Ngoài ROS và SSI, FTSE và VNM ETF còn xả mã nào trong tuần (16 - 20/3)?
FTSE và VNM ETF cùng loại ROS khỏi danh mục trong đợt cơ cấu danh mục quí I
Kết thúc hai tuần giao dịch đầu tháng 3, hai quĩ ETF đã hoàn tất công bố kết quả cơ cấu danh mục quí I/2020. Theo đó, ngày 6/3, db x-trackers FTSE Vietnam UCITS ETF (FTSE ETF) công bố loại ROS của Xây dựng FLC Faros khỏi danh mục và không thêm mới cổ phiếu nào.
Gần đây nhất, ngày 13/3, VanEck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) cũng thông báo loại cổ phiếu ROS khỏi danh mục. Thay vào đó, cổ phiếu JAK (Jaks Resources BHD) của Malaysia được thêm mới trong đợt cơ cấu này. Các cổ phiếu còn lại được giữ nguyên không thay đổi.
Về cơ cấu các cổ phiếu trong danh mục của VNM ETF, mặc dù số lượng cổ phiếu không thay đổi, tổng tỉ trọng cổ phiếu Việt Nam giảm từ 70,96% xuống còn 68,53%.
Sau khi hoàn tất công bố kết quả cơ cấu danh mục quí I/2020, trong tuần 16 - 20/3, hai quĩ ETF sẽ thực hiện giao dịch cơ cấu danh mục đầu tư, tập trung trong phiên thứ Sáu (20/3).
Các quĩ ETF mua bán ra sao?
Dựa trên dữ liệu cập nhật vào cuối phiên 13/3, dự kiến giao dịch dựa trên giá đóng cửa cuối tuần trước của hai quĩ ETF được thể hiện. Theo đó, VNM ETF dự kiến bán ròng gần 11,3 tỉ đồng trong đợt cơ cấu này, tương ứng khối lượng gần 25,5 triệu đơn vị. Cùng với đó, FTSE ETF cũng "xả" hơn 2,7 triệu đơn vị trong đợt này.
Với việc bị cả hai ETF loại ra khỏi danh mục, cổ phiếu ROS sẽ bị bán ra hơn 19,9 triệu đơn vị, trong đó VNM ETF (16,7 triệu cp) và FTSE ETF (3,2 triệu cp).
Theo sau đó, cổ phiếu SSI của Chứng khoán SSI cũng bị hai quĩ ETF bán ra khoảng 8,35 triệu đơn vị, gồm VNM ETF (449.996 cp) và FTSE ETF (7,9 triệu cp). Chịu áp lực bán ra với giá trị hàng triệu đơn vị còn có mã POW (2,5 triệu cp) và SBT (gần 4,5 triệu cp).
Nhóm các cổ phiếu bị bán ròng trong đợt cơ cấu này còn có VIC (548.008 cp), VCB (699.287 cp), PDR (553.338 cp), NVL (492.819 cp), GEX (381.535). Các mã khác bị bán ròng nhẹ như VNM, VJC và STB.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát dẫn đầu về khối lượng mua ròng với gần 6,1 triệu đơn vị, tương ứng giá trị khoảng 120 tỉ đồng. Cổ phiếu TCH cũng được mua vào với giá trị 1,54 triệu cp.
Đối lập với VIC, hai mã VHM của Vinhomes và VRE của Vincom Retail dự kiến mua ròng lần lượt 99.659 cp và 712.681 cp. Cùng chiều mua vào, hai quĩ ETF sẽ mua ròng các mã với giá trị dưới 500.000 đơn vị như MSN (472.085 cp), KBC (470.085 cp), PVD (468.091 cp), PLX (226.099 cp) và BVH (205.896 cp).
VNM ETF rút ròng mạnh trước tuần giao dịch cơ cấu danh mục quí I
Được biết, trước tuần hai quĩ ETF trên cơ cấu danh mục đầu tư, các quĩ ETF trên thị trường đã rút ròng gần 9 triệu USD trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong tuần 9 - 13/3. Giá trị rút ròng của ETF trên TTCK Việt Nam cao hơn so với thị trường Indonesia (6 triệu USD), Phlippines (8 triệu USD).
Hai quĩ ETF rút ròng mạnh nhất trong tuần qua là VNM ETF và ETF nội E1VFVN30. Được biết, tuần 9 - 13/3, VNM ETF giảm qui mô 8,53 triệu USD. Lũy kế kể từ đầu năm đến ngày 13/3, ETF này rút ròng khoảng 10,41 triệu USD khỏi TTCK Việt Nam.
Cùng xu hướng với VNM ETF, FTSE ETF cũng giảm qui mô trên thị trường chứng khoán Việt Nam 10,19 triệu USD. Tính đến ngày 13/3, qui mô của FTSE ETF là 8,47 triệu chứng chỉ quĩ, tương ứng giá trị tài sản ròng 187,54 triệu EUR.
Mặc dù rút ròng nhẹ tuần qua, ETF nội E1VFVN30 dẫn đầu về giá trị mua ròng kể từ đầu năm. Cụ thể, qui mô quĩ này tăng thêm 18,51 triệu USD tính đến đầu năm. Hai ETF là KIM và Premina MSCI Vietnam ETF tăng qui mô thêm 4,5 triệu USD và 1,66 triệu cp tính đến ngày 13/3.
Trong tuần này, ngày 18/3, thị trường chứng khoán Việt Nam đón thêm một ETF mới là ETF SSIAM VNFin Lead do Công ty TNHH Quản lý Qũy SSI (SSIAM) quản lí.
Đây là quĩ ETF được thành lập dựa trên bộ chỉ số cổ phiếu ngành tài chính Vietnam Leading Financial Index (VNFin Lead). SSIAM cho biết, trong giai đoạn IPO, quĩ SSIAM VNFin Lead ETF đã huy động được 262 tỉ đồng.