|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Nghịch lí trên thị trường BĐS: Giá nhà vượt quá khả năng chi trả của số đông người dân

07:02 | 14/10/2020
Chia sẻ
Bộ Xây dựng cho rằng, giá cả hàng hóa bất động sản, nhất là giá nhà ở chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân.

Nguồn cung nhà ở sụt giảm

Trong báo cáo vừa được gửi tới Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, thị trường bất động sản (BĐS) năm 2019 và 6 tháng đầu năm có xu hướng giảm. 

Trong đó, lượng giao dịch giảm hơn 40% so với năm 2018. Nguồn cung dự án BĐS giảm 10% so với năm 2018. Đặc biệt, trong những tháng cuối năm 2019 (giai đoạn quí III, quí IV/2019), một số chỉ tiêu giảm mạnh so với cùng kì các năm trước (lượng giao dịch bất động sản giảm hơn 70%, nguồn cung mới giảm hơn 40%).

Nghịch lí trên thị trường BĐS: Giá nhà không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân  - Ảnh 1.

Thị trường BĐS hiện chưa có biểu hiện cực đoan như đóng băng hay phát triển nóng. (Ảnh: Hạ Vũ)

Từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp tới nhiều ngành, lĩnh vực trong đó có thị trường BĐS. Tuy nhiên, về cơ bản thị trường không bị ảnh hưởng quá nghiêm trọng, các tác động chỉ mang tính chất cục bộ ở một số yếu tố và một số doanh nghiệp.

"Hiện nay, thị trường BĐS đã cho thấy các tín hiệu phục hồi và phát triển lạc quan nếu Việt Nam kiểm soát được dịch COVID-19, không để lan rộng và kéo dài. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS đã tái khởi động hoạt động kinh doanh với những chiến lược và kế hoạch kinh doanh mới phù hợp với thị trường", Bộ Xây dựng cho hay.

Đến 6 tháng đầu năm 2020, theo báo cáo, nguồn cung nhà ở tăng nhưng vẫn còn hạn chế và giảm khoảng 5,8% so với cùng kì năm trước. Nguồn cung nhà ở trung cao cấp dư thừa trong khi rất thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp. 

Nhu cầu nhà ở của người dân thuộc phân khúc trung, cao cấp (giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên) chỉ chiếm khoảng từ 20% - 30% thị trường tùy từng địa phương, đô thị cụ thể và tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn; nhu cầu phân khúc nhà ở bình dân, giá thấp (dưới 25 triệu đồng/m2) chiếm đến 70% - 80% thị trường nhưng nguồn cung hiện nay lại đang thiếu.

Giá BĐS trên thị trường không có xu hướng giảm mà vẫn tăng so với cuối năm 2019. Trong đó, tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng 0,16%, giá nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,01% so với cùng kỳ năm 2019. Tại TP HCM, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,25%, nhà ở riêng lẻ tăng khoảng 0,15% so với cùng kì năm 2019.

Giá nhà không phản ánh đúng giá trị thực 

Theo Bộ Xây dựng, nguồn cung bất động sản, đặc biệt là nhà ở tại Hà Nội và TP HCM dù đã được điều chỉnh theo hướng tích cực nhưng vẫn còn chưa phù hợp với nhu cầu thị trường.

“Thị trường dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, nhưng lại thiếu sản phẩm nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị”, báo cáo nêu rõ.

Đáng lưu ý, Bộ Xây dựng cho rằng, giá cả hàng hóa BĐS, nhất là giá nhà ở chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của BĐS, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân. Cách đánh giá chung hiện nay giá nhà ở là hợp lí nếu lợi nhuận cho thuê đạt xấp xỉ lãi suất tiền gửi ngân hàng.

Trong khi đó, giới đầu cơ BĐS vẫn hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị qui hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị,... để đẩy giá lên cao thu lợi bất chính làm bất ổn thị trường.

Ngoài ra, hệ thống thông tin về thị trường BĐS hiện chưa đầy đủ và đồng bộ để đáp ứng nhu cầu công tác quản lí nhà nước từ trung ương tới địa phương. Việc kiểm soát thị trường BĐS của các cơ quan nhà nước chưa hiệu quả,...

Bộ Xây dựng dự báo, trong ngắn hạn thị trường có thể tiếp tục gặp một số khó khăn nhất định do tác động của đại dịch. Tuy nhiên, về dài hạn, các doanh nghiệp BĐS vẫn thấy được tiềm năng và tín hiệu lạc quan từ thị trường, đặc biệt là phân khúc BĐS công nghiệp. 

Còn với các dự án nhà ở, phân khúc đất nền là phân khúc ít chịu tác động của đại dịch khiến đất nền là kênh đầu tư an toàn.

"Các yếu tố vĩ mô cũng như các chỉ số cụ thể của thị trường cho thấy hiện nay, thị trường BĐS chưa có biểu hiện cực đoan như đóng băng hay phát triển nóng”, Bộ Xây dựng đánh giá.

Hà Lê