Sự trở lại của nhà thầu xây dựng tại các dự án
“Khó khăn bủa vây” là cụm từ được dùng nhiều khi nói về ngành xây dựng trong vài năm trở lại đây. Những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, bão giá nguyên vật liệu, cùng với thị trường bất động sản ảm đạm khiến các nhà thầu xây dựng gặp rất nhiều khó khăn.
Khi phát biểu tại một sự kiện được tổ chức hồi tháng 4/2023, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh rằng các nhà thầu xây dựng đang trải qua tình trạng “bi bét”, “khốc liệt”, “khủng hoảng”. Nếu không có cơ chế bảo vệ, nhà thầu xây dựng sẽ đối mặt nguy cơ phá sản, biết mất.
Thị trường bất động sản đã qua giai đoạn khó khăn nhất, các nhà thầu lại bắt đầu “bận rộn” với những dự án mới. Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Unicons (thành viên thuộc CTCP Xây dựng Coteccons) vừa ký kết hợp tác cùng chủ đầu tư KN Cam Ranh để triển khai xây dựng và đảm bảo chất lượng công trình cho dự án đô thị biển CaraWorld tại Khánh Hòa. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD, được triển khai thành ba phân kỳ đầu tư là Para Sol, Para Draco, và Para Grus.
Ba nhà thầu Newtecons, Ricons và SOL E&C, trong hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương, vừa bắt tay cùng CapitaLand Development chính khởi công dự án giá trị hơn 1 tỷ đô la SGD (hơn 18.000 tỷ đồng) - Lumi Hanoi, phía Tây Hà Nội.
Cũng trong tháng 11, CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons thông báo tiếp tục trúng thầu tại dự án Imperia Smart City. Dự án do MIK Group đầu tư với quy mô 2,3 ha, bao gồm 5 tòa căn hộ cao 38 tầng. Theo đó, Ricons được lựa chọn để triển khai gói thầu "Thi công kết cấu phần thân và hoàn thiện thô mặt ngoài" cho tòa V11 và V12 (thuộc phân khu The Victoria).
Hay mới đây, Newtecons đã cùng với nhà phát triển bất động sản Masterise Homes tổ chức lễ khởi công dự án Masteri Lakeside (Hà Nội). Dự án tọa lạc tại vị trí đắc địa ở Khu đô thị Ocean Park 1, gồm ba tòa tháp cao 34 – 38 tầng với tổng diện tích xây dựng gần 6.000 m2.
CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Mã: HBC) vừa tổ chức Lễ khởi công Dự án Newtown Diamond (TP Đà Nẵng) với tổng giá trị gói thầu gần 1.000 tỷ đồng. Đây là dự án do Công ty TNHH Phát triển Newtown đầu tư với quy mô 1,4 ha. Hòa Bình sẽ là nhà thầu chính thi công kết cấu phần thân cho ba tòa tháp với chiều cao 38 tầng/tháp và 06 tầng khối đế thuộc dự án này.
Trước đó vào cuối tháng 10/2024, Xây dựng Hòa Bình cho biết doanh nghiệp đã vượt qua nhiều đối thủ để trúng thầu dự án Eaton Park (TP Thủ Đức) trị giá gần 1.900 tỷ đồng do CTCP Địa ốc Tâm Lực thuộc Tập Đoàn Gamuda Land (Malaysia) làm chủ đầu tư. Dự án này có tổng diện tích hơn 3,7 ha, gồm 6 tòa tháp cao 29 - 41 tầng.
Cũng trong tháng 10, Hòa Bình cho biết vừa trúng thầu dự án Phú Quốc Park tại TP Phú Quốc (Kiên Giang) do BIM Group làm chủ đầu tư. Theo đó Hòa Bình là thầu chính thi công các hạng mục công trình như kết cấu, kiến trúc, MEP, đá ốp lát, đường dạo, sân thể thao, cấu kiện trang trí…
CTCP Xây dựng Central vừa qua cũng thông báo trúng thầu dự án Sun Symphony Residence (tháp B1.1.) tại Đà Nẵng của chủ đầu tư Sun Group. Theo đó ngoài thi công phần ngầm, nhà thầu này sẽ thi công cả phần kết cấu và hoàn thiện phần thân của dự án.
Triển vọng ngành bất động sản
Tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng có mối liên quan chặt chẽ với sự phát triển của thị trường bất động sản. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, ngành xây dựng tăng trưởng khoảng 7,48% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm. Sự phục hồi của thị trường bất động sản kỳ vọng sẽ khiến ngành xây dựng dân dụng bứt tốc trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA), đánh giá giai đoạn này sẽ là một giai đoạn mới cho sự phát triển mới, một chu kỳ mới cho cả nền kinh tế lẫn thị trường bất động sản. Những khó khăn của thị trường đã và đang được tháo gỡ.
Chính phủ đã liên tục có những công điện rất mạnh mẽ, quyết liệt để yêu cầu tất cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai tinh thần thể chế mới, tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các dự án, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo sự cân bằng cho thị trường địa ốc.
Việc tăng tốc đầu tư công, tốc độ thị hóa cao (trên 40%) chính là động lực tạo ra nhu cầu lớn về nhà ở, kinh doanh, đầu tư bất động sản.
"Trong chu kỳ mới, tôi cho rằng thị trường sẽ có chất lượng tốt hơn. Với luật mới cùng các quy định chặt chẽ, cuộc chơi sẽ không còn cơ hội cho việc lợi dụng kẽ hở để hoạt động một cách không lành mạnh", vị này nhận định.
Dự báo trong ba năm tới, ông Đính đánh giá 2025 là năm đầu tiên nguồn cung của thị trường sẽ được tháo gỡ, song không phải là tháo gỡ toàn bộ. Những dự án đảm bảo đủ điều kiện về quy định pháp luật, năng lực của chủ đầu tư tốt sẽ được tháo gỡ để đưa sản phẩm vào thị trường, qua đó giúp thị trường cân bằng cung - cầu.
Về vấn đề giá bán, từ giờ đến hết năm 2025, các quy định của luật mới chưa được áp dụng hoàn toàn, vẫn được tận dụng từ vấn đề cũ, do có giá đất dự báo vẫn sẽ ở mức hợp lý. Tuy nhiên, theo chuyên gia, sang giai đoạn 2026 - 2027, nếu vẫn không có căn chỉnh phù hợp thì có thể sẽ đẩy áp lực vào giá.
"Tôi đưa ra hai kịch bản. Nếu chúng ta điều tiết tốt thì năm 2026 - 2027 thị trường sẽ tiếp tục ổn định. Còn nếu không có căn chỉnh kỹ thuật tốt thì có thể sẽ đẩy giá bất động sản lên mức cao hơn, bất hợp lý hơn, thị trường sẽ lại khó khăn", ông Đính nhận định.