|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

VNDirect: Chưa có chất xúc tác cho giá heo, doanh nghiệp chần chừ kế hoạch mở rộng cửa hàng phân phối

08:19 | 05/04/2023
Chia sẻ
VNDirect cho rằng nhu cầu trong nước vẫn yếu trong nửa đầu năm 2023, chưa thấy chất xúc tác nào có thể khiến giá heo hơi tăng mạnh, ít nhất là cho đến quý III. Điều này khiến các doanh nghiệp chần chừ trong việc mở rộng kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Chưa có chất xúc tác cho giá heo tăng mạnh

Trong báo cáo ngành nông nghiệp mới đây, công ty chứng khoán VNDirect cho biết giá heo hơi trong nước giảm 6 tháng liên tiếp, hiện đang dao động 49.000 – 51.000 đồng/kg.

(Nguồn: Hoàng Anh tổng hợp)

Nguyên nhân là nguồn cung trong nước ổn định, trong khi thu nhập của người lao động giảm sút dẫn đến việc thắt chặt chi tiêu, nhu cầu tiêu thụ giảm. Ngoài ra, dịch tả heo châu Phi (ASF) bùng phát gần đây khiến người chăn nuôi phải bán tháo heo với số lượng lớn dẫn đến tình trạng dư thừa nguồn cung trên thị trường.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng đàn heo trong quý I/2023 tăng 7,6% so với cùng kỳ, tương đương 28,6 triệu con, trong khi dịch ASF vẫn đang xuất hiện ở 10 tỉnh.

 (Nguồn: Bộ NN&PTNT, Biểu đồ: Hoàng Anh)

Trong kịch bản cơ sở, VNDirect cho rằng giá heo năm 2023 sẽ tăng 5% so với năm 2022 lên 59.000 đồng/kg nhờ việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế, giá thịt heo phục hồi sẽ tác động một phần đến giá heo Việt Nam. Bên cạnh đó, nguồn cung từ các hộ chăn nuôi giảm do giá bán dưới giá thành.

Giá thành sản xuất trung bình của hộ chăn nuôi vào khoảng 55.000 - 60.000 đồng/kg thịt heo, do đó với mặt bằng giá heo hơi hiện tại, VNDirect cho rằng hộ chăn nuôi sẽ không tái đàn mạnh trong ngắn hạn.

“Với nhu cầu trong nước vẫn yếu trong nửa đầu năm 2023 và giá nguyên liệu thấp hơn, chúng tôi chưa thấy chất xúc tác nào có thể khiến giá heo hơi tăng mạnh, ít nhất là cho đến quý III/2023. Do vậy, doanh thu của các doanh nghiệp sản xuất thịt niêm yết sẽ chỉ tăng khoảng 3,6% trong 2023”, VNDirect dự báo.

Một điểm tươi sáng trong bức tranh ngành chăn nuôi là giá ngô và khô đậu tương năm nay được dự báo giảm lần lượt 7,9% và 1,8% so với năm 2022. Do đó, VNDirect kỳ vọng chi phí thức ăn chăn nuôi sẽ hạ nhiệt dần từ quý II/2023. Điều này sẽ giúp lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sản xuất thịt sẽ cải thiện trong năm 2023.

Doanh nghiệp chần chừ mở rộng sản xuất, phân phối

Trong năm 2022, các “tân binh” trong ngành chăn nuôi heo như CTCP Nông nghiệp BaF (BaF) và CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã cho ra mắt sản phẩm mới heo ăn chay và heo ăn chuối, đồng thời có kế hoạch mở chuỗi các sản phẩm bán thịt.

Theo đó, trong năm 2023, BaF có kế hoạch xây dựng ba trang trại mới bao gồm một trang trại ở Bình Phước (công suất 6.250 heo giống và 30.000 heo thịt) trong khi hai trang trại còn lại ở Nghệ An với tổng công suất 5.000 heo giống và 90.000 heo thịt. Ngoài ra, công ty còn hướng tới mở rộng mạng lưới phân phối thông qua hệ thống siêu thị Siba và hệ thống Meat shop.

Trong khi đó, đối thủ HAGL cũng đã lên kế hoạch xây dựng hệ thống phân phối của riêng mình trong giai đoạn 2022-2023. Tuy nhiên, trong buổi gặp gỡ cổ đông gần đây, HAGL tuyên bố sẽ nâng tỷ lệ cửa hàng nhượng quyền lên 80% thay vì xây dựng cửa hàng mang thương hiệu riêng do không đủ vốn.

Còn hai ông lớn trong ngành là Dabaco và Masan MEAT’s Life vẫn chưa đưa ra kế hoạch mở rộng cụ thể.

 (Nguồn: VNDirect)

VNDirect cho rằng câu chuyện mở rộng quy mô đã có sự thay đổi. Đa số các doanh nghiệp cho rằng ngành thịt sẽ gặp khó khăn trong nửa đầu năm 2023 do nhu cầu yếu. Đây cũng là lý do khiến các công ty chần chừ trong việc đưa ra kế hoạch mở rộng sản xuất, phân phối, ngoại trừ những tay chơi mới muốn thâm nhập sâu hơn vào ngành thịt như BaF và HAGL.

Hoàng Anh