|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngoài chạm đáy 17 năm, xuất khẩu dầu thô của Venezuela còn bị bóp nghẹt bởi lệnh trừng phạt của Mỹ

19:04 | 04/06/2020
Chia sẻ
Trong tháng 5, xuất khẩu dầu thô của Venezuela đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất kể từ năm 2003 khi các lệnh trừng phạt của Mỹ bóp nghẹt hoạt động xuất khẩu và hai công ty Mexico đóng vai trò trung gian cho việc bán dầu thô của nước này cũng ngừng nhận dầu.
Ngoài chạm đáy 17 năm, xuất khẩu dầu thô của Venezuela còn bị bóp nghẹt bởi lệnh trừng phạt của Mỹ - Ảnh 1.

Công nhân đi gần một giàn khoan do công ty năng lượng nhà nước Venezuela PDVSA điều hành. (Ảnh: Reuters)

Theo Reuters, Washington đã áp các lệnh trừng phạt đối với Venezuela nhằm cắt giảm doanh thu từ dầu mỏ của Tổng thống Nicolas Maduro cũng như để kìm hãm quyền lực của nhà lãnh đạo này.

Theo đó, các lệnh trừng phạt của chính quyền ông Trump đã khiến hoạt động xuất khẩu dầu thô của Venezuela sa sút đáng kể và đẩy đất nước Mỹ Latin chìm sâu vào khủng hoảng kinh tế. Dù vậy, ông Maduro vẫn còn nắm quyền.

Theo dữ liệu của Refinitiv Eikon và tài liệu của PDVSA, công ty năng lượng nhà nước Venezuela và liên doanh đã xuất khẩu khoảng 451.935 thùng dầu/ngày và 18 lô hàng vào tháng trước - mức thấp nhất kể từ khi cuộc đình công năm 2003 làm tê liệt nền kinh tế và hạn chế xuất khẩu dầu mỏ trong giai đoạn 12/2002 - 1/2003.

Khối lượng dầu thô xuất khẩu trong tháng 5 vừa qua giảm 50% so với mức trung bình giai đoạn tháng 1 - 4/2020. Kế hoạch tháng 6 của PDVSA không thay đổi nhiều so với tháng 5, cho đến nay chỉ có ba lô dầu đã chỉ định giao cho khách hàng và ba lô khác đang đợi chỉ định.

PDVSA hiện không phản hồi yêu cầu bình luận của Reuters.

Từ cuối năm 2019, công ty Libre Abordo (có trụ sở tại Mexico) và tập đoàn Schlager Business Group đã ném cho chính quyền ông Maduro một chiếc pháo cứu sinh bằng cách đưa dầu thô Venezuela ra thị trường thông qua thỏa thuận trao đổi khoảng 30 triệu thùng dầu lấy lương thực. Các cơ quan quản lí của Mỹ đang theo dõi sát sao thỏa thuận này.

Vào ngày 31/5, Libre Abordo thông báo công ty đã phá sản và Tổng thống Venezuela đã chấm dứt thỏa thuận đổi dầu lấy lương thực. Hai công ty Mexico này đều phát đi thông báo rằng họ đang bị kéo vào một âm mưu chính trị quốc tế do chính phủ Mỹ dẫn đầu.

Dưới ảnh hưởng của chiến dịch trên, Libro Abordo và Schlager Business Group đã thua lỗ hơn 90 triệu USD và chính phủ Venezuela cũng tạm ngừng xuất khẩu dầu thô sang hai công ty này.

Hai công ty Mexico nhận được hơn 1/4 lượng dầu thô xuất khẩu của Venezuela trong tháng 5, đạt tổng cộng 3,9 triệu thùng nhưng giảm gần 40% (tương đương 9,9 triệu thùng) so với tháng 4.

Hôm 2/6, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ đã bổ sung 4 tàu biển thuê nguyên chuyến (chartered) do Libre Abordo, Schlager Business Group và Rosneft (Nga) thuê để vận chuyển dầu thô Venezuela vào danh sách các đơn vị bị trừng phạt theo luật pháp Mỹ.

Trong tuần này, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Venezuela Jorge Arreaza lên tiếng cáo buộc Washington vi phạm nhân quyền và tự do thương mại. Theo đó, ông Arreaza cho hay việc Mỹ gây sức ép lên các công ty Mexico là bằng chứng cho thấy hệ thống trừng phạt "bất hợp pháp" của Mỹ.

Hai công ty Mexico nêu trên đã phải tiếp nhận phần lớn lượng dầu thô xuất khẩu của Venezuela sau khi hai công ty con của Rosneft rút khỏi thỏa thuận làm trung gian xuất khẩu dầu cho quốc gia Nam Mỹ này.

Rosneft đã tiếp nhận các lô dầu thô của Venezuela như khoản thanh toán cho khối nợ hàng tỉ USD của chính quyền ông Maduro với chính phủ Nga, tuy nhiên công ty này đã ngừng giao dịch với PDVSA sau khi Mỹ siết chặt lệnh trừng phạt.

Theo Reuters, Venezuela nhiều khả năng sẽ khá chật vật để tăng xuất khẩu dầu thô nếu họ không thể tìm được các công ty trung gian để hỗ trợ hoạt động bán dầu. 

Trong tháng 5, tồn kho dầu thô của Venezuela tăng 2,3 triệu thùng lên 38,2 triệu thùng khi xuất khẩu giảm, theo dữ liệu của Kpler.

Nhu cầu năng lượng trên toàn cầu đang dần phục hồi khi các nước tiến tới nới lỏng lệnh phong tỏa. 

Tuy nhiên, thị trường vẫn còn dư cung nên các nhà máy lọc dầu đang có khá nhiều lựa chọn, không nhất thiết phải thực hiện các giao dịch phức tạp để nhập khẩu dầu từ một nước đang bị chính phủ Mỹ trừng phạt như Venezuela.

Khả Nhân

Sếp Vicem Hà Tiên: Giá bán xi măng vào sân bay Long Thành 'rất chua chát'
Lãnh đạo công ty cho biết thường cung cấp 50-100% sản lượng xi măng ở các dự án lớn phía Nam, theo đó kỳ bạn cung cấp ít nhất gần nửa triệu tấn cho siêu dự án này dù giá biên lợi nhuận không cao.