|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nghệ An thiếu mía nguyên liệu

15:54 | 13/12/2016
Chia sẻ
Theo báo cáo của các công ty mía đường, niên vụ ép 2015 - 2016, diện tích mía nguyên liệu tại Nghệ An chỉ đạt 71,22 so với quy hoạch. 

Niên vụ 2016-2017, diện tích và sản lượng mía cũng không đáp ứng nhu cầu kế hoạch sản xuất của các công ty...

Diện tích, năng suất, sản lượng đều giảm

Theo quy hoạch, Nghệ An có 30.600ha mía nguyên liệu. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của các công ty mía đường đóng trên địa bàn, niên vụ ép 2015 - 2016 diện tích mía nguyên liệu toàn tỉnh là 21.792ha; năng suất bình quân chỉ đạt 51,34 tấn/ha, giảm 0,66 tấn/ha. Sản lượng mía giảm từ 1.320.953 tấn xuống còn 1.157.300 tấn so với vụ ép 2014 - 2015.

nghe an thieu mia nguyen lieu
http://www.baohaiquan.vn/pages/phan-doi-chuong-trinh-thanh-tra-ca-da-tron-cua-usda.aspx

Điều đáng lo ngại đối với các doanh nghiệp mía đường Nghệ An là tại nhiều địa phương, diện tích mía đang tiếp tục có xu hướng giảm diện tích và sản lượng.

Năm 2013, sau 10 năm trồng mía, ông Trần Văn Tâm ở xóm Đà Sơn, xã Nghĩa Phúc (Tân Kỳ) chuyển sang trồng cam. Đến nay, gia đình ông Tâm đã có 6ha cam chuẩn bị vào thời kỳ kinh doanh.

“Trước đây trồng mía, năng suất đạt khoảng 55 tấn/ha, trừ chi phí lãi ròng khoảng 20 triệu đồng/ha/năm. Sau khi khảo sát, thấy chất đất ở đây phù hợp với cây cam, gia đình tôi đã mạnh dạn chuyển đổi. Theo tính toán, nếu năng suất đạt 15 tấn/ha, mỗi năm sẽ thu về 90 tấn cam/năm, nguồn thu không dưới 3 tỷ đồng. Ở đây, nhiều hộ cũng đã chuyển diện tích đất mía và các loại cây trồng kém hiệu quả khác sang trồng cam”, ông Tâm cho biết.

Ông Nguyễn Bá Thức, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tân Kỳ cho biết, theo quy hoạch vùng nguyên liệu, Tân Kỳ có 8.000ha mía. Tuy nhiên, niên vụ 2014 -2015 toàn huyện chỉ còn 6.700ha và niên vụ 2015-2016 chỉ còn 5.400ha và đang có xu hướng giảm. “Một số diện tích nông dân luân canh trồng các loại cây trồng khác, một số chuyển sang trồng sắn và trồng cam”, ông Thức cho biết.

Các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp là những địa phương trọng điểm vùng nguyên liệu mía của Công ty TNHH Mía đường Nghệ An (NASU), những năm qua diện tích mía ở đây có chiều hướng giảm, một phần do luân canh nhưng cơ bản vẫn là xu hướng chuyển đổi cây trồng.

Năm 2015 Nghĩa Đàn có 8.400ha mía, thì đến nay giảm xuống còn 7.800ha. Một số địa phương có diện tích mía được chuyển đổi sang cây trồng khác nhanh như xã Nghĩa Phú, Nghĩa Hiếu… Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do việc người dân chuyển một số diện tích sang trồng cây có múi như bưởi, cam. Đây là những loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với mía. Tại huyện Quỳ Hợp, niên vụ 2014 - 2015 có hơn 6.000ha mía, thì hiện chỉ còn 5.100ha.

Giải bài toán thiếu nguyên liệu

Nhu cầu vụ ép 2016 - 2017 các công ty mía đường tại Nghệ An là 22.647ha với sản lượng 1.209.325 tấn. Tuy nhiên, tổng diện tích vùng nguyên liệu thực tế là 22.195ha và sản lượng 1.195.500 tấn. Trước thực trạng trên, ngoài các chính sách đã thực hiện, niên vụ 2016 - 2017, các nhà máy đường đã có nhiều chính sách hỗ trợ để nông dân gắn bó với cây mía.

Công ty TNHH Mía đường Nghệ An (NASU) có vùng nguyên liệu mía lớn nhất trong số các nhà máy mía đường tại Nghệ An với 18.500ha. Nhưng thực tế, diện tích vùng nguyên liệu công ty ký hợp đồng đầu tư, tiêu thụ sản phẩm là 14.470ha. Năng suất mía ở đây bình quân đạt 52 tấn/ha, sản lượng mía nguyên liệu trong vụ ép 2014 - 2015 chỉ đạt 752.440 tấn. Niên vụ ép 2015 - 2016, sản lượng giảm xuống còn 623.000 tấn.

Nhằm tăng năng suất, khuyến khích nông dân trồng mía, niên vụ 2016 - 2017, NASU đã liên kết với Viện Di truyền nông nghiệp triển khai dự án giống sạch bệnh 3 cấp: Vùng giống mía cấp I tại Yên Thành, vùng giống cấp II (50ha) và giống cấp III ở Nghĩa Đàn (200ha). Ngoài ra, công ty còn triển khai dự án cơ giới hóa: Đầu tư mua máy cày công suất lớn, cày sâu chống hạn; máy trồng mía, bón phân phun thuốc (7 - 10 tỷ đồng); đầu tư mua máy bốc chuyển mía từ ruộng lên xe vận chuyển...

Vùng nguyên liệu mía của Công ty Cổ phần mía đường Sông Con vụ ép 2014 -2015 cũng giảm 20% diện tích khiến nhà máy thiếu nguyên liệu sản xuất.

Ông Nguyễn Bá Quý, Phó Giám đốc Công ty Mía đường Sông Con cho biết: “Hiện công suất của nhà máy 3.300 tấn mía/ngày. Nguyên liệu mía đầu vào hàng ngày vẫn đáp ứng công suất nhưng do năng suất, sản lượng giảm nên nếu tính cả niên vụ ép thì nhà máy sẽ thiếu hụt nguyên liệu. Điều đó sẽ khiến nhà máy gặp nhiêu khó khăn trong sản xuất kinh doanh.

Trước tình hình này, nhà máy đã có nhiều chính sách hỗ trợ để nông dân gắn bó với cây mía như đầu tư, hỗ trợ cho các hộ mua máy làm đất, đầu tư thiết bị và công nghệ sản xuất tiên tiến vào các vùng có diện tích tập trung; khuyến khích xây dựng cánh đồng lớn; hỗ trợ cho vay vốn đối với các chi phí như: làm đất, giống, BVTV; hỗ trợ toàn bộ lãi suất tiền vay để sản xuất mía với điều kiện người sản xuất thực hiện đúng các cam kết, quy định của Công ty về sản xuất mía nguyên liệu (2 triệu đồng/ha). Đối với hộ có từ 6ha trở lên công ty cho vay 100 triệu, 3ha trở lên cho vay 50 triệu, 1ha trở lên vay 10 triệu...”.

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 3 nhà máy chế biến đường, với tổng công suất ép thiết kế 13.800 tấn mía/ngày. Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt - BVTV tỉnh, vụ ép vừa qua, nhìn chung các nhà máy đều tích cực triển khai các chính sách khuyến khích phát triển vùng nguyên liệu.

Mục tiêu của Nghệ An, đến năm 2020 vùng nguyên liệu mía đứng quy hoạch 28.400ha, năng suất mía bình quân đạt 70,5 tấn/ha, sản lượng mía đạt trên 2 triệu tấn, công suất ép của các nhà máy nâng lên 15.500 tấn/ngày.

Võ Văn Dũng