|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ngoài ra Warren Buffett, đâu là 5 nhà đầu tư giá trị cực kỳ thành công trên thế giới?

09:00 | 23/01/2023
Chia sẻ
Warren Buffett không phải nhà đầu tư giá trị duy nhất được thị trường chứng khoán công nhận. Không ít nhà đầu tư khác đã xây dựng được gia tài lớn nhờ trung thành với chiến lược lựa chọn các cổ phiếu có giá thị trường thấp hơn giá trị nội tại.

Monish Pabrai gặp mặt Warren Buffett. (Ảnh: investingwhisperer). 

Khái niệm cốt lõi của triết lý đầu tư giá trị rất đơn giản: nhà đầu tư có thể thu được lợi nhuận khổng lồ bằng cách mua những cổ phiếu được giao dịch với giá thấp hơn hẳn giá trị nội tại. 

Nhà đầu tư giá trị nổi tiếng nhất là Warren Buffett, vị tỷ phú giàu thứ 5 trên thế giới với khối tài sản hơn 110 tỷ USD. Tuy nhiên, ông không phải người duy nhất thành công nhờ cách tiếp cận này.

Dưới đây là 5 nhà đầu tư giá trị khác đã đánh bại được thị trường năm này qua năm khác, theo tổng hợp của Investopedia: 

1. Michael Lee-Chin

Sinh năm 1951, Michael Lee-Chin là một trong những tỷ phú đóng góp cho từ thiện nhiều nhất của Canada. Ban đầu, ông theo học ngành kỹ thuật nhưng đến năm 26 tuổi thì bước chân vào thế giới tài chính.

Công việc tài chính đầu tiên của ông là nhân viên kinh doanh của quỹ tương hỗ. Hàng ngày, ông gõ cửa từng nhà để thuyết phục các hộ gia đình mua chứng chỉ quỹ. Dần dần, ông trở nên say mê với ý tưởng khám phá ra công thức bất biến để làm giàu cho chính mình và khách hàng.

Lee-Chin đã tìm ra công thức đó và hệ thống hóa nó thành 5 đặc điểm chung của các nhà đầu tư giàu có:

1. Sở hữu danh mục đầu tư tập trung gồm các doanh nghiệp chất lượng cao.

2. Hiểu mọi doanh nghiệp trong danh mục.

3. Sử dụng tiền của người khác một cách thận trọng để tạo ra của cải cho mình.

4. Chắc chắn rằng mọi doanh nghiệp trong danh mục thuộc những ngành có tốc độ tăng trưởng mạnh và lâu dài.

5. Nắm giữ cổ phiếu trong dài hạn.

Sau khi nắm được công thức trên, Lee-Chin vay 500.000 USD và đầu tư vào một công ty duy nhất. Sau 4 năm, giá trị số cổ phiếu đó tăng 7 lần.

Ông thanh lý khoản đầu tư và sử dụng tiền lời để mua một công ty quỹ tương hỗ nhỏ có số tài sản đang quản lý trị giá 800.000 USD. Ông đã tăng quy mô của công ty lên 15 tỷ USD rồi bán lại cho Manulife Financial.

Châm ngôn của Lee-Chin là “mua, nắm giữ và phát đạt”. Tính đến tháng 1/2023, giá trị tài sản ròng của ông là 1,6 tỷ USD, theo Forbes.

2. David Abrams

David Abrams đã xây dựng được quỹ đầu cơ quản lý hơn 10 tỷ USD tài sản mà hầu như không cần phải tiếp thị hay tổ chức các buổi gây quỹ. Ông thành lập Abrams Capital Management vào năm 1999 và tạo ra tỷ suất sinh lời ròng hàng năm lên đến 15% trong 15 năm đầu tiên, đánh bại hầu hết các nhà quản lý quỹ khác.

Quỹ của ông không dùng đòn bẩy - tức không vay nợ - và nắm giữ rất nhiều tiền mặt. Tính đến quý III/2022, Abrams Capital sở hữu danh mục đầu tư trị giá hơn 3,4 tỷ USD.

Gần 84% tỷ trọng của danh mục được phân bổ vào 10 cổ phiếu, bao gồm công ty mẹ của Google là Alphabet, công ty công nghệ chăm sóc sức khỏe Change Healthcare và nhà sản xuất hàng không vũ trụ TransDigm Group, tờ Yahoo Finance cho biết.

3. Mohnish Pabrai

Monish Pabrai là tín đồ trung thành của phương pháp đầu tư giá trị. Theo tờ Forbes, Pabrai “nhắm đến việc nhân 5 số tiền bỏ ra trong vài năm. Ông sẽ không đầu tư nếu không thấy rằng cơ hội đã quá rõ ràng”.

Sau khi bán công ty IT của mình lấy 6 triệu USD vào năm 2000, ông thành lập Pabrai Investment Funds, công ty đầu tư được xây dựng theo hình mẫu Berkshire Hathaway của Warren Buffett. Năm 2018, ông chi hơn 650.000 USD để ăn trưa cùng thần tượng.

Phương pháp “đúng thì lãi lớn, sai không lỗ nhiều” trong đầu tư đã giúp Pabrai trở nên thành công. Danh mục đầu tư của ông tập trung vào cổ phiếu Ấn Độ và thị trường mới nổi. Ông không tìm thấy nhiều cổ phiếu bị định giá thấp trên thị trường Mỹ.

Nếu một người đầu tư 100.000 USD vào tháng 7/1999 cho Prabai thì số tiền đó đã biến thành 1,8 triệu USD vào tháng 3/2018.

Tính đến tháng 4/2022, Pabrai Investment Funds đang quản lý hơn 700 triệu USD tài sản của khách hàng.

4. Allan Mecham

Allan Mecham khác hẳn với những nhà quản lý quỹ đầu cơ thông thường. Ông bỏ dở đại học giữa chừng và sống gần thành phố Salt Lake ở bang Utah, cách xa Phố Wall. Sau này, Mecham đã thành lập Arlington Value Capital Management.

Tháng 3/2017, Mecham báo cáo quỹ AVM Ranger kết năm 2016 với tỷ suất lợi nhuận 29,1% (trước phí), vượt trội hơn hẳn lợi nhuận chỉ số S&P 500 tạo ra là 12%. Trong 8,5 năm, quỹ đạt được tỷ suất sinh lời kép hàng năm 30,7%.

Ghi nhận đến tháng 3/2020, Mecham đang quản lý khoảng 1,2 tỷ USD tài sản cho khách hàng. Ông vận dụng chiến lược đầu tư giá trị, mỗi năm chỉ thực hiện khoảng một, hai giao dịch.

Ông nắm giữ từ 6 đến 12 cổ phiếu trong danh mục đầu tư và dành hầu hết thời gian để đọc báo cáo tài chính hàng năm của doanh nghiệp. Khoản đầu tư lớn của ông là Berkshire Hathaway. Cổ phiếu này chiếm 33% tỷ trọng trong danh mục Arlington Value.

Sau này, Mecham đã đóng cửa Arlington Value vì lý do sức khỏe. Tài sản của công ty được quản lý bởi Brave Warrior Advisors.

5. Tom Gayner

Tom Gayner là đồng CEO của Markel Corporation, công ty tái bảo hiểm (reinsurance business) có mô hình kinh doanh tương tự Berkshire Hathaway.

Gayner phụ trách các hoạt động đầu tư của Markel, bao gồm việc quản lý nguồn tiền mặt tự do (float). Nguồn tiền này đến từ phí bảo hiểm của khách hàng và Markel giữ chúng cho đến khi khách hàng gửi yêu cầu thanh toán và được chấp thuận.

Sau 56 năm hoạt động với tư cách là công ty tư nhân, Markel lên sàn chứng khoán vào năm 1986. Gayner gia nhập công ty vào năm 1990 sau khi làm việc tại PwC.

Năm 1986, tổng doanh thu hoạt động của Markel chỉ là 33,3 triệu USD, tổng tài sản là 57 triệu USD. Đến năm 2020, các chỉ tiêu này đã nhảy vọt lên 9,7 tỷ USD và 42 tỷ USD. Tính đến cuối năm 2020, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) trong 20 năm qua đối với giá trị sổ sách của Markel là 11%.

Chiến lược của Gayner là phân bổ vốn vào một danh mục đa dạng gồm nhiều doanh nghiệp bị thị trường định giá thấp. Ông quan tâm trước hết đến những công ty có đội ngũ quản lý tốt, ưa thích những cổ phiếu vốn hóa lớn có hoạt động trên toàn cầu.

Giang

[LIVE] ĐHĐCĐ Nam Long: Doanh số quý I ước đạt 1.160 tỷ đồng, có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm trong ba năm tới
HĐQT Nam Long định hướng phát triển trong năm 2024 tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và hợp với nhu cầu thị trường, mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm với doanh số kỳ vọng đạt 9.554 tỷ đồng.