Ngóng chờ thưởng Tết năm COVID, nhiều doanh nghiệp phải 'cân não' trước bài toán chi phí
Người lao động ngóng chờ thưởng Tết
Còn gần hai tháng nữa là tới Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nếu như mọi năm nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch cụ thể về chế độ thưởng cho người lao động thì năm nay công việc này vẫn đang khá trầm lắng.
Anh Trịnh Ngọc Hoàng, công nhân một doanh nghiệp điện tử tại Đồng Nai, cho biết đợt dịch vừa qua khiến hai vợ chồng phải chắt chiu từng đồng. Do gia đình có con nhỏ nên hai vợ chồng phải chia nhau để vào doanh nghiệp làm việc theo quy định 3 tại chỗ. Do vậy, tổng thu nhập của cả gia đình chỉ 10 triệu đồng/tháng.
Trong khi nhiều người lao động lựa chọn phương án về quê để tránh dịch hay tính kế làm ăn khác thì anh Hoàng cho biết cố gắng bám trụ tại công ty để mong có thưởng Tết. "Biết là năm nay hoạt động của doanh nghiệp khá khó khăn nhưng tôi vẫn mong có được thưởng Tết để thêm chi phí chi tiêu, về quê ăn Tết", anh Hoàng cho biết.
Không chỉ anh Hoàng, nhiều lao động trong các ngành bị ảnh hưởng nặng nề như hàng không, du lịch, nhà hàng,... cũng không mấy lạc quan về khả năng thưởng Tết năm nay.
Nhân viên các hãng hàng không chỉ mong muốn được quay trở lại làm việc theo công suất như trước để có thu nhập ổn định chứ chưa nói đến việc thưởng. Còn về phía các doanh nghiệp trong ngành, với những con số lỗ hàng nghìn tỷ đồng hàng quý, việc chi thưởng cho nhân viên cũng là bài toán "cân não".
"Năm nay dịch bệnh tiếp tục giáng một đòn mạnh vào ngành hàng không, tiền thưởng chắc chắn sẽ không nhiều, nếu có cũng chỉ ở mức hỗ trợ cho nhân viên", nhân viên một hãng hàng không chia sẻ với Zing.
Bức tranh xám màu không diễn ra ở tất cả các ngành, với kết quả kinh doanh khả quan trong năm nhờ sự tăng trưởng mạnh của thị trường chứng khoán và các cơn sốt đất, nhân viên các lĩnh vực tài chính, chứng khoán, bất động sản,... có thể nghĩ về những mức thưởng tương xứng trong dịp cuối năm.
"Dù lỗ cũng cố gắng có thưởng Tết cho người lao động"
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, cho biết: "Nếu như bằng giờ năm trước, doanh nghiệp đã dự đoán được doanh thu, lợi nhuận. Nay, hết quý III, chúng tôi vẫn khá hoang mang do nhiều khó khăn còn đè nặng",
Công ty hiện đang sở hữu ba nhà máy chế biến thủy hải sản (hai nhà máy ở Đà Nẵng và một ở Tiền Giang) với tổng số lao động gần 3.000 công nhân.
Trước tình hình khó khăn hiện nay, ông Lĩnh cho biết Thuận Phước chưa lên kế hoạch về thưởng Tết Nguyên đán sắp tới. Tuy nhiên, trên cương vị Chủ tịch doanh nghiệp, ông khẳng định chắc chắn sẽ có thưởng nhưng nhiều hay ít tuỳ theo kết quả kinh doanh.
Ông Lĩnh chia sẻ chi phí sản xuất tốn kém đã "nuốt và ăn mòn" lợi nhuận doanh nghiệp. Đến giờ này, may doanh nghiệp không phá sản.
Chủ tịch Thuận Phước dự báo năm nay khả năng sẽ không có thưởng Tết rôm rả, song doanh nghiệp vẫn cố gắng có thưởng cho người lao động ít nhất 1 tháng lương cơ bản hoặc 1 tháng lương tổng thu nhập nếu kết quả kinh doanh trong quý IV khả quan hơn.
"Người lao động là tài sản quý giá của doanh nghiệp, họ đã cùng doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất nên dù có lỗ, hòa vốn thì chúng tôi cũng cố gắng để có chút ít động viên người lao động", ông Lĩnh cho biết.
Mọi năm, doanh nghiệp thủy sản Thuận Phước thưởng hai tháng lương tính theo tổng thu nhập cho người lao động, trung bình 14 triệu đồng/người.
Tuy vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng bi quan về con số này. Chia sẻ với người viết, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần May 10, nhìn nhận thời điểm này để nói về thưởng Tết bao nhiêu thì hơi sớm, con số còn có thể thay đổi tùy tình hình sản xuất, kinh doanh. Về phía doanh nghiệp, hiện May 10 đã có chương trình, kế hoạch về Thưởng Tết.
Ông Việt tiết lộ năm nay khả năng mỗi công nhân sẽ nhận được trung bình thưởng Tết là 1,5 tháng lương. "Thưởng Tết năm nay có thể bằng năm ngoái, chưa kể tổng thu nhập của người lao động sẽ tăng do tổng quỹ lương của May 10 tăng trên 8%", ông Việt nói.
Được biết hiện nay, May 10 có khoảng 12.000 lao động thuộc trên 18 nhà máy, xí nghiệp tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Bên cạnh mức thưởng Tết bằng tiền mặt, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp Khu Công nghiệp TP HCM (HBA), cho biết các doanh nghiêp trong khu đang cố gắng dể hỗ trợ công nhân chi phí mua vé để về quê ăn Tết.
"Năm nay, nhiều doanh nghiệp sử dụng quỹ công đoàn để hỗ trợ công nhân nên đến giờ quỹ không còn. Vì vậy để hỗ trợ vé tàu xe cho người lao động về quê ăn Tết, một số doanh nghiệp cho biết sẽ chi từ nguồn tài chính của doanh nghiệp hoặc theo cơ chế trong khu chế xuất, làm cùng chuỗi thì các doanh nghiệp lớn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, đưa công nhân về quê ăn Tết", Chủ tịch HBA nói.
Tại hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí mới đây, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho hay: "Qua nắm bắt thông tin rất nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực ở mức cao nhất, chia sẻ lợi nhuận, thậm chí chấp nhận cả việc chưa lãi hoặc lỗ để người lao động có một cái Tết cơ bản. Đây chính là động lực để người lao động gắn bó, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp", thông tin từ báo Người Lao động.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, thưởng Tết Nguyên đán năm 2021 bình quân gần bằng một tháng lương (6,36 triệu đồng/người), bằng 95% so với thưởng dịp Tết Nguyên đán 2020 (6,69 triệu đồng/người).
Trong đó, thưởng Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 cao nhất là 1,07 tỷ đồng cho một người quản lý tại Công ty TNHH Shinryo Việt Nam (doanh nghiệp dân doanh ở TPHCM) chuyên thiết kế, lắp đặt hệ thống dàn lạnh.
Năm nay, tình hình kinh tế khó khăn, nhiều khả năng mức thưởng Tết Nguyên đán 2022 sẽ thấp hơn so với năm 2021. Tuy nhiên, mức thưởng Tết cao hay thấp cũng còn phụ thuộc vào từng ngành, từng lĩnh vực. Những lĩnh vực ít chịu tác động bởi dịch bệnh, nhiều khả năng mức thưởng Tết không giảm, thậm chí còn tăng.