|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nghịch lý tiêu thụ nông sản: 'Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra'

14:39 | 14/09/2021
Chia sẻ
Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 khiến chuỗi cung ứng nông sản đứt gãy, hàng hóa lâm vào cảnh "người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra", nguồn cung từ các tỉnh tồn đọng giá rẻ trong khi người dân TP HCM thiếu hàng, phải mua giá cao.

Nông sản ùn ứ, doanh nghiệp sản xuất mệt mỏi vì 3 tại chỗ

Theo Tổ công tác 970 (Bộ NN&PTNT) thời gian qua có nhiều địa phương bị ùn ứ nông sản, hoặc khi doanh nghiệp đặt đơn hàng về thì địa phương không thu gom đủ số lượng để giao. Điển hình như ở Bình Dương hiện dư thừa khoảng 80 tấn dưa lưới, 70 tấn chuối và 2 triệu quả trứng… 

Tương tự tỉnh Đồng Nai đang tồn đọng 200 tấn cam, quýt, 800 tấn củ đậu; rau củ quả dư khoảng 1.000 tấn; gà lông trắng dư thừa 200 nghìn con, 1.000 tấn thủy sản, trong đó có 800 tấn cá nước ngọt, 200 tấn tôm, theo Vietnamnet.

Chia sẻ trong tọa đàm "Kết nối cung - cầu nông - thủy sản giữa các tỉnh, thành ĐBSCL và TP HCM", ông Nguyễn Phước Thiện, Sở NN&PTNT Đồng Tháp cho biết các doanh nghiệp phản ánh việc vận chuyển, lưu thông giữa các tỉnh ĐBSCL vẫn còn khó khăn, nhiều chuyến hàng mất 3 – 5 ngày mới có thể giao nhận. Điều này rất thiệt thòi cho doanh nghiệp.

Do đó, để sớm khôi phục sản xuất thì cần có sự thống nhất quan điểm liên kết giữa các tỉnh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp từ tỉnh này qua tỉnh khác thu hoạch, không phải mất thời gian xin phép lại từ đầu bởi nông sản thì chỉ cần thu hoạch chậm nửa ngày hoặc một ngày là chất lượng đã khác.

Ông Thiện cũng cho rằng: "3 tại chỗ" đang cho thấy những điểm bất cập và chỉ là giải pháp tạm thời bởi nhiều doanh nghiệp đang đuối sức vì phải chi trung bình 3,5 – 3,8 triệu đồng/công nhân.

Nếu tiếp tục thực hiện 3 tại chỗ thêm 2-4 tuần nữa, một số doanh nghiệp khó có thể cầm cự và rơi vào phá sản".

Do đó, "3 tại chỗ" hay "4 tại chỗ" không thể kéo dài. Đại diện Sở NN&PTNT Đồng Tháp đề nghị ngành y tế đưa ra định hướng dịch tễ cho doanh nghiệp có công nhân được tiêm mũi 1, mũi 2 để có cơ sở mở rộng sản xuất, từng bước tháo gỡ khó khăn.

Đồng quan điểm, bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Long An cho biết trong tuần đầu thực hiện Chỉ thị 16, Sở tiếp nhận 300 cuộc gọi đề nghị tháo gỡ khó khăn mỗi ngày. Đặc biệt là vấn đề ở các nhà máy, cơ sở giết mổ "3 tại chỗ".

Trước đó, toàn tỉnh có khoảng 42 cơ sở giết mổ, mỗi ngày cung cấp ra thị trường khoảng 40.000 con heo và 60.000 con gia cầm.

Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở giết mổ trong địa bàn tỉnh phải tạm đóng cửa vì không đáp ứng được yêu cầu 3 tại chỗ, chỉ có 3 nhà máy lớn của Vissan, San Hà và Ba Huân hoạt động nhưng cũng khó khăn.

"Do đó, cần xem xét, đánh giá lại phương án 3 tại chỗ cho cơ sở giết mổ vì tại một địa điểm mà vừa nuôi nhốt, giết mổ vừa đưa con người vào thì không bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn con người cũng như vấn đề môi trường.

Hiện, Long An đã tiêm vắc xin mũi 1 đạt gần 100% người dân. Vì vậy, có nên chăng áp dụng thẻ xanh, vàng… để doanh nghiệp bắt tay khôi phục sản xuất? Nếu không, việc kéo dài giãn cách sẽ khiến doanh nghiệp rất mệt mỏi", bà Khanh nói.

Doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ "khát" hàng hóa

Trong khi nhiều tỉnh, thành khu vực phía Nam đang dư thừa lượng lớn hàng hoá, đặc biệt là nông thuỷ sản thì một số doanh nghiệp phân phối lại đang gặp tình trạng thiếu hụt hàng.

Bà Trần Kim Nga, Giám đốc đối ngoại Công ty MM Mega Market Việt Nam cho biết hệ thống siêu thị MM Mega Market đang thiếu một số mặt hàng nông sản, thuỷ sản tươi lẫn chế biến đông lạnh, thực phẩm khô.

"Về hàng đông lạnh, chúng tôi ký hợp đồng với các nhà máy chế biến thực phẩm ở ĐBSCL nhưng vì doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" nên năng suất giảm mạnh, chủ yếu trả nợ các đơn hàng xuất khẩu đang tồn đọng khiến siêu thị thiếu hàng trầm trọng", bà Nga nói.

Bên cạnh đó, ĐBSCL là vựa cung cấp nông thuỷ sản tươi sống cho TP HCM và cả nước nhưng hiện nay nông dân có xu hướng sản xuất cầm chừng, không đầu tư nuôi trồng nên lượng hàng tươi sống về siêu thị cũng ít.

Ngay cả những nhà máy sản xuất đồ hộp, đồ khô cũng gặp sự cố, phải tạm ngừng sản xuất để chống dịch nên hàng hoá cung úng bị gián đoạn.

"Dù bộ phận mua hàng của siêu thị thường xuyên làm việc với các nhà cung cấp khác hối thúc giao hàng nhưng trong bối cảnh khó khăn chung, lượng hàng cung cấp cho hệ thống không được đầy đủ", bà Nga nói.

Tương tự, ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc kinh doanh Saigon Co.op cho biết  trong 3 tháng vừa qua, nguồn cung cá, thủy sản khá lớn. Saigon Co.op cũng đồng hành cùng nông dân, cho xe xuống thu mua 500 tấn cá mỗi tháng.

Tuy nhiên, việc đưa sản phẩm thủy sản vào siêu thị phải thông qua các nhà máy sơ chế, giết mổ. Nhưng hầu hết các cơ sở đều đóng cửa, doanh nghiệp muốn hỗ trợ tiêu thụ nhưng lực bất tòng tâm. Nhờ sự hỗ trợ của địa phương và các nhà máy lớn, khâu sơ chế được tháo gỡ.

Ông Huy cũng phản ánh rằng hiện người tiêu dùng khắt khe về vấn đề chất lượng thủy sản, song Saigon Co.op kiểm tra thì vẫn có nhiều vùng tồn dư kháng sinh, nguồn nước ô nhiễm.

Đại diện Saigon Co.op đề xuất các địa phương tăng cường quản lý vấn đề nuôi trồng thủy sản để tiến tới chất lượng Global GAP và xuất khẩu.

Nối lại chuỗi cung ứng

Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 khiến chuỗi cung ứng nông sản đứt gãy, hàng hóa lâm vào cảnh "người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra", nguồn cung từ các tỉnh tồn đọng giá rẻ trong khi người dân TP HCM thiếu hàng, phải mua giá cao.

Nguyên nhân tạo ra nghịch lý này do TP HCM, đầu mối tiêu thụ nông sản lớn nhất cả nước thực hiện giãn cách triệt để, thay đổi hoàn toàn phương thức cung ứng thực phẩm truyền thống bằng hình thức đi chợ hộ.

Bên cạnh đó, hệ thống 234 chợ truyền thống chỉ còn 9 chợ hoạt động, tập trung ở huyện Cần Giờ. Hệ thống phân phối hiện đại chưa đáp ứng kịp.

Trước thực trạng này, ông Nguyễn Nguyên Phương giữ chức Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM cho rằng cần thực hiện TP sẽ tiếp tục triển khai kết nối với các hệ thống phân phối để có đánh giá, so sánh, tổng hợp nhu cầu thị trường, giá cả năng lực để có thể kết nối thu mua.

Bên cạnh đó, TP cũng đã cho phép sàn thương mại điện tử, shipper được hoạt động trở lại, lưu thông liên quận tạo điều kiện để người dân tiếp cận hàng hóa, giải quyết đầu ra cho người dân địa phương. Đồng thời, triển khai hình thức bán hàng lưu động, gói combo đến từng tổ dân phố.

Cùng đó, TP sẽ nhanh chóng tổ chức lại hệ thống phân phối truyền thống. 7 ngày thí điểm tại Bình Điền cho thấy lượng hàng tăng lên từng ngày, nếu ngày đầu tiên hàng hóa chỉ đạt 28 tấn thì đêm qua đạt hơn 100 tấn.

Những tín hiệu tích cực ở chợ Bình Điền là cơ sở để TP tiếp tục mở lại chợ đầu mối Hooc Môn, Thủ Đức và các chợ dân sinh.

Cũng nói về việc kết nối cung ứng, bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng, Vụ thị trường trong nước nhận định giai đoạn khó khăn nhất trong việc cung ứng hàng hoá cho TP HCM và ĐBSCL đã qua.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ kết nối, tiêu thụ hàng hoá thông qua các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, đa dạng hình thức phân phối…

Trong đó, sẽ đưa vào vận hành sàn giao dịch ảo để tạo thêm kênh xúc tiến, bán hàng cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Hoàng Anh