|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Người dân vẫn thắt chặt 'hầu bao', tiêu dùng liệu có còn là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế?

11:37 | 12/08/2024
Chia sẻ
Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, dù có sự đóng góp lớn của 10 triệu lượt khách quốc tế trong 7 tháng đầu năm, song mức tăng tiêu dùng đã loại trừ đi yếu tố giá chỉ trên 5%, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và giai đoạn 2015 - 2019. Điều này cho thấy người dân đã "chần chừ" hơn trong việc móc hầu bao cho tiêu dùng.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 7 ước đạt 528,3 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 7 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.625,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,2%.

Chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực

Nhìn nhận kết quả này, ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, sức mua trong nước 7 tháng tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và giai đoạn 2015 - 2019, tốc độ tăng trưởng (nếu loại trừ yếu tố giá) chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực và không còn là động lực của tăng trưởng.

Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (loại trừ yếu tố giá) năm 2023 tăng 9,8%, năm 2019 tăng 8,74%, năm 2018 tăng 8,72%, năm 2017 tăng 8,7%, năm 2016 tăng 8,6%, năm 2015 tăng 8%.

Mức tăng bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng. (Nguồn: Nguyễn Ngọc tổng hợp từ TCTK).

Đáng quan ngại, kể từ đầu năm 2024 đến nay, mức tăng tiêu dùng đã loại trừ đi yếu tố giá chỉ trên 5% (tháng 1 tăng 5,8% so với cùng kỳ; 2 tháng tăng 5,0%; 3 tháng tăng 5,1%; 4 tháng tăng 5,3%; 5 tháng tăng 5,2%; 6 tháng tăng 5,7%; 7 tháng tăng 5,2%) thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 6,42%.

Thậm chí, mức tăng 5,2% đã có sự đóng góp lớn của các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ du lịch lữ hành do có sự phục hồi mạnh mẽ của khách quốc tế với 10 triệu lượt khách trong 7 tháng đầu năm.

“Điều này có nghĩa người Việt đã có chần trừ hơn và ngại hơn trong việc móc hầu bao cho tiêu dùng, khiến mức tăng tiêu dùng của khách nội địa thì giảm mạnh, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng của kinh tế”, ông Thành quan ngại.

Cùng chung quan điểm, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế tương đối tốt là nhờ vào động lực từ bên ngoài như xuất nhập khẩu và thu đầu tư nước ngoài có nhiều tín hiệu tích cực.

Trong khi đó, với mức tăng 5% sau khi trừ đi lạm phát, cầu tiêu dùng chưa đạt như kỳ vọng và chưa bằng một nửa so thời kỳ trước COVID-19 cho thấy bản thân doanh nghiệp và lao động trong nước vẫn chưa thực sự yên tâm và chắc chắc cho sự gia tăng việc làm, thu nhập ổn định cũng như sự gia tăng về sản xuất kinh doanh và đầu tư.

“Với tâm lý vẫn còn khó khăn này, việc thắt lưng buộc bụng tồn tại trong đại bộ phận cư dân và người lao động cũng như doanh nghiệp trong nước khiến sức quay vòng sản xuất kinh doanh và cầu tiêu dùng vẫn còn kém so với kỳ vọng”, ông Việt nhìn nhận.

Đáng lưu ý, dù có sự phát triển của khu vực dịch vụ, đặc biệt là du lịch quốc tế, song hiệu ứng lan tỏa sang khu vực có tính liên thông như nhà hàng, khách sạn và tiêu dùng cho ăn uống ngoài trời chưa có sự tăng trưởng tương ứng mạnh mẽ.

Điều này cũng cho thấy mặt bằng giá cả chưa phù hợp với đại bộ phận của người lao động sau những khó khăn đại dịch và khủng hoảng kinh tế cũng như khả năng chi tiêu của đại bộ phận khách du lịch quốc tế quay trở lại Việt Nam.

Cẩn trọng trong việc rút lui những chính sách hỗ trợ 

Theo ông Việt, trong giai đoạn COVID-19, khi cầu bên ngoài sụt giảm, dòng chảy thương mại và đầu tư bị đứt gẫy thì cầu tiêu dùng trong nước là một trong những động lực để tăng trưởng GDP của Việt Nam không âm.

Không chỉ vậy, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay, nhiều tổ chức nước ngoài cũng khuyến nghị những nước đang dựa vào mô hình dựa vào xuất khẩu như Việt Nam thì phải quay trở về kích thích tiêu dùng nội địa nhằm duy trì cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nội địa.

Qua đó, tạo công ăn việc làm và duy trì thu nhập cho người lao động, đặc biệt là lao động thấp rơi vào hoàn cảnh mất việc làm, không có thu nhâp.

“Tiêu dùng nội địa là môi trường để các doanh nội địa để đầu tư sản xuất kinh doanh lớn mạnh, qua đó dần xâm nhập và tiến tới và chuỗi xuất khẩu và chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Việt nêu rõ.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách. (Nguồn: Nguyễn Ngọc). 

Vì vậy, ông Việt cho rằng, trong bối cảnh tiêu dùng vẫn chưa tăng dùng như kỳ vọng cần cẩn trọng trong việc rút lui những chính sách tài khóa hỗ trợ cho thị trường nói chung và kích cầu tiêu dùng nội địa nói riêng.

Cùng với đó, bên cạnh giải pháp hỗ trợ về đầu cung - giúp doanh nghiệp phục hồi đầu tư và sản xuất kinh doanh thì việc hỗ trợ thông qua kích cầu tiêu dùng thông minh cũng là giải pháp cần phải tính tới.

Khi khảo sát nhiều mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, nhiều doanh nghiệp cho biết sẵn sàng bỏ vốn ra đầu tư, sẵn sàng mạo hiểm thay đổi quy trình sản xuất công nghệ kinh doanh nhưng Nhà nước cần đảm bảo đầu ra sản phẩm được cạnh tranh với những hàng bình thường khác.

Do đó, Nhà nước có thể hỗ trợ về thương hiệu để các sản đảm bảo các yêu cầu mới về chất lượng, về môi trường, về xã hội, về năng lượng được người tiêu dùng chấp nhận và tin tưởng.

Còn theo chuyên gia Võ Trí Thành, quan trọng nhất vẫn là lòng tin của người dân về kinh tế phía trước sẽ tốt hơn thì họ sẵn lòng chi tiêu hơn. Do đó, thời gian tới, cùng với kích cầu tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư (đầu tư công, đầu tư tư nhân), Chính phủ cần cần tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển thông qua chính sách tài khóa, thuế phí, và chính sách tiền tệ như chính sách tín dụng và giảm lãi suất.

“Điều quan trọng hơn tạo dựng lại niềm tin thị trường nhờ phục hồi kinh tế tổng thể, nhờ phục hồi các thị trường bất động sản, bên cạnh giải quyết vấn đề tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô để người tiêu dùng thấy phía trước là sáng sủa thì họ sẵn lòng chi tiêu nhiều hơn”, ông Thành nêu rõ.

Ngọc Bảo

Data Talk tháng 9: 'Có những lần suy thoái khiến thị trường chứng khoán giảm 80 - 90%'
Theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Công ty Chứng khoán DSC, chi nhánh TP HCM, có những lần suy thoái khiến thị trường giảm 80 - 90%, ngay cả cuộc suy thoái kỹ thuật cũng khiến thị trường rơi 20 - 30%. Thị trường chứng khoán Việt Nam khó tránh khỏi ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế Mỹ.