|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Người tiêu dùng Trung Quốc chi tiêu nhiều hơn cho các mặt hàng xa xỉ

03:59 | 25/01/2022
Chia sẻ
Công ty tư vấn Bain & Company cho biết, người tiêu dùng Trung Quốc đang chi tiêu nhiều hơn cho các mặt hàng xa xỉ, ngay cả khi họ không thể dễ dàng đi du lịch nước ngoài do các hạn chế liên quan đến đại dịch.

Theo thống kê của Bain & Company được công bố tuần trước, doanh số bán hàng xa xỉ cá nhân ở Trung Quốc đại lục trong năm 2021 đã tăng 36% so với năm trước đó, lên 471 tỷ NDT (73,59 tỷ USD). Con số này cao hơn gấp đôi so với mức tương ứng 234 tỷ NDT ghi nhận vào năm 2019, trước khi đại dịch bùng phát.

Doanh số bán hàng xa xỉ tại Trung Quốc tăng trưởng bất chấp doanh số bán lẻ nói chung của Trung Quốc sụt giảm đáng kể từ khi đại dịch bắt đầu xuất hiện vào năm 2020. Dữ liệu trên cũng phản ánh sự tăng trưởng của thị trường hàng hóa nội địa Trung Quốc với vị thế là điểm đến hấp dẫn của các thương hiệu quốc tế.

Theo Bain & Company, thị phần của Trung Quốc đại lục trong thị trường xa xỉ phẩm toàn cầu đã tăng lên khoảng 21% vào năm 2021, từ mức khoảng 20% ghi nhận trong năm 2020. Công ty tư vấn này cho biết: “Chúng tôi dự đoán đà tăng trưởng này sẽ tiếp diễn, đưa Trung Quốc trở thành thị trường hàng xa xỉ lớn nhất thế giới vào năm 2025 - bất kể tình hình du lịch quốc tế trong tương lai ra sao”.

Các nhà phân tích của Bain & Company cho biết: “Trung Quốc vẫn là nước có hoạt động tiêu dùng tốt nhất trên thế giới, với tầng lớp trung lưu ngày càng tăng mạnh, trong khi mức tăng của thu nhập trung bình khả dụng vẫn cao hơn mức tăng lạm phát".

Một nhân tố chính thúc đẩy thị trường xa xỉ tại Trung Quốc là sự phát triển của các cửa hàng miễn thuế ở Hải Nam, một tỉnh đảo ở miền Nam nước này. 

Trong hai năm gần đây, các chính sách mới của Chính phủ đã giúp cắt giảm thuế và đưa ra các biện pháp thân thiện với doanh nghiệp khác nhằm biến khu vực này thành một cảng thương mại tự do và trung tâm tiêu dùng quốc tế. 

Ngay cả trước khi ban hành các quy định hạn chế đi lại do đại dịch gây ra khiến người dân không thể đi du lịch nước ngoài, các thương hiệu cao cấp đã chuyển từ Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đến Hải Nam và các khu vực khác của Trung Quốc đại lục.

Theo Bain & Company, doanh số bán hàng xa xỉ tại các cửa hàng miễn thuế của đảo Hải Nam đạt mức tăng trưởng 85% vào năm 2021, lên 60 tỷ NDT, sau khi chứng kiến mức tăng tương ứng 122% của năm 2020.

Tuy nhiên, các nhà phân tích của Bain & Company cho biết, động lực lớn nhất dẫn đến thành công của hoạt động miễn thuế ở Hải Nam là mức chiết khấu mạnh vượt cả mức cắt giảm thuế. Báo cáo cho biết, sự chênh lệnh đáng kể giữa giá niêm yết chính thức và giá của cùng một mặt hàng ở Hải Nam đã khiến các kênh bán hàng khác tăng trưởng chậm lại.

Các nhà phân tích tại The Economist Intelligence Unit dự báo, các chính sách mới của chính phủ sẽ giúp thị trường hàng miễn thuế nội địa của Trung Quốc tăng gần gấp 4 lần, đạt giá trị 258 tỷ NDT từ năm 2021 đến năm 2025, với việc mở thêm nhiều cửa hàng miễn thuế mới ở các thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thiên Tân và Thượng Hải. Song điều đó phụ thuộc vào việc Chính phủ Trung Quốc nới lỏng các hạn chế đi lại quốc tế và hạn ngạch mua hàng miễn thuế.

Theo ước tính của Bain & Company, mức chi tiêu toàn cầu cho hàng xa xỉ đạt 283 tỷ euro (320,6 tỷ USD) vào năm 2021, phục hồi sau khi sụt giảm trong năm 2020 và vượt qua mức tương ứng 281 tỷ euro của năm 2019. 

Tuy nhiên, trong năm 2021 chi tiêu cho hàng xa xỉ của người tiêu dùng Trung Quốc vẫn ít hơn khoảng 30 tỷ euro so với mức của năm 2019, do sự bùng phát lẻ tẻ của dịch COVID-19 và các quy định giám sát chặt chẽ mới áp dụng đối với các công ty công nghệ lớn.

Minh Trang