|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ngày mai, Bộ Y tế họp thẩm định vắc xin COVID-19 'made in Việt Nam' Nanocovax

14:25 | 06/08/2021
Chia sẻ
Trong sáng 7/8, Bộ Y tế sẽ họp hội đồng thẩm định pha 2 vắc xin Nanocovax và sẽ có thông tin chính thức về nội dung này

Liên quan đến thông tin vắc xin COVID-19 "made in Việt Nam" Nanocovax có kết quả mới trong thử nghiệm, ngày 6/8, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong sáng 7/8, Bộ Y tế sẽ họp hội đồng thẩm định pha 2 vắc xin Nanocovax và sẽ có thông tin chính thức về nội dung này.

Trước đó, ông Hồ Nhân, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen đã có công văn hỏa tốc gửi Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế; Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia, Bộ Y tế; Hội đồng đạo đức Học viện Quân y;

Hội đồng đạo đức Viện Pasteur TP HCM về kết quả nghiên cứu vắc xin Nanocovax ước tính hiệu quả bảo vệ dựa trên kết quả sinh miễn dịch.

Kết quả nghiên cứu do Viện Pasteur TP HCM thực hiện là một phần trong nghiên cứu giai đoạn 2 vắc xin Nanocovax.

Các nhà khoa học đánh giá hiệu giá kháng thể trung hoà virus bằng PRNT50 của những người đã tiêm vắc xin Nanocovax, so sánh với người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu lấy mẫu máu của 112 tình nguyện viên tại thời điểm 42 ngày sau tiêm mũi 1 vắc xin Nanocovax, sau đó thực hiện xét nghiệm trung hoà giảm đám hoại tử (PRNT) với virus SARS-CoV-2 sống trên nuôi cấy tế bào (PRNT 50) tại phòng xét nghiệm của Viện Pasteur TP HCM.

Đánh giá hiệu giá kháng thể trung hoà bằng PRT50 là "tiêu chuẩn vàng" để phát hiện và đo lường các kháng thể có khả năng vô hiệu hóa virus hay không.

Trong phòng thí nghiệm, máu của người tiêm vắc xin sẽ được pha loãng, trộn chung với virus sống để đánh giá hiệu quả bảo vệ.

Kết quả này so sánh với 16 mẫu huyết thanh của nhóm bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh, lấy tại thời điểm trung bình 36,4 ngày từ khi có kết quả chẩn đoán dương tính với SARS-CoV-2.

Trong số này có 1 trường hợp không triệu chứng; 3 trường hợp mức độ nhẹ và 12 trường hợp có mức độ trung bình trở lên.

Nhóm nghiên cứu báo cáo, hiệu giá kháng thể trung hoà của vắc xin Nanocovax cao gấp hơn 2 lần so với nhóm khỏi bệnh, tương đương hiệu quả bảo vệ là 90% trong việc ngăn ngừa COVID-19 có triệu chứng.

Sau khi tiêm vắc xin 3 tháng, hàm lượng kháng thể đặc hiệu của người tiêm Nanocovax vẫn cao hơn nhóm khỏi bệnh.

Với kết quả trên, Nanogen tiếp tục xin Bộ Y tế, Hội đồng đạo đức xem xét để có cơ sở cấp phép khẩn cấp.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng đang làm đánh giá trên biến thể Delta (Ấn Độ), bước đầu vắc xin Nanocovax có khả năng trung hòa biến chủng này.

Hiện tại, vắc xin Nanocovax đang hoàn tất mũi 2 cho 12.000 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm lâm sàng pha 3b, dự kiến hoàn tất trước ngày 15/8.

Trước đó, ngày 2/8, tại buổi làm việc với Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, Công ty Nanogen báo cáo kết quả phân tích mẫu máu ngày thứ 42 của 1.000 tình nguyện viên pha 3a cho thấy, 100% người tiêm vắc xin Nanocovax có kháng thể trung hòa Surrogate trên ngưỡng 30%; 99.2% đối tượng chuyển đổi huyết thanh của kháng thể IgG kháng Protein S gấp 4 lần.

Bộ Y tế đề nghị Nanogen gửi báo cáo dữ liệu nghiên cứu pha 2 và bước đầu pha 3 trước ngày 15/8, từ đó Bộ Y tế có số liệu gửi Hội đồng đạo đức và Hội đồng cấp phép của Bộ Y tế xem xét cấp phép trong tình trạng khẩn cấp.

Đến nay, Nanocovax là vắc xin phòng COVID-19 đầu tiên của Việt Nam đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Giai đoạn 3 được Bộ Y tế phê duyệt thử nghiệm trên 13.000 tình nguyện viên theo 2 pha 3 a va 3b.

Quá trình thử nghiệm được diễn ra tại Học viện Quân Y (Bộ Quốc phòng); Tỉnh Hưng Yên (vẫn do Học viện Quân Y triển khai) và Trung tâm Y tế huyện Bến Lức (Long An) do Viện Pasteur TP HCM đảm nhiệm.

Một số địa phương như Khánh Hoà, Bình Dương đã có văn bản xin được tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vắc xin Nanocovax.

Hoàng Bình

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.