 và tiền điện tử.

Theo đó, triển vọng của công nghệ này rất tích cực ở Việt Nam, được kì vọng trở thành tương lai của tiền tệ và quyền sở hữu kỹ thuật số, và là giải pháp thay thế cho tài chính truyền thống.

Ngoài ra, Việt Nam được xếp hạng cao nhất về hiểu biết về NFT cũng như mức độ quan tâm đến NFT, với 74% số đáp viên tin rằng họ có thể đầu tư hoặc sưu tầm NFT trong 12 tháng tới – tỷ lệ thuộc hàng cao nhất khu vực.

Điều này cũng phù hợp với mức độ quan tâm mạnh mẽ của người Việt đối với quyền sở hữu và kiểm soát kỹ thuật số, và có thể là minh chứng cho thấy người dùng Việt Nam đang chuyển đổi để trở thành những người tham gia vào việc xây dựng một nền tảng internet sáng tạo và thúc đẩy bởi người dùng.

Nhìn chung, Việt Nam với dân số trẻ chính là một trong những quốc gia tiên tiến nhất trong việc thích nghi và ứng dụng công nghệ web3 và tiền điện tử. Kết quả ở Việt Nam cũng khá tương đồng với Indonesia và Philippines, các quốc gia đều coi trọng quyền riêng tư dữ liệu và quyền sở hữu kỹ thuật số.

Anh Nguyễn

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.