Người nuôi lợn ở Nam Định dự tính giảm đàn để tránh lỗ
Trang trại chăn nuôi lợn của gia đình bà Nguyễn Thị Dần, tại xóm Tâm hiện là trang trại chăn nuôi lợn duy nhất trên địa bàn xã Liên Minh, huyện Vụ Bản còn duy trì được với tổng đàn trên 100 con tại thời điểm này. Lợn giống được gia đình bà Dần nuôi từ tháng 2/2023, nếu không mắc dịch bệnh dự kiến đến cuối tháng 10 có thể xuất chuồng.
Bà Dần cho biết, nếu cứ nuôi lợn theo cách truyền thống dựa hoàn toàn vào cám công nghiệp như những năm trước đây sẽ vô cùng khó khăn vì giá thức ăn cao. Gần đây, gia đình bà đã liên hệ với một số doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp Bảo Minh gần đó để xin thức ăn thừa từ bếp ăn tập thể về cho lợn ăn.
Trong khoảng 2 tháng đầu khi lợn còn bé, gia đình bà Dần phải cho ăn hoàn toàn bằng cám công nghiệp với số tiền trên 30 triệu đồng. Từ tháng thứ 3 trở đi, bà Dần bắt đầu dùng xen lẫn thức ăn công nghiệp với lượng cơm thừa xin được. Theo tính toán của bà Dần, lượng thức ăn dư thừa được lấy từ khu công nghiệp đã giúp giảm khoảng 70-80% tiền mua cám công nghiệp cho lợn hàng tháng.
Bà Dần chia sẻ, ngoài nuôi lợn, gia đình còn nuôi thêm cá, thức ăn thừa từ lợn và phân lợn sẽ cho cá ăn, thu nhập từ nuôi lợn và cá sẽ giúp gia đình quay vòng vốn. Mặt khác, nếu cứ phụ thuộc vào cám công nghiệp, người nuôi sẽ lỗ nên phải kết hợp các nguồn thức ăn khác nhau. Trong thời điểm giá lợn hơi xuống thấp kỷ lục như hiện nay, tại địa phương chỉ có duy nhất hộ chăn nuôi như bà mới dám tái đàn.
Những năm trước đây, gia đình bà Nguyễn Thị Rân cũng là một trong những hộ nuôi lợn có tiếng tại xã Liên Minh, huyện Vụ Bản với tổng đàn có thời điểm lên tới 150 con. Tuy nhiên, từ năm 2019 trở lại đây, dịch bệnh xuất hiện ở lợn cùng với giá thức ăn chăn nuôi tăng khiến đàn lợn của gia đình giảm theo từng năm. Hiện, chuồng lợn được đầu tư kiên cố, hiện đại của gia đình bà chỉ còn nuôi cầm chừng 10 con lợn thịt và 2 con lợn nái.
Bà Rân cho rằng, thời điểm này nuôi lợn chỉ có lỗ, nhưng vì tuổi cao không đi làm việc khác được nên bà vẫn nuôi cầm chừng. Nếu từ giờ đến cuối năm giá lợn vẫn dao động ở mức từ 50.000 - 60.000 đồng/kg, người chăn nuôi sẽ không có lãi, khi đó chắn chắc bà Rân sẽ "treo chuồng" tạm dừng việc chăn nuôi.
Theo ông Trần Đức Thiện, Chủ tịch UBND xã Liên Minh, khoảng 10 năm về trước, xã Liên Minh là một trong những địa phương có đàn lợn nhiều nhất huyện Vụ Bản. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá thức ăn tăng cao, đầu ra không ổn định nên số hộ nuôi lợn trong xã giảm dần, hiện tại chỉ còn trên 10 hộ chăn nuôi.
Với kinh nghiệm 30 năm chăn nuôi lợn, quy mô đàn luôn duy trì ở mức trên 600 con, chăn nuôi theo mô hình chuồng kín, áp dụng an toàn sinh học, thân thiện với môi trường, từng được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận là nông dân xuất sắc năm 2022, nhưng trong thời điểm giá lợn xuống thấp như hiện tại, ông Lê Văn Cần, xã Yên Thọ, huyện Ý Yên cũng gặp không ít khó khăn.
Theo ông Cần, mỗi ngày trang trại tiêu tốn hết khoảng 15 triệu tiền thức ăn, hơn 8 triệu tiền điện. Nếu giá lợn cứ duy trì ở mức trên dưới 50.000 đồng/kg, chắc chắn sẽ lỗ. Thời gian tới nếu giá lợn không nhích lên, ông Cần sẽ phải tính tới phương án giảm đàn để bảo đảm an toàn.
Toàn tỉnh Nam Định có trên 600.000 con lợn. Các huyện có nhiều hộ nuôi lợn là Hải Hậu, Giao Thủy, Nam Trực, Vụ Bản. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh, thời gian gần đây, chăn nuôi tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do giá thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y tăng, vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh như bệnh tả lợn châu phi, cúm gia cầm...
Để đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng, an toàn dịch bệnh và giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi, ngành nông nghiệp Nam Định đã có văn bản hướng dẫn các hộ chăn nuôi, chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại; thực hiện nghiêm việc tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm vụ Xuân năm 2023; hướng dẫn người chăn nuôi chủ động áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi để đảm bảo an toàn dịch bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng.
Ông Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nam Định khuyến cáo, thời điểm này người nuôi cần nắm chắc thông tin thị trường để chủ động điều chỉnh kế hoạch chăn nuôi, đặc biệt cần thận trong khi tán đàn. Người nuôi cũng cần tận dụng nguồn phụ phẩm trong nông nghiệp để chế biến, phối trộn làm thức ăn chăn nuôi để giảm chi phí sản xuất và chủ động các biện pháp phòng chống dịch bệnh để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra.