|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Dư thừa shipper, tài xế công nghệ tại Trung Quốc

15:24 | 10/08/2023
Chia sẻ
Những người lao động trong nền kinh tế chia sẻ của Trung Quốc đang vật lộn với mức thu nhập thấp và thời gian làm việc kéo dài.

Tờ South China Morning Post đưa tin, gánh nặng vực dậy nền kinh tế đang giảm tốc của Trung Quốc ngày càng đè nặng lên vai 200 triệu lao động tự do, những người vốn dĩ đã có ít sự bảo đảm trong một thị trường việc làm ngày càng bão hoà.

Shipper giao đồ ăn, tài xế công nghệ là một trong số nhiều ngành nghề được Bắc Kinh phân loại là “lao động tự do”. Những lao động tự do này không được bảo vệ bởi các hợp đồng lao động truyền thống, và đang phải đối mặt với tình trạng giảm thu nhập, tăng giờ làm.

Bắt đầu từ mùa hè năm nay, khi Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế về COVID-19 và mở cửa biên giới, sự phục hồi kinh tế đã không diễn ra như kỳ vọng. Cơ hội việc làm ít hơn, nhiều người bị đẩy vào nền kinh tế chia sẻ và chứng kiến thu nhập của mình bị giảm từ đó.

 Các tài xế giao hàng củaele.me. (Ảnh: AFP).

Một shipper giao hàng toàn thời gian trên Meituan - dịch vụ giao hàng có thị phần lớn nhất Trung Quốc, cho biết các đơn hàng đã giảm khoảng 1/3 so với trước kia, ngay cả khi anh ấy dành nhiều thời gian hơn để làm việc.

“Mỗi ngày tôi nhận được 30-40 đơn hàng, với 15 giờ làm việc”, shipper này nói. “Trước đây, tôi chạy ít giờ hơn nhưng nhận được tới 70 đơn hàng một ngày”. Vấn đề càng tồi tệ hơn với các shipper giao hàng khi nhiệt độ Bắc Kinh trong những ngày tháng 6 vượt ngưỡng 35 độ C, thậm chí có ngày lên tới 39 độ C. 

Bất chấp nắng nóng, nhiều shipper giao đồ ăn của Meituan hay ele.me (thuộc sở hữu Alibaba) đang dành hơn 10 tiếng mỗi ngày để chạy xe trên đường phố. Một tài xế giao hàng của ele.me, người đã tham gia nền tảng này vào tháng 5/2023 sau khi mất việc tại một nhà máy ở Sơn Tây, cho hay anh nhận được 60 đơn hàng mỗi ngày, làm việc từ 9h sáng tới 10h tối. Tuy nhiên, đến tháng 6, số đơn hàng nhiều nhất anh nhận được chỉ còn 40.

Tháng 6, Meituan cam kết triển khai gói hỗ trợ 97,4 triệu USD phụ cấp nắng nóng và hứa hẹn các biện pháp như tối ưu thuật toán với các chuyến giao hàng dưới trời nắng. Sau đó là ele.me với thông báo sẽ có phụ cấp thời tiết khắc nghiệt. Công ty cho biết họ cung cấp cho shipper các đồ giảm nhiệt, tối ưu hoá tuyến đường giao hàng và các khoá đào tạo.

Shipper có sự thoải mái khi làm việc trên một chiếc xe được trang bị máy lạnh, nhưng điều đó cũng không giúp ích gì cho ví tiền của họ. Một tài xế công nghệ của Didi Chuxing ở Bắc Kinh nói rằng anh nhận thấy các cuốc xe và thu nhập của mình đang giảm đi. “Có rất nhiều người như tôi, họ bắt đầu trở thành tài xế công nghệ sau khi mất việc làm vào hai năm trước. Ngày càng có nhiều người tham gia nền tảng cũng có nghĩa là việc làm cho tài xế mới sẽ ít hơn”, anh nói.

Trong tháng 6, trung bình mỗi ngày người tài xế này nhận được 14 cuốc xe khi làm việc 10 tiếng đồng hồ. Anh cho biết đang cân nhắc tìm một công việc khác sau khi hết hạn thuê xe trong 6 tháng.

Theo Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc, cuối năm ngoái nước này đang có 5,1 triệu tài xế công nghệ, tăng 76% so với năm 2020. Ngược lại, số lượng hành khách sử dụng dịch vụ chỉ tăng 20% trong cùng khoảng thời gian. 

Tháng 4, Sở Giao thông thành phố Đông Quan cho biết sự gia tăng số lượng tài xế công nghệ làm giảm gần 20% đơn hàng trung bình cho mỗi lao động so với năm 2022. Thu nhập trung bình mỗi người vì thế cũng giảm.

 

Việc dư thừa tài xế công nghệ tại Trung Quốc xuất hiện khi các nền tảng công nghệ lớn nước này đang cố gắng phục hồi sau hai năm bị siết chặt quản lý và chỉ bắt đầu “dễ thở” hơn vào cuối năm ngoái. 

Các nền tảng công nghệ, kinh tế chia sẻ trở thành tâm điểm của các quy định siết chặt từ tháng 11/2020, khi kế hoạch IPO của Ant Group - công ty fintech của Alibaba, đột ngột bị huỷ bỏ. Sau đó, Bắc Kinh đã mạnh tay với các nền tảng công nghệ, không loại trừ bất kỳ công ty nào, mở các cuộc điều tra chống độc quyền và bảo mật dữ liệu.

Các dịch vụ kinh tế chia sẻ cũng nằm trong tâm bão. Năm 2021, Didi trở thành công ty đầu tiên bị kiểm tra an ninh mạng của Trung Quốc, vài ngày sau khi IPO tại New York. Ứng dụng chính của Didi bị gỡ khỏi các cửa hàng ứng dụng trong 18 tháng. 

Meituan cũng bị phạt 530 triệu USD vì buộc người bán phải độc quyền sử dụng nền tảng của mình.

Một tháng sau khi IPO Ant Group bị huỷ bỏ, Alibaba trở thành đối tượng của cuộc điều tra chống độc quyền và bị phạt 2,8 tỷ USD vài tháng sau đó. Đầu năm nay, Ant bị phạt 984 triệu USD.

Mặc dù những hành động này đã thổi bay hơn 1.000 tỷ USD giá trị cổ phiếu các công ty công nghệ Trung Quốc nhưng nó không thay đổi được nhiều. 

 

Trong năm nay, Didi đã được cho phép tiếp tục có người dùng mới, nhưng họ vẫn là hãng gọi xe lớn nhất Trung Quốc. Những đối thủ nhỏ hơn đã không thể tận dụng cơ hội trước những khó khăn của Didi.

Tương tự, Meituan gần đây đã mở rộng việc kinh doanh tại Hong Kong với việc khai trương một dịch vụ mới có tên là KeeTa. 

Theo Hiệp hội kinh tế thông tin Trung Quốc (CIES), các nền tảng công nghệ nước này đã tạo ra hơn 240 việc làm vào năm 2021, chiếm 21% tổng số người trong độ tuổi lao động. Còn theo Tổng Cục thống kế Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong độ tuổi 16-24 đã tăng 20,8% trong tháng 5, so với tỷ lệ chung là 5,2%. 

Trong khi đó, gần 11,6 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học sẽ bắt đầu đi làm vào cuối năm nay. Điều gì sẽ xảy ra nếu những sinh viên này không thể tìm được việc làm? Đầu tháng 7, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã họp với các CEO công ty công nghệ hàng đầu đất nước, như Meituan, Xiaohongshu, Huolala, Alibaba Cloud, ByteDance, Pinduoduo và JD.com.

Trong cuộc họp, ông Lý Cường nói rằng nền kinh tế chia sẻ có tiềm năng rất lớn. Ông Lý cam kết chính phủ sẽ cải thiện khả năng tiếp cận nguồn vốn, giảm thủ tục hành chính và tạo ra hệ thống quy định minh bạch.

Nhiều người lao động trong nền kinh tế này lại có một mối quan tâm khác, đó là người dân không còn mua sắm nhiều như trước đại dịch. Một nhân viên thu ngân trong tiệm bánh tại Bắc Kinh cho biết họ đã từng nhận được hơn 100 đơn đặt hàng online mỗi ngày, ngay cả trong dịch bệnh, khi nhiều người chuyển sang mua sắm trực tuyến.

“Nhưng bây giờ, chỉ bằng một nửa số đó cũng đã là ngày may mắn với chúng tôi lắm rồi”, người này nói.

Đức Huy (theo SCMP)