|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Người dân Trung Quốc đổ xô đi rút tiền vì tin đồn thất thiệt, cơ quan chức năng phải vào cuộc

16:46 | 15/07/2020
Chia sẻ
Thời gian gần đây, tin đồn hệ thống ngân hàng sụp đổ đang gây xôn xao và lan truyền với tốc độ chưa từng có ở Trung Quốc, buộc các cơ quan quản lí và thậm chí cảnh sát nước này tham gia để trấn an khách gửi tiền.
Người dân Trung Quốc đổ xô đi rút tiền vì tin đồn thất thiệt, cơ quan chức năng phải vào cuộc - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: CNN

Theo đưa tin từ Bloomberg, kể từ tháng trước, trong tâm trạng lo lắng, nhiều khách hàng đã đổ xô đến ba ngân hàng để rút tiền do tin đồn ngân hàng thiếu tiền mặt. Tuy nhiên, thông tin này về sau đã bị bác bỏ là sai lệch.

Cuối tuần trước, khách hàng lại kéo đến một ngân hàng ở tỉnh Hồ Bắc rút tiền, buộc cơ quan quản lí địa phương phải đứng ra xác minh hệ thống ngân hàng vẫn ổn định và cảnh sát phải đến can ngăn người dân.

Niềm tin vào hệ thống ngân hàng trị giá 43 nghìn tỉ USD của hơn 1 tỉ chủ tài khoản tại Trung Quốc đang bị xói mòn, đe dọa một trong các nền móng giúp Trung Quốc trỗi dậy thành cường quốc kinh tế thế giới.

Trong năm 2019, Bắc Kinh đã từng nhiều lần ra tay cứu trợ các ngân hàng trên khắp cả nước và lần đầu tiên trong hơn 20 năm, chính phủ Trung Quốc phải tiếp quản một ngân hàng tư nhân là Ngân hàng Baoshang, tạo một cú sốc cho các nhà đầu tư.

Tiếp đó, đại dịch COVID-19 và những ảnh hưởng kinh tế từ nó đã làm trầm trọng thêm một tình huống vốn đã tồn tại từ lâu trong hệ thống ngân hàng lớn nhất thế giới này.

Ông Zhang Shuaishuai, nhà phân tích tại công ty dịch vụ tài chính China International Capital Corp. (CICC) cho hay: "Người dân Trung Quốc từng nghĩ gửi tiền vào ngân hàng không gặp rủi ro nào, tuy nhiên quan niệm này đang thay đổi dù trong gần như tất cả các trường hợp gần đây, tài sản của họ vẫn được bảo vệ".

"Một khi tin đồn như hiện nay lan truyền, ngân hàng sẽ phải đối mặt với rủi ro thanh khoản ngay lập tức", ông Zhang nhấn mạnh.

Trụ đỡ cho thị trường tài chính Trung Quốc

Trong nhiều thập kỉ, hoạt động gửi tiền đã tạo ra một cơ sở vốn ổn định và chi phí thấp cho thị trường tài chính Trung Quốc, đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế lên hàng thứ hai thế giới.

Các hộ gia đình Trung Quốc đã gửi khoảng 90 nghìn tỉ nhân dân tệ (tương đương 13 nghìn tỉ USD) vào ngân hàng, nhiều hơn ở bất cứ nơi nào trên thế giới.

Theo Bloomberg, các cơ quan quản lí hiện không chỉ tìm cách  xoa dịu tâm lí lo lắng của người dân mà còn phải tăng cường bảo vệ tấm đệm vốn cho các ngân hàng. Sự việc ở Hồ Bắc diễn ra sau khi chính quyền địa phương khởi động một chương trình thí điểm nhằm hạn chế các giao dịch lớn trong tỉnh.

Chương trình này kéo dài hai năm và dự kiến sẽ được mở rộng đến hai tỉnh Chiết Giang và Thâm Quyến vào tháng 10 tới để mở rộng qui mô ra khoảng 70 triệu người. Chương trình yêu cầu các khách hàng lẻ phải báo trước các khoản rút tiền hoặc tiền gửi lớn từ 100.000 nhân dân tệ (tương đương 14.000 USD) đến 300.000 nhân dân tệ.

Nợ xấu gia tăng đáng lo ngại

Hôm 11/7, Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) đã một lần nữa cảnh báo rằng các nhà băng đang đối mặt với tình trạng nợ xấu gia tăng khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong 4 thập kỉ.

Tổ chức này cho biết mặc dù các biện pháp ngăn chặn như gia hạn nợ đã góp phần hạn chế mức tăng nợ xấu tức thì nhưng vấn đề cơ bản của các ngân hàng vẫn chưa được giải quyết. Đó là khâu quản lí còn yếu kém và khả năng thanh toán nợ của các cá nhân/doanh nghiệp ngày càng giảm.

CBIRC đã yêu cầu các ngân hàng Trung Quốc từ bỏ 1,5 nghìn tỉ nhân dân tệ lợi nhuận trong năm nay để hạ lãi suất cho vay, cắt giảm phí, hoãn trả nợ và cấp thêm các khoản vay không có bảo đảm cho doanh nghiệp nhỏ nhằm kích thích nền kinh tế.

Bắc Kinh hiện giám sát hơn 3.000 ngân hàng, phần lớn đều là các ngân hàng nhỏ ở nông thôn và không có nhiều cơ hội tiếp cận vốn. Trong một động thái chưa từng có, Trung Quốc đang lên kế hoạch cho phép chính quyền địa phương sử dụng khoảng 200 tỉ nhân dân tệ từ việc bán trái phiếu để giúp các ngân hàng nhỏ hơn bổ sung vốn.

Toàn ngành ngân hàng Trung Quốc có thể phải gánh thêm 8.000 tỉ nhân dân tệ nợ xấu trong năm nay, S&P Global ước tính. Theo một phân tích của UBS Group, các ngân hàng nhỏ của đất nước tỉ dân đang thiếu 349 tỉ USD vốn.

Trái phiếu doanh nghiệp cũng đang bị ảnh hưởng, từ đó gây thêm áp lực cho hệ thống ngân hàng. Theo Bloomberg, khoảng 80 tỉ nhân dân tệ trái phiếu Trung Quốc đã vỡ nợ trong và ngoài nước từ đầu năm đến nay, mức cao nhất trong ba năm.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Khả Nhân

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.