|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thạc sĩ, tiến sĩ làm shipper giao đồ ăn để kiếm sống ở Trung Quốc

16:28 | 18/07/2023
Chia sẻ
Các hội chợ việc làm tiếp tục thu hút những người trẻ và sinh viên mới tốt nghiệp tại Trung Quốc bởi họ đang gặp khó khăn trong việc sử dụng bằng cấp để xin việc.

Ở tuổi 25, Liu Maomao không còn được coi là trẻ theo tiêu chuẩn lao động. Và điều đó có nghĩa là tình trạng thất nghiệp của cô không được ghi nhận trong báo cáo về thị trường việc làm dành cho thanh niên từ 16 tới 24 tuổi.

Thay vào đó, tình trạng thất nghiệp của Liu cũng như của những người trưởng thành khác đang ở độ tuổi giữa hai mươi, được phản ánh trong một báo cáo việc làm khác, chung nhóm với những người lao động lớn tuổi hơn.

“Tôi mong muốn tìm được việc làm phù hợp với tấm bằng cử nhân của mình. Một công việc đòi hỏi phải tư duy nhiều hơn. Nếu không, tôi dành thêm ba năm cho việc học để làm gì”, Liu nói.

Đã một tháng kể từ khi Liu hoàn thành khóa học sau đại học tại một trường ở tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc. Cô ấy đã vạch ra trong đầu những công việc lý tưởng nhưng cũng đoán được rằng có thể sẽ mất vài tháng để tìm được việc như ý.

“Cuộc cạnh tranh hoá ra khốc liệt hơn tôi tưởng. Thậm chí có rất nhiều ứng viên cho những công việc mà vài năm trước không ai thèm để mắt”, Liu - người có bằng thạc sĩ quản lý du lịch và muốn làm việc tại một công ty nhà nước, cho hay.

 Một hội chợ việc làm tại Trung Quốc. (Ảnh: Tân Hoa Xã).

Nếu không tìm được việc như mong muốn, cô ấy sẽ chọn làm giảng viên tại một trường cao đẳng công lập, nơi được trợ cấp tốt hơn và ổn định hơn so với các trường tư nhân ở Trung Quốc. Tuy nhiên, cô cũng biết việc không có bằng tiến sĩ có thể khiến mong muốn làm giảng viên ở trường công lập trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Cô cho biết một số bạn đại học của mình đã kiếm được việc làm và khá hài lòng trong bối cảnh số lượng ứng viên có trình độ tương đương nhau đang gia tăng và sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại.

Những yếu tố này đã dẫn đến việc nhiều thanh niên ưu tiên đảm bảo có việc làm, chấp nhận bất kỳ công việc nào họ có thể tìm thấy, không màng công việc đó có đáp ứng được yêu cầu hay sử dụng kiến thức chuyên môn họ đã được học hay không.

Điều này không có gì ngạc nhiên khi tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thành thị (16-24 tuổi) ở Trung Quốc tiếp tục chạm ngưỡng cao mới, đạt 21,3% vào tháng 6 theo số liệu chính thức. Tháng 5 con số này là 20,8% và tháng 4 là 20,4%. Điều này đã làm tăng nỗi sợ cho các sinh viên khi kỳ tốt nghiệp đang đến gần. Trong khi đó, tổng tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực thành thị Trung Quốc không thay đổi trong tháng 6, ở mức 5,2%.

Cô Liu cho rằng những lời mời làm việc mà thế hệ tốt nghiệp năm 2023 nhận được thường tệ hơn thế hệ sinh viên trước đó. Ngoài ra, còn nguyên nhân kép là số lượng người tốt nghiệp trong những năm đại dịch bị dồn ứ năm này qua năm khác vẫn đang phải tìm kiếm việc làm.

Nhiều sinh viên tốt nghiệp và nhận thấy tài năng của họ đang bị lãng phí khi họ cố gắng tìm kiếm một công việc phù hợp với những gì đã được đào tạo. Câu chuyện lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao đã dấy lên trong cộng đồng mạng Trung Quốc thời gian gần đây.

Câu chuyện như thế này, chính quyền cấp huyện ở Quảng Châu, Quảng Đông đã tuyển dụng hai người có bằng cử nhân và thạc sĩ vào làm công việc thanh tra phân loại rác, xử lý rác. Đài phát thanh Trung Quốc đưa tin rằng vị trí công việc này chỉ yêu cầu bằng cao đẳng, nhưng ứng viên có trình độ học vấn cao hơn đã nộp đơn ứng tuyển. 

“Không có lý do gì để từ chối một người có bằng cấp cao hơn”, một nhân viên cho biết. 

Trung Quốc gọi hiện tượng này bằng thuật ngữ “lợi tức tài năng” so với lợi tức nhân khẩu mà Trung Quốc được hưởng trong thập kỷ bùng nổ dân số qua. Bắc Kinh thúc đẩy phát triển nguồn nhân tài chất lượng cao trong bối cảnh tỷ lệ sinh giảm và dân số già.

Cơ quan chức năng lập luận rằng lực lượng lao động với 900 triệu người có trình độ học vấn đang tăng lên sẽ tạo xung lực mạnh mẽ cho phát triển. Trung bình người lao động Trung Quốc đang trải qua 14 năm đào tạo trước khi tìm kiếm việc làm.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo rằng Trung Quốc vẫn còn phải đối mặt với những thách thức lớn để đạt được lợi tức tài năng, trong đó có chất lượng giáo dục đại học kém, bằng cấp không phù hợp với công việc thực tế,…

“Thật vô nghĩa khi nói về lợi tức tài năng nếu mọi người không thể tìm được công việc phù hợp”, ông Chu Zhaohui, một nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Khoa học giáo dục quốc gia, cho biết. Ông nhấn mạnh rằng số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học đang tăng lên hàng năm, đạt kỷ lục 11,59 triệu người trong năm nay. Nhưng điều này không có nghĩa là Trung Quốc cung cấp đủ nguồn nhân lực mà các doanh nghiệp đang tìm kiếm.

Sở hữu một tấm bằng đại học không phải là điều kiện đủ. Ông nói: “Một thực tế không thể phủ nhận là nhiều người có bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ ở Trung Quốc ngày nay thiếu óc phán đoán cũng như kiến thức về thông tin và khoa học. Nền giáo dục mà chúng ta có hiện nay đang tiêu tốn của cải xã hội nhưng không trả về kết quả xứng đáng”.

Giáo sư nhân khẩu học tại trường Kinh tế Đại học Nam Khai, ông Yuan Xin, cho biết bất chấp dân số đang giảm, Trung Quốc vẫn có đủ lực lượng lao động trình độ cao. Tuy nhiên, vị giáo sư này đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có thể khai thác triệt để nguồn lao động trình độ cao này để phát triển đất nước hay không.

“Một chỉ số chính đó là việc làm. Chúng ta đang chứng kiến những người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ đi làm shipper giao đồ ăn để kiếm sống. Điều này cho thấy sự bất hợp lý giữa những gì trường học đào tạo và nhu cầu thực tế của thị trường. Do đó, cải cách giáo dục là điều cần thiết”, ông Yuan Xin nói.

Đức Huy