|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nghề shipper ngày càng khó kiếm tiền

11:19 | 06/12/2023
Chia sẻ
Không chỉ tại Việt Nam, ở cả Singapore và Indonesia, các shipper đang chật vật kiếm từng bạc lẻ vì cung cầu không khớp.

Lĩnh vực giao hàng đã mang đến cơ hội cho những người đang tìm kiếm công việc linh động thời gian, hay cho những sinh viên đang muốn làm thêm và cả những lao động tay nghề thấp.

Tuy nhiên, nghề shipper tại khu vực Đông Nam Á đang ngày càng trở nên khó khăn hơn, khi thị trường bảo hoà và phí nền tảng tăng cao, tờ South China Morning Post, viết.

Với mức thu nhập thấp, rủ ro tai nạn cao và thuật toán của các nền tảng, việc chạy lòng vòng quanh các con đường ngập nước ở TP HCM nhanh chóng khiến shipper Linh Nguyễn (35 tuổi) nản lòng.

Linh cho biết cũng có những ngày đẹp trời khi đơn hàng “nổ” thường xuyên trên điện thoại và những khách hàng tốt tính. Nhưng vào những ngày tồi tệ, cơ thể cô đau nhức vì phải chạy xe liên tục 10 tiếng đồng hồ. Thu nhập trung bình hàng tháng khoảng 7 triệu đồng không đủ trang trải, cũng như đánh đổi những nguy hiểm trên đường và việc cạnh tranh giành khách hàng.

Linh hiện đang là shipper của ShopFood. Cô nói: “Với số tiền kiếm được, tôi chỉ đủ để trả tiền thuê nhà trọ và các chi phí hàng tháng. Hoàn toàn không thể phụ giúp bố mẹ”. 

Sau 6 tháng chạy xe, Linh đang tìm công việc mới.

 Một shipper Grab tại Hà Nội. (Ảnh: AFP).

Được thúc đẩy bởi xu hướng đặt hàng trực tuyến vốn gia tăng trong thời gian dịch bệnh, những công ty như Grab, Gojek,… đang thay đổi thói quen của nhiều người tiêu dùng bằng cách tích hợp các dịch vụ di chuyển, giao hàng, đặt đồ ăn,… và mang tới hàng triệu việc làm mới.

Từ những con đường giao thông tắc nghẽn ở Bangkok, đến những con đường đông đúc của Jakarta và những con phố chật hẹp của TP HCM, tất cả đều dễ dàng bắt gặp sắc áo đồng phục của những shipper.

Theo báo cáo của Modor Intelligence, chỉ riêng tại Việt Nam, lĩnh vực gọi xe được dự báo sẽ mang về doanh thu khoảng 1 tỷ USD trong năm nay và tăng lên 2,6 tỷ USD vào năm 2028. Trong cùng khoảng thời gian, con số này ở Thái Lan dự báo lần lượt là 2,26 tỷ USD và 4,6 tỷ USD.

Tuy nhiên, nhiều shipper ngày càng không hài lòng với việc chia sẻ doanh thu cho các nền tảng với vị thế là những lao động tự do, không được bảo vệ và phải chịu mọi rủi ro khi di chuyển trên những cung đường nguy hiểm.

“Với nhiều shipper hiện nay, thật khó để kiếm được thu nhập tốt”, tài xế Gojek tại TP HCM tên Khang Nguyên (26 tuổi) nói. 

Ba tháng trước, Khang đã rời bỏ công việc tại nhà máy để có được sự linh hoạt trong thời gian làm việc. Tuy nhiên hiện tại, anh sẵn sàng bỏ nghề shipper sau khi nhận mức lương chỉ 5 triệu đồng/tháng cho công việc nặng nhọc kéo dài suốt 11 tiếng đồng hồ mỗi ngày.

“Ban đêm, có những đoạn đường vắng rất đáng sợ”, Khang nói thêm.

Trong năm nay, cuộc khảo sát lương toàn cầu của Sala Explorer cho thấy những tài xế công nghệ của Việt Nam làm việc 48 giờ mỗi tuần sẽ nhận về trung bình 4,9 triệu đồng/tháng, sau khi trừ các chi phí. Con số này cao hơn mức lương tối thiểu 4,68 triệu đồng.

Ngoài thu nhập thấp, những lao động tự do này cho biết họ không nhận được những phúc lợi như các nhân viên hợp đồng khác, chẳng hạn an sinh xã hội, nghỉ thai sản, phép hàng năm hoặc trả lương làm thêm giờ.

Không có dữ liệu toàn diện về số tài xế công nghệ ở Việt Nam, nhưng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có khoảng 600.000 người. Những người tài xế này chỉ được nhận bảo hiểm tai nạn. 

Trong khi đó, theo Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, việc tiếp cận các chương trình phúc lợi xã hội, bảo hiểm y tế vẫn còn thấp ở những tài xế trẻ tuổi.

 Giao thông tại TP HCM. (Ảnh: Shutterstock).

An Hà, sinh viên công nghệ thông tin tại một trường đại học ở Hà Nội cho biết làm thêm bán thời gian cho Grab để phụ giúp bố mẹ ở quê. “Xe cộ trên đường di chuyển rất nhanh. Ngay cả khi tôi đi đúng thì tai nạn vẫn có thể xảy ra”, anh nói. Hà cho biết đã tự mua bảo hiểm y tế.

Trả lời các câu hỏi về biện pháp bảo vệ cho người lao động, Grab cho biết họ cung cấp một “bộ toàn diện” các chương trình phúc lợi bao gồm “bảo hiểm miễn phí liên quan đến công việc” cho các tài xế.

Foodpanda cũng nói rằng họ cung cấp bảo hiểm tai nạn cá nhân cho tất cả tài xế.

Không chỉ đối mặt với nguy hiểm, các tài xế cho biết thu nhập của họ đã đi xuống sau đại dịch, trước bối cảnh nền kinh tế chứa đựng nhiều rủi ro. Alvin Tan - một tài xế 36 tuổi tại Singapore nói rằng sau khi mở app lúc 10 giờ sáng anh phải chờ gần 12 tiếng sau mới có đơn hàng đầu tiên.

“Có rất nhiều người mới tham gia chạy shipper. Cung lệch cầu. Giờ đây tôi chỉ có vài đơn hàng mỗi ngày, nhiều nhất là 5 đơn”, Tan nói.

Tại Thái Lan, cạnh tranh giữa các shipper cũng gay gắt không kém. Những tài xế công nghệ thường xuyên bị các tài xế truyền thống tấn công vì đón khách quá gần các điểm lâu đời của họ.

Nói đi cũng phải nói lại, các nền tảng như Grab, Gojek đã trở thành cứu tinh cho nhiều người tiêu dùng trong thời đại kinh tế số, khi họ muốn ở yên trong nhà không muốn tham gia vào giao thông hỗn loạn bên ngoài.

Cựu tài xế Grab Paisit Jetkranboonchoo, người đã được thưởng vì hoàn tất 300 đơn trong một tháng cho biết nền tảng giao hàng đã cách mạng hoá cách anh làm việc, bằng cách tìm kiếm khách hàng cho anh và thưởng nếu có nhiều giờ hoạt động.

“Họ thậm chí còn thưởng nếu bạn hoạt động vào những giờ cao điểm”, anh nói. Paisit cho biết anh tự trả tiền đóng bảo hiểm và nhận thấy công việc tự do phù hợp với mình, đồng thời liệt kê các đặc quyền như giảm giá cà phê, xăng dầu và những thứ tương tự.

“Bạn có thể trả góp thông qua Grab để mua điện thoại mới. Tôi nghĩ rằng mình sẽ sớm có được chiếc iPhone mới mà chỉ mất khoảng 70.000 đồng mỗi ngày”, tài xế này cho hay.

Đức Huy (theo South China Morning Post)

Giá vàng tăng nóng, chuyên gia cảnh báo rủi ro kép khi mua vàng giá cao
Giới chuyên gia cho rằng việc mua vàng thời điểm này “cực kỳ rủi ro” vì nhà nước sẽ có nhiều biện pháp kéo giá vàng trong nước gần hơn với thế giới. Vì thế, lúc đó, ai mua giá cao sẽ chịu thiệt hại kép từ chênh lệch mua - bán (khoảng 2 triệu đồng/lượng) và việc NHNN có biện pháp can thiệp để hạ nhiệt giá.