|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ngày càng siết chặt đầu tư công

22:45 | 16/03/2018
Chia sẻ
Bộ Tài chính nhận nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, UBND các tỉnh, thành phố tại 4 bộ và 61 địa phương giai đoạn 2012 - 2015 và giai đoạn 2014 - 2016, theo một Quyết định của Thủ tướng vừa được ban hành.
ngay cang siet chat dau tu cong Bộ KH&ĐT: Dời ga Đà Nẵng cần gần 5.800 tỷ đồng, dùng vốn đầu tư công trung hạn là không khả thi
ngay cang siet chat dau tu cong Nợ công cao, đầu tư công kém hiệu quả: Gánh nợ còn nặng?

Cụ thể, Thủ tướng quyết định điều chỉnh giảm kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012 - 2015 và 2014 - 2016 với tổng số vốn điều chỉnh giảm là 3.776,869 tỷ đồng.

ngay cang siet chat dau tu cong
Năm 2017, Chính phủ đã thu hồi 876,942 tỷ đồng của 5 bộ, ngành, 1 địa phương do phân bổ không đúng quy định.

Trong đó, tổng số vốn điều chỉnh giảm tại 4 bộ gồm Giao thông Vận tải, Quốc phòng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế là 2.161,887 tỷ đồng; tổng số vốn điều chỉnh giảm tại 61 địa phương là 1.614,981 tỷ đồng.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính giám sát, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (bao gồm trái phiếu Chính phủ) năm 2018 được giao; chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng và các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tính chính xác của các thông tin, số liệu báo cáo.

Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thu hồi vốn trái phiếu Chính phủ điều chỉnh giảm giai đoạn 2012 - 2015 và giai đoạn 2014 - 2016; không cho giải ngân vốn trái phiếu chính phủ kế hoạch hàng năm của mỗi dự án vượt tổng vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2012 - 2015 và giai đoạn 2014 - 2016 sau khi điều chỉnh.

Đồng thời, báo cáo tình hình thu hồi vốn trái phiếu Chính phủ điều chỉnh giảm giai đoạn 2012 - 2015 và giai đoạn 2014 - 2016 và tình hình giải ngân kế hoạch vốn ngân sách nhà nước (bao gồm trái phiếu chính phủ) kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân sang năm 2018 theo định kỳ hàng tháng và hàng quý theo quy định.

Đây được xem là động thái thể hiện rõ thái độ của Chính phủ trong việc ngày càng siết chặt đầu tư công cho phù hợp với tình trạng ngặt nghèo của ngân sách nhà nước.

Vào năm ngoái, Chính phủ cũng đã thu hồi 876,942 tỷ đồng của 5 bộ, ngành, 1 địa phương do phân bổ không đúng quy định.

Cụ thể, thu hồi 179,985 tỷ đồng dự kiến bố trí cho dự án đầu tư xây dựng trụ sở Bộ Ngoại giao và dự án đầu tư phát triển và mở rộng Nhà máy in tiền quốc gia (Ngân hàng Nhà nước).

Thu hồi 397,422 tỷ đồng dự kiến bố trí cho dự án đóng mới tàu tuần tra cao tốc của Bộ đội Biên phòng, sử dụng vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) vay của Ấn Độ.

Thu hồi 202,421 tỷ đồng dự kiến bố trí cho dự án giáo dục trung học cơ sở khu vực khó khăn nhất giai đoạn 2 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời thu hồi 87 tỷ đồng dự kiến bố trí cho 2 dự án của Tập đoàn điện lực Việt Nam, và 1,114 tỷ đồng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Khoản kinh phí này phải thu hồi do không đủ điều kiện để giao vốn. Trong đó, dự án của Bộ Ngoại giao và Ngân hàng Nhà nước giải ngân rất thấp theo kế hoạch vốn năm 2016, mặc dù đã được Chính phủ châm chước xét tiến độ giải ngân đến tháng 1/2017, không xét đến tháng 9/2016 như thông lệ.

Dự án của Bộ Quốc phòng chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, không có đề xuất tiếp tục bố trí vốn cho dự án, không có dự án chuyển tiếp khác có nhu cầu vốn.

Dự án phát triển trung học cơ sở khu vực giai đoạn 2 của Bộ Giáo dục và Đào tạo bị thu hồi do trong quá trình lập kế hoạch vốn năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lập cả phần vốn của địa phương là chưa đúng theo quy định của pháp luật vì theo Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, đối với các dự án nhóm có cơ cấu hỗn hợp, dự án thành phần ở Trung ương do bộ, ngành Trung ương xây dựng kế hoạch, còn dự án thành phần ở địa phương do địa phương xây dựng kế hoạch.

Còn đối với kinh phí dự kiến bố trí cho Tập đoàn điện lực Việt Nam bị thu hồi, vì đã hoàn thành dự án, nếu tiếp tục phân bổ sẽ vượt tổng mức đầu tư của dự án, đồng thời kinh phí dự kiến này không nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn...

Tại kỳ họp Quốc hội diễn ra vào cuối năm ngoái, lần đầu tiên Bộ Kế hoạch và Đầu tư có báo cáo về việc xử phạt các dự án đầu tư công. Bộ này cho biết, trong 2 năm 2016, 2017, đã tổ chức 16 cuộc thanh tra tại 16 tỉnh, kiến nghị xử lý về mặt kinh tế với tổng số tiền là 1.511,2 tỷ đồng.

Việc thanh tra tập trung vào lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư và điều chỉnh tổng mức đầu tư; quá trình thực hiện dự án; việc xử lý nợ đọng vốn xây dựng cơ bản các tỉnh Thái Bình, Hòa Bình, Trà Vinh, Phú Yên, Tuyên Quang, Nghệ An, Sơn La, Thái Nguyên, Ninh Bình, Quảng Nam, Bắc Ninh, Khánh Hòa, Đắk Nông, Quảng Ngãi, Sóc Trăng và Cà Mau.

Sau nhiều năm buông lỏng và khá xuê xoa trong quản các dự án đầu tư công, thì cơ quan này bắt đầu thể hiện sự quyết tâm mạnh tay trong xử phạt.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về tình trạng đầu tư còn dàn trải, kém hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ, "chúng tôi thực sự chưa nghiêm túc, còn nể nang. Chúng tôi xin nhận trách nhiệm", và hứa trước Quốc hội sẽ thực hiện nghiêm.

Đoàn Trần

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.