|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cục Chăn nuôi: Giá heo hơi giảm theo xu hướng chung của toàn cầu, Trung Quốc, Thái Lan cũng ở mức thấp

10:36 | 31/03/2023
Chia sẻ
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết giá heo hơi không phải chỉ ở Việt Nam mà là xu hướng chung của toàn cầu do ảnh hưởng của dịch COVID-19 gây đứt gãy chuỗi cung ứng.

Từ quý IV/2022 đến nay, giá heo hơi ba miền liên tục đi ngang, ngay cả trong cao điểm tiêu thụ Tết Nguyên đán. Cập nhật đến ngày 31/3, giá heo đang ở mức 47.000 – 50.000 đồng/kg, giảm 5-10% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 40-45% so với cùng kỳ năm 2020, 2021.

 (Phạm Mơ tổng hợp)

Tại họp báo thường kỳ quý I/2023 của Bộ NN&PTNT, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết giá heo hơi không phải chỉ ở Việt Nam mà là xu hướng chung của toàn cầu do ảnh hưởng của dịch COVID-19 gây đứt gãy chuỗi cung ứng.

Điển hình như ở Trung quốc, giá heo của nước này có thời điểm năm 2022 cao hơn của Việt Nam 25.000 – 27.000 đồng/kg nhưng hiện nay đã ngang với Việt Nam là 2,1 USD/kg, tương đương hơn 49.000 đồng/kg. Tương tự, giá heo hơi của Philipines, Thái Lan cũng ở mức thấp.

“Dịch COVID-19 đã đẩy giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao và liên tục, cho đến thời điểm này cũng chưa thể khẳng định được đến khi nào giá thức ăn chăn nuôi ổn định trở lại.

Mặt khác, sức mua của người tiêu dùng đang rất yếu. Trong khi đó, sản xuất ở quy mô nông hộ, trang trại cải thiện, năng suất cao nhờ áp dụng công nghệ”, ông Tống Xuân Chinh nói.

 Ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT). (Ảnh: Phạm Mơ)

Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho rằng để giải quyết khó khăn cho người chăn nuôi và doanh nghiệp, thị trường là mấu chốt. Ngoài việc cung ứng cho thị trường trong nước, người chăn nuôi và doanh nghiệp cần chuyên nghiệp hơn để có thể xuất khẩu những sản phẩm chăn nuôi đang dư thừa, giảm bớt sức ép cho thị trường.

Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Chăn nuôi hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật cụ thể nhằm giảm giá thành sản xuất như phối trộn thức ăn chăn nuôi tại chỗ, tận dụng tối đa các nguyên liệu của địa phương, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật theo mục tiêu đa giá trị.

Trong bối cảnh giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vẫn neo cao, Cục Chăn nuôi đã đề xuất Bộ NN&PTNT giảm 2% thuế với đậu tương và khô dầu, Bộ đã có báo cáo lên Chính phủ về vấn đề này.

Liên quan đến mảng thức ăn chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các tập đoàn như C.P, Deheus trồng nguyên liệu tại chỗ sắn, ngô, đậu tương để cân đối giá thành thức ăn chăn nuôi.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng giải pháp tốt nhất vẫn là nâng cao chất lượng con giống, giảm chi phí thức ăn. Đồng thời tăng chế biến và tiến tới xuất khẩu để giảm sức ép tiêu thụ tại thị trường trong nước.   

Ngoài việc, giá thức ăn chăn nuôi cao, giá bán heo thấp dưới giá thành, việc tiếp cận vốn của các hộ chăn nuôi hiện đang khó khăn.

Trước đó, trong bức thư gửi Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết gần như công ty, trang trại đều có vay vốn từ các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp gần như không thể tiếp cận ngân hàng, khó chồng khó.

Do vậy, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai kiến nghị Ngân hàng Nhà nước gia hạn nợ gốc, giảm một phần lãi suất như chính sách hỗ giai đoạn COVID-19 cho các doanh nghiệp, trang trại và hộ chăn nuôi trong nước.

Đề nghị các ngân hàng trong mảng nông nghiệp tiếp tục gia hạn các gói tín dụng cho các chi nhánh, đưa vốn đến các vùng chăn nuôi trọng điểm.

Đồng thời trong quá trình thẩm định khách hàng là các doanh nghiệp chăn nuôi nên có sự tiếp xúc với hiệp hội để đánh giá tiềm lực khách hàng; có những doanh nghiệp tốt có thể đứng ra bảo lãnh ngân hàng cho vay vốn cho cả chuỗi liên kết từ nông hộ, HTX, đại lý thức ăn... để tăng quy mô kinh doanh.

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai kiến nghị Ngân hàng Nhà nước gia hạn nợ gốc, giảm một phần lãi suất như chính sách hỗ giai đoạn COVID-19 cho các doanh nghiệp, trang trại và hộ chăn nuôi trong nước. Đề nghị các ngân hàng trong mảng nông nghiệp tiếp tục gia hạn các gói tín dụng cho các chi nhánh, đưa vốn đến các vùng chăn nuôi trọng điểm.

Phạm Mơ