Người dân lại đổ ra đường: Ít ca mắc mới không có nghĩa đã an toàn
Virus chẳng chừa một ai
Trước thực tế hai ngày gần đây người dân Thủ đô đổ ra đường bất chấp chỉ thị cách ly xã hội của Thủ tướng, trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cố vấn cao cấp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quốc gia, cho rằng, người dân cần phải thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Thủ tướng về giãn cách xã hội.
Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này, ông Phu cho rằng có thể người dân chủ quan khi những ngày gần đây các ca mắc mới giảm, hoặc cũng có thể do chính quyền cấp cơ sở chưa làm chặt.
Tuy nhiên, về số ca mắc giảm, ông Phu cho rằng, thực tế không phải vậy. Dịch đang âm thầm và hoàn toàn có thể bùng lên. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, việc giãn cách xã hội rất quan trọng.
Vì khi có ca lây nhiễm trong cộng đồng, sẽ không biết ai là người đang nhiễm và không biết đâu là nguồn bệnh.
Đặc biệt là những sự giao lưu của những cộng đồng khác nhau, các nhóm khác nhau từ vùng này với vùng kia, từ chỗ này với chỗ kia… Ví dụ như trong một thành phố người phường này giao lưu với phường khác, quận khác … là rất nguy hiểm.
“Vì có thể đây đang là ổ dịch mà không biết có thể sẽ lây sang chỗ khác”, PGS. TS Trần Đắc Phu nhìn nhận.
Vì thế, theo ông Phu việc thực hiện giãn cách xã hội rất quan trọng, cần thực hiện nghiêm túc và phải tăng cường kiểm tra nhắc nhở chứ không thì rất nguy hiểm.
Bản chất của việc giãn cách xã hội là để người bệnh và người lành không tiếp xúc với nhau trong khoảng thời gian nhất định (tối thiểu 14 ngày).
Sau khoảng thời gian thực hiện hạn chế tiếp xúc giữa người lành với người bệnh thì mầm bệnh của đối tượng mắc bệnh không còn khả năng lan truyền, từ đó chúng ta sẽ giải quyết được việc dập dịch.
Giãn cách xã hội là biện pháp quan trọng trong phòng ngừa dịch bệnh lây lan rộng ra cộng đồng và phải được thực hiện nghiêm túc, triệt để ở tất cả các nơi.
Lấy ví dụ BN 243 là một điển hình. Bệnh nhân là người bán hoa, điều ấy cho thấy virus này chẳng chừa bất kể một ai, chừa loại người nào…
Tuy nhiên, ông Phu cho biết những ngày gần đây bắt đầu thấy người dân chở thịt lợn bằng xe máy (không phải bằng ô tô) từ phía ngoài vào những chợ cóc, chợ dân sinh trong thành phố bán.
“Như vậy rõ ràng là họ đi quận/huyện này sang địa phương khác hoặc từ phường này sang phường khác. Giả sử người đó mà bị thì lây hết cho những người mua hàng. Rất nguy hiểm.
Theo tôi, cần siết chặt hơn, không chỉ những cửa hàng ăn uống, đặc biệt những chợ dân sinh phải xem xét trong đó chú ý đến người đi lại vận chuyển hàng hóa”, ông Phu khuyến cáo.
Ít ca mắc mới không có nghĩa đã an toàn
Tỏ ra khá lo ngại về tâm lý có phần chủ quan của người dân khi đổ ra đường vì ít ca mắc mới, PGS. TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định, “ít ca mắc mới không có nghĩa là đã an toàn”.
“Vì có thể những người mang mầm bệnh đang di chuyển đâu đó và chưa được phát hiện. Nếu chúng ta không nghiêm túc thực hiện việc giãn cách xã hội thì nguy cơ lây nhiễm bất cứ lúc nào và có thể là nguồn lây cho người cao tuổi, người có bệnh lý nền”, ông Nga phân tích.
Lấy ví dụ Singapo vì không kiên quyết thực hiện nên số ca nhiễm đang tăng vọt, mỗi ngày hàng trăm ca nhiễm.
Do đó, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo, người dân vẫn cần hạn chế tối đa ra đường, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Thủ tướng về giãn cách xã hội, những khuyến cáo phòng dịch của Bộ Y tế và của các địa phương.
“Nếu người dân không tuân thủ việc cách ly xã hội thì nguy cơ bùng phát dịch rất lớn, công sức cả tuần đầu tiên cả nước thực hiện giãn cách xã hội mà ở đó là rất nhiều công sức của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đổ xuống sông xuống biển”, ông Nga cảnh báo.
Trước đó, tại buổi họp BCĐ phòng chống dịch Covid- 19 Thành phố Hà Nội vào chiều 8/4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng cho biết rất lo khi thấy người dân đổ ra đường trong 2 ngày gần đây.
“Người dân ra đường đông như thế này, có lẽ các giải pháp chống dịch sẽ không hiệu quả, vì chắc chắn trong cộng đồng còn có những ca nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng, biểu hiện gì mà vẫn có thể lây cho người khác”, người đứng đầu chính quyền thành phố nêu quan điểm.
Ông cho rằng, người dân “chủ quan quá”. Bởi theo người đứng đầu chính quyền Thành phố, những ngày qua Trung ương và thành phố đã nỗ lực rất nhiều để đưa ra các giải pháp nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh.
“Nhưng nếu không thực hiện nghiêm, triệt để các giải pháp này từ đầu đến cuối, chúng ta sẽ thất bại”, ông Chung chia sẻ.
Ông nhắc lại cảnh báo của nhiều chuyên gia trên thế giới, rằng chỉ cần 10% dân số không chấp hành các giải pháp chống dịch thì coi như kế hoạch của quốc gia bị phá vỡ.
Đặc biệt, ở Hà Nội, thống kê cho thấy có đến 1,7 triệu người già trên 60 tuổi và 2,2 triệu trẻ em từ cấp 1 đến cấp 3, nên lãnh đạo thành phố rất lo lắng về nguy cơ lây nhiễm. Và theo thực tế chứng minh, những ca nhiễm bệnh không có triệu chứng thường có thời gian ủ bệnh rất dài.
Do đó, Chủ tịch Hà Nội đề nghị người dân tiếp tục thực hiện nghiêm yêu cầu về cách ly xã hội, vì từ nay đến ngày 15/4 chỉ còn 6 ngày nữa, và 6 ngày đó là cơ hội, là thời gian vàng để kiểm soát dịch bệnh.
Lãnh đạo chính quyền thành phố mong người dân chia sẻ, đồng thuận thực hiện các giải pháp, không chủ quan, lơ là vì số ca nhiễm ít vài ngày gần đây chưa thể nói lên điều gì.
Nếu người dân tiếp tục chủ quan, đổ ra đường đông như hiện tại, chúng ta sẽ phải trả giá và nhận bài học “vỡ trận” như một số nước.