|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Người bị bệnh do COVID-19 một lần đã khỏi có bị lại bệnh này nữa không?

17:39 | 29/03/2020
Chia sẻ
Nếu cơ thể người từng nhiễm COVID-19 tạo được miễn dịch bền vững như virus sởi hoặc quai bị thì không bị lại, tuy nhiên điều này chưa thể khẳng định được vì còn quá sớm.

Người bị bệnh do COVID-19 một lần đã khỏi có bị lại bệnh này nữa không?

Có thể có hoặc không tùy theo từng điều kiện nhất định. Nếu cơ thể người từng nhiễm COVID-19 tạo được miễn dịch bền vững như virus sởi hoặc quai bị thì không bị lại; tuy nhiên điều này chưa thể khẳng định được vì còn quá sớm. 

Nếu miễn dịch không bền vững, trong giai đoạn đầu mới khỏi bệnh, lượng kháng thể đủ mạnh thì có thể không bị lại, nhưng đến giai đoạn sau, lượng kháng thể đặc hiệu mất dần đi thì vẫn có thể bị lại. 

Trong trường hợp này thì cần sử dụng vắc xin để khôi phục lại khả năng đề kháng chống virus. 

Có thể lấy huyết tương của người bị bệnh COVID-19 đã khỏi bệnh để chữa cho người đang bị bệnh hay không? 

Có. Vì trong huyết tương (thành phần dịch lỏng của máu) người bị bệnh đã khỏi có các kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh. Chính các kháng thể này là “vũ khí” giúp cơ thể người bệnh chống lại các tác nhân gây bệnh, góp phần giúp người đó khỏi bệnh. 

Truyền huyết tương (hoặc sản phẩm kháng thể tinh chế) của người bị bệnh đã khỏi cho người đang bị bệnh chính là truyền các yếu tố đã giúp người này khỏi bệnh sang cho người khác đang bị bệnh, tương tự như cung cấp “vũ khí” cho người ấy để đánh giặc. 

Phương pháp này đã được các bác sĩ Hồng Kông áp dụng với bệnh nhân SARS trước đây. Điều này đòi hỏi người khỏi bệnh phải thực sự khỏi bệnh (không còn virus trong người), xét nghiệm máu có kháng thể trung hòa được virus COVID-19 và người đó đủ sức khỏe có thể hiến máu tách huyết tương chứa kháng thể kháng COVID-19 để truyền cho bệnh nhân. 

Ngoài ra, còn phải xem xét các yếu tố khác, bao gồm cả hòa hợp nhóm máu ABO và các xét nghiệm an toàn truyền máu khác, để tránh các tai biến trong điều trị bằng huyết thanh. Thực tế hiện nay, các bác sĩ Trung Quốc cũng đang bắt đầu nghiên cứu thí điểm biện pháp này cho các bệnh nhân nặng. 

(Trích "100 CÂU HỎI - ĐÁP VỀ DỊCH BỆNH COVID-19" -- Học Viện Quân Y)